Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 12 năm 2024,
Ông chủ 8X của chuỗi thời trang YODY: Chọn vùng ven để tập bơi
Gia Huy - 08/11/2016 07:19
 
Thành lập từ năm 2014, YODY hiện có 29 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ông chủ thương hiệu này đặt mục tiêu, đến năm 2017, sẽ có 65 cửa hàng khắp cả nước và đến năm 2020, sẽ xuất khẩu ra ít nhất 3 nước Đông Nam Á. Liệu YODY có đủ sức làm được điều này?

Khác biệt từ cách chọn thị trường bàn đạp

Mới đây, khi thương hiệu thời trang mang tên YODY trình làng tại Hà Nội, lễ khai trương đã được tổ chức rầm rộ, với sự góp mặt của các ca sỹ, người mẫu như một buổi trình diễn thời trang chuyên nghiệp. Nhiều người không khỏi thắc mắc, YODY là ai, liệu sẽ tồn tại ở thị trường Hà Nội được bao lâu, hay cũng như nhiều hãng thời trang trước đây, rầm rộ khai trương rồi âm thầm “chết yểu”?

Bắt đầu bằng chuỗi cửa hàng thời trang tại tỉnh Hải Dương từ năm 2009, do ông chủ sinh năm 1984 Nguyễn Việt Hòa sáng lập, chỉ trong thời gian ngắn, YODY phát triển hàng loạt cửa hàng tại tỉnh Hải Dương, rồi lan tới Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên… Các cửa hàng YODI đều có vị trí tốt, được đầu tư bài bản và cách chăm sóc khách hàng chu đáo, đã giúp thương hiệu này, dù mới ra đời, nhưng rất đông khách hàng. Đặc biệt, giá thành của nhãn hàng thời trang này không cao, bao gồm quần áo thời trang và các loại phụ kiện (tất, dây thắt lưng, giày, dép, quần áo lót…) dành cho cả nam và nữ, nên rất hút khách hàng trẻ.

Cửa hàng YODY luôn thu hút khách hàng trẻ. Ảnh: Gia Huy
Cửa hàng YODY luôn thu hút khách hàng trẻ. Ảnh: Gia Huy

Theo những người sáng lập YODY, các sản phẩm của thương hiệu này được đội ngũ thiết kế giỏi thực hiện, chất liệu cũng được lựa chọn kỹ và sản phẩm được gia công bởi các hãng may nổi tiếng phía Bắc. Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, điểm khác biệt của YODY, mà các thương hiệu khác chưa làm, đó là chọn thị trường bàn đạp. “YODY đi vào thị trường ngách, tạo độ phủ tại những tỉnh, thành phố đang phát triển, tập trung tìm kiếm các đối tác là nhân viên đã đồng hành cùng với YODY trong thời gian dài, hiểu sản phẩm và văn hóa “coi khách hàng và cung cách phục vụ khách hàng là tối thượng” của công ty để nhượng quyền. Chính vì vậy, ra đời từ năm 2014, nhưng mãi tới năm 2016, tôi mới chính thức đặt chân vào thị trường khổng lồ Hà Nội”, ông Hòa nói.

Chỉ trong tháng 10/2016, YODY cho ra đời thêm 10 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và đặt mục tiêu kết thúc năm 2016, sẽ có 38 cửa hàng. Mỗi cửa hàng được đầu tư 1 tỷ đồng, số tiền được YODY thực hiện bằng việc đối tác ký quỹ trên một hợp đồng hợp tác giá trị 5 năm, để YODY đầu tư cửa hàng và giao cho đối tác quản lý khai thác. Lợi nhuận theo phần trăm doanh thu.

Không chia sẻ về doanh thu trong năm 2016, nhưng sự phát triển rầm rộ các cửa hàng, phần nào cho thấy, doanh thu không hề nhỏ của thương hiệu này.

Liệu YODY có tránh được vết xe đổ?

Thị trường dệt may Việt Nam đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành thời trang lao đao và tham vọng như YODY không phải thiếu. Trước đây đã có rất nhiều thương hiệu ra đời, với nhiều lợi thế hơn YODY, nhưng rồi đã nhanh chóng chìm xuống. Bên cạnh đó, hàng loạt hãng thời trang thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Zara, H&M… cũng vào Việt Nam và ra kế hoạch mở hàng loạt  cửa hàng bán lẻ.

Những hãng thời trang ngoại được coi là một vật cản cho những thương hiệu nội như YODY, bởi sự đa dạng mẫu mã, chất liệu tốt, tài chính mạnh, cùng chiến lược phát triển bài bản, cũng như tâm lý sính ngoại của người Việt. Nhưng YODY, thay vì tập trung vào các thành phố lớn, nơi mà các ông lớn đang tập trung, đã chọn thị trường các tỉnh, thành phố đang phát triển, coi đây là bàn đạp để phát triển lâu dài.

“Tôi đang tập bơi nên tôi sẽ chọn vùng ven để tập, khi đã bơi giỏi tôi mới bơi ra vùng rộng lớn, nước sâu”, ông Hòa nói. Ngoài ra, YODY coi văn hóa là nền tảng, đội ngũ là giá trị cốt lõi và với chiến lược “Thương hiệu thân thiện nhất Việt Nam".

Để không đi vào vết xe đổ của những thương hiệu đi trước, ông chủ của YODY cho biết, mỗi cửa hàng đặt ra “khách hàng mục tiêu”, sau đó, tiếp tục xây dựng chiến lược “hậu mãi”. Cùng với chăm sóc khách hàng là vấn đề chất lượng sản phẩm. YODY làm việc với các nhà máy, xây dựng đội ngũ thiết kế riêng, xây dựng phòng kỹ thuật và đưa nhân viên kỹ thuật đến trực tiếp giám sát tại xưởng. Với những cửa hàng nhượng quyền, YODY vẫn quản lý chất lượng, 100% các tiêu chuẩn, có giám sát bán hàng, quản lý khu vực, đào tạo thực hành giám sát toàn bộ hệ thống.

Ông chủ YODY không giấu tham vọng, đến năm 2020 sẽ đưa thương hiệu ra 3 nước Đông Nam Á. “YODY ra đời và phát triển không phải để cạnh tranh với ai, mà chỉ hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam đi khắp thế giới, muốn chứng minh cho cả thế giới biết, thời trang Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các thương hiệu lớn”, ông Hòa chia sẻ.

Thiết kế thời trang cho người dùng xe lăn: Khó khăn khi tái định vị thương hiệu
Nhà thiết kế thời trang người Canada Izzy Camilleri, 51 tuổi, từng nổi tiếng với việc thiết kế quần áo cho những ngôi sao hàng đầu như David Bowei,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư