Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ: Tín dụng tiêu dùng mạnh sẽ giảm dư địa của tín dụng đen
Kỳ Thành - 15/03/2019 11:14
 
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tín dụng tiêu dùng tăng nhanh do tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Trong trung hạn, tín dụng tiêu dùng có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ thu nhập tăng lên.

Các nhà cung cấp dịch vụ phát triển nhanh khiến nguồn cung, độ bao phổ nhanh, góp phần giảm bớt tín dụng đen. Không có tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính hiện nay, không biết tín dụng đen còn hoành hành như thế nào, ông Tú Anh nhận xét.

Ông Nguyễn Tú Anh
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Tín dụng tiêu dùng mang lại cơ hội cho người dân cơ hội được tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ trước và trả tiền sau, giúp tối đa hóa việc sử dụng dòng tiền/thu nhập của mình theo thời gian.

Tín dụng tiêu dùng không chỉ là tiêu sản, mà còn là tài sản giúp mang lại cơ hội kinh doanh, sản xuất hàng hóa cho người dân và hộ gia đình.

Tín dụng tiêu dùng cho mục tiêu mua và sửa chữa, mở rộng nhà ở cũng là để tăng tài sản cố định cho các hộ sản xuất kinh doanh qua đó giúp phát triển khu vực kinh tế quan trọng này.

Hiện nay, các khoản vay để mua nhà và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng (khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng), sau đó đến các khoản vay mua đồ gia dụng, hàng hóa lâu bền, phương tiện đi lại như ô tô, xe máy (khoảng 15-20%).

Điều này cho thấy tín dụng tiêu dùng có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ mua sắm các tài sản lưỡng dụng của hộ gia đình, cá thể tự doanh.

Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng ít rủi ro lây lan hơn tín dụng doanh nghiệp. Do các hoạt động sản xuất kinh doanh luôn có các giao dịch với nhiều đối tác khác nhau, rủi ro một món cho vay doanh nghiệp có thể dẫn tới rủi ro của các khoản cho vay ở các doanh nghiệp khác.

Ngược lại với tín dụng tiêu dùng thường ít có tính liên kết, khoản vay thường nhỏ do đó rủi ro của một món vay tiêu dùng thường chỉ khu trú trong rủi ro của món vay đó mà thôi mà không ảnh hưởng nhiều đến rủi ro của các khoản vay tiêu dùng của người khác.

Nhờ đó, phát triển tín dụng tiêu dùng giúp các tổ chức tín dụng đa dạng hoá được rủi ro, giảm thiểu được các nguy cơ lây lan rủi ro. Đây là một lợi thế.

Tuy nhiên, cũng có những rủi ro. Thứ nhất, rủi ro vĩ mô, hệ thống như lãi suất tăng, cú sốc về thu nhập hay cú sốc về của cải. Những rủi ro này thường ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả lãi và gốc của người đi vay. Lãi suất cho vay tiêu dùng thường là lãi suất cao và thả nổi.

Tiếp đến là rủi ro vay mượn quá mức. Rủi ro này chủ yếu do người đi vay tiêu dùng ít có các kiến thức về đánh giá và phòng ngừa rủi ro hơn các doanh nghiệp. Do đó, họ thường đánh giá quá cao khả năng trả nợ của mình và đánh giá quá thấp các rủi ro đối với dòng tiền trong tương lai của mình.

Rủi ro tiếp theo là rủi ro bong bóng. Kinh tế tăng trưởng tốt, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng tiêu dùng cho việc mua sắm nhà, nâng cấp nhà ở tăng lên. Điều này làm cho giá nhà đất tăng lên. Điều này kích thích người dân vay tiêu dùng để đầu cơ nhà, đất bằng cách vay tiêu dùng để xây nhà để ở sau đó bán đi để mua nhà khác. Nếu điều này xảy ra trên quy mô lớn sẽ làm bong bóng nhà đất tăng lên. Nhưng vấn đề này chưa phải quá là quan tâm.

Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng đã cao hơn 25% GDP, do đó các rủi ro vĩ mô, rủi ro hệ thống có thể gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế và bản thân hệ thống các tín dụng tiêu dùng. Do đó, cần phải có một hệ thống cảnh báo, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của tín dụng tiêu dùng để đảm bảo ngăn ngừa các rủi có thể xảy ra. 

Ngoài ra, rủi ro bong bóng đang tăng lên khi nhu cầu tín dụng tiêu dùng cho việc mua, xây nhà để ở tăng lên và giá nhà đất đang tăng có thể khuyến khích người dân tham gia thị trường đầu cơ bất động sản.

Bên cạnh đó, cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp tín dụng tiêu dùng đang ngày càng khốc liệt, nguy cơ rủi ro đạo đức, rủi ro hoạt động trong hoạt động cung cấp tín dụng tiêu dùng ngày càng lớn.

Cuối cùng, cùng với sự phát triển của Fintech, các hình thức cung cấp tín dụng tiêu dùng mới xuất hiện ngày càng nhiều, các sản phẩm tín dụng tiêu dùng ngày càng đa dạng. Hành lang pháp lý, các quy định quản lý đôi khi không theo kịp thực tiễn. Có những sản phẩm, những quy trình cung cấp sản phẩm chưa có được hành lang pháp lý rõ ràng. Các bên tham gia vào các hoạt động cung cấp và sử dụng các dịch vụ mới này phải đối diện với rủi ro không được hệ thống pháp luật bảo hộ.

Ông Tú Anh khẳng định, tín dụng tiêu dùng vẫn còn dư địa lớn, là động lực giảm bớt việc người dân tiếp cận vốn qua tín dụng đen, đẩy lùi tín dụng đen dù tín dụng đen sẽ luôn luôn tồn tại.

Thống đốc Lê Minh Hưng: Agribank cần gắn với "tam nông", góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Ngày 16/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư