Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Tọa đàm “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen”
Nhóm PV - 15/03/2019 08:33
 
Tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển Tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” đang diễn ra tại Trụ sở Báo Đầu tư, 47 Quán Thánh, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Tham dự cuộc tọa đàm sáng nay tại Trụ sở Tòa soạn Báo Đầu tư có các chuyên gia đầu ngành về kinh tế, luật pháp, tài chính, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng.

ảnh 1
 TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
ảnh 2
Bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. 
ảnh 3
 Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.
ảnh 4
 TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế.
ảnh 5
 Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Basico.

ảnh 6Ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty tài chính Home Credit Việt Nam

ảnh 7
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE CREDIT 
ảnh 8
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc quốc gia Visa Việt Nam và Lào 

Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh đang có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Các sản phẩm cho vay tiêu dùng ngày càng được hoàn thiện và phân phối rộng khắp cả nước nhờ sự năng động của các ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng.

Mặc dù vậy, bên cạnh hệ thống tài chính tiêu dùng chính thức có sự quản lý nhà nước thì hệ thống cho vay tiêu dùng phi chính thức, thường được gọi với tên khác là “tín dụng đen” cũng bùng nổ, tạo nhiều hệ lụy xấu với đời sống kinh tế - xã hội tại một số địa phương trong cả nước.

Nhiều vụ bắt bớ, đánh đập, phạm pháp... xảy ra khi các đối tượng trong những đường dây cho vay nặng lãi truy bắt, đòi nợ gây hoang mang trong xã hội, khiến các cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý.

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này? Làm thế nào để tín dụng tiêu dùng chính thức đến được với người dân, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần đẩy lùi nạn "tín dụng đen"?

Các chuyên gia tham gia Tọa đàm “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” sẽ cùng thảo luận, đề xuất những giải pháp cho vấn đề này.

 
03/15/2019 09:20

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, đây là buổi tọa đàm thứ 3 về chủ đề tín dụng tiêu dùng do Báo Đầu tư tổ chức.

"Tín dụng đen đang là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm bởi những hệ lụy xấu mà nó mang lại. Mặc dù không phải mới xuất hiện nhưng sự bùng nổ của hình thức tín dụng tiêu dùng bất hợp pháp gắn với những hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật gây bất ổn xã hội đang đặt ra câu hỏi bức thiết, cần làm gì để đẩy lùi tín dụng đen?", ông Minh đặt vấn đề.

Theo ông Lê Trọng Minh, câu trả lời không đơn giản trong bối cảnh tài chính tiêu dùng đang tăng trưởng rất mạnh mẽ trong thị trường 95 triệu dân với quy mô hàng triệu tỷ đồng.

Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm
Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

Làm thế nào để hỗ trợ kịp thời nhu cầu tài chính của gia đình, cá nhân? Làm sao để những người đi vay biết được rằng đang có những món tín dụng hợp pháp, lành mạnh mà họ hoàn toàn có thể với tới?

Nhiều giải pháp đã được đề xuất gần đây, trong đó có ý tưởng đã chính thức được đưa ra. Tất cả đều có mục đích chung là thúc đẩy sự lành mạnh của hệ thống tin dụng tiêu dùng chính thức, tăng cơ hội và khả năng tiếp cận cho người dân, đẩy lùi tín dụng đen và hạ nguy cơ của những  hình thức tín dụng tiêu dùng không chính thức khác.

Đó là chủ đề mà những nhà tư vấn, các chuyên gia, quản lý nhà nước tiếp tục phân tích sâu hơn tại tọa đàm này.

Chủ đề của buổi Tọa đàm ngày hôm nay là “Phát triển tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen”, thể hiện mong muốn của Báo Đầu tư với tư cách tờ báo kinh tế tài chính hàng đầu, là góp một tiếng nói để phát triển các kênh tài chính tiêu dùng chính thức, phục vụ tốt hơn nhu cầu tài chính cá nhân của người dân.

 
03/15/2019 09:43

Là người đầu tiên trình bày tham luận tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hộ gia đình là thành phần rất quan trọng trong nền kinh tế bởi vừa là bên cung cấp vừa là bên sử dụng vốn, cụ thể, vay trực tiếp và gián tiếp qua các tổ chức trung gian.

Trong khi đó, thị trường chính thức chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường là điểm lợi cho các mô hình kinh doanh mới. Thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay có giá trị nhỏ (50 triệu đồng). Tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức còn hạn chế.

TS. Nguyễn Đình Cung
TS. Nguyễn Đình Cung

Cụ thể, cơ cấu dư nợ hiện như sau: cho vay mua và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng rất lớn (50%); cho vay mua hàng hóa tiêu dùng lâu bền đứng thứ hai, chiếm 24%; cho vay mua phương tiện như ô tô, xe máy chiếm 15%; cho vay mua hàng điện tử, công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ 1%; cho vay phục vụ học tập, du lịch, chữa bệnh chiếm khoảng 3%.

Hầu hết các khoản vay có dư nợ dưới 500 triệu đồng, với kỳ hạn dưới 1 năm chiếm tới 40% và hầu như không có khoản vay trên 5 năm và phương thức cấp tín dụng chủ yếu là cho vay từng lần.

Các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng chủ yếu cho vay dưới hình thức mua hàng trả góp; cho vay qua thẻ tín dụng và thấu chi tài khoản còn chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 5%), nhưng tốc độ tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ và doanh số phát sinh lãi trên thẻ tăng rất nhanh qua các năm. 

Trong năm 2015, doanh số sử dụng thẻ tín dụng cũng như doanh số phát sinh lãi trên thẻ tín dụng đều tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, nếu như doanh số sử dụng thẻ năm 2012 tăng trưởng tới 61% so với năm 2011, đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng so với năm trước chỉ đạt 15%.

Tương tự như vậy, tốc độ tăng trưởng doanh số phát sinh lãi năm 2012 là 56,7%, đến năm 2015 chỉ đạt 23,8%. Gần như 100% tín dụng được cung cấp qua thẻ tín dụng xuất phát từ các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, từ năm 2013, đã bước đầu có hai công ty tài chính tham gia thị trường thẻ tín dụng với thị phần hiện chiếm khoảng 1%.

Thẻ tín dụng được sử dụng nhiều nhất ở các điểm siêu thị và các điểm bán lẻ khác (chiếm 28,6%) và các điểm bán vé máy bay, du lịch (chiếm 26,3%).

"Đầu tiên có thể thấy rằng, phạm vi của hoạt động tài chính tiêu dùng là rất rộng. Trong đó tại Việt Nam hiện nay, chúng ta đã triển khai khá đa dạng các hoạt động tài chính tiêu dùng dựa trên các nhóm chủ thể cung cấp dịch vụ. Trong đó, có thể thấy nhóm lớn nhất, cũng là đối tượng chủ yếu được bàn đến trong cuộc hội thảo ngày hôm nay đó là tài chính tiêu dùng được cung cấp bởi các tổ chức tín dụng. Các quy định pháp lý hiện nay đã chỉ rõ: cho vay phục vụ nhu cầu đời sống được cung cấp bởi các tổ chức tín dụng là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng cá nhân", ông Cung nói.

Cũng theo ông Cung, đối với công ty tài chính, cho vay tiêu dùng được quy định cụ thể tại Thông tư số 39/2016/NHNN-TT.

Ngoài các hoạt động cho vay tiêu dùng nói trên, có thể thấy, thị trường tài chính tiêu dùng còn hướng tới cả các nhóm khách hàng yếu thế, những người có thu nhập thấp thông qua việc cung cấp tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các khoản tín dụng vi mô được cung cấp bởi các tổ chức tài chính vi mô, các chương trình dự án tài chính vi mô. 

Bên cạnh đó, trong một hai năm trở lại đây có thể thấy thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam cũng đã có những xu hướng phát triển rất sát với thị trường thế giới với sự xuất hiện của các mô hình cho vay trực tuyến, các mô hình cho vay ngang hàng được cung cấp bởi các công ty Fintech. Mặc dù vậy, cũng có thể thấy rằng, quy mô của nhóm này vẫn còn rất nhỏ bé. 

Một điểm nữa, mức độ tiếp cận tín dụng của người dân tại các tổ chức tài chính thức như là tổ chức tín dụng hiện còn hạn chế.

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam năm 2014, tỷ lệ người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) có ít nhất một khoản vay trong vòng 1 năm trở lại đây là 46,8%, tuy nhiên, tỷ lệ người có khoản vay tại các tổ chức tài chính chính thức chỉ ở mức 18,4%, trong đó thấp nhất là ở nhóm khách hàng trẻ tuổi (từ 15 đến 24 tuổi) chỉ đạt 3,08%. 

Có khoảng 13,2% người tham gia cuộc khảo sát này cho biết, họ đã từng vay tại các điểm bán hàng thông qua các hợp đồng vay trả góp hoặc thẻ tín dụng, trong đó 1,5% là đang có dư nợ vay tiêu dùng theo hình thức này. 

Vẫn có 20,9% người tham gia cuộc khảo sát cho biết không thể tiếp cận bất cứ hình thức tín dụng nào khi có các nhu cầu tài chính khẩn cấp. Tỷ lệ này ở nhóm nữ giới là 23,4%, người nghèo là 30,9%, người trẻ tuổi là 24,1%, và đối với nhóm khách hàng ở khu vực nông thôn là 24,4%.

 
03/15/2019 10:00

Nêu các giải pháp để thúc đẩy mảng tín dụng tiêu dùng phát triển hơn nữa, TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất 5 vấn đề:

TS. Trần Kim Anh
TS. Trần Kim Anh

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

Thứ hai, mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, không có điều kiện thành lập chi nhánh, phòng giao dịch.

Thứ ba, giáo dục nhận thức cho người dân. Thực tế hiện nay, nhiều khách hàng cho vay tiêu dùng không ý thức được đầy đủ rủi ro nên không trả nợ và lãi đúng kỳ hạn, dẫn tới nợ xấu.

Thứ tư, giảm thiểu rủi ro tín dụng tiêu dùng. Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan, việc dòng vốn tiêu dùng chảy vào bất động sản và chứng khoán không kiểm soát dẫn đến hàng loạt công ty tài chính sụp đổ là bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình vận hành và quản lý các dòng vốn của hệ thống ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riên.

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.

 
03/15/2019 10:17

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá,  tín dụng tiêu dùng tăng nhanh do tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Trong trung hạn, tín dụng tiêu dùng có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ thu nhập tăng lên.

Các nhà cung cấp dịch vụ phát triển nhanh khiến nguồn cung, độ bao phổ nhanh, góp phần giảm bớt tín dụng đen. Không có tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính hiện nay, không biết tín dụng đen còn hoành hành như thế nào, ông Tú Anh nhận xét.

Ông Nguyễn Tú Anh
Ông Nguyễn Tú Anh

Tín dụng tiêu dùng mang lại cơ hội cho người dân cơ hội được tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ trước và trả tiền sau, giúp tối đa hóa việc sử dụng dòng tiền/thu nhập của mình theo thời gian.

Tín dụng tiêu dùng không chỉ là tiêu sản, mà còn là tài sản giúp mang lại cơ hội kinh doanh, sản xuất hàng hóa cho người dân và hộ gia đình.

Tín dụng tiêu dùng cho mục tiêu mua và sửa chữa, mở rộng nhà ở cũng là để tăng tài sản cố định cho các hộ sản xuất kinh doanh qua đó giúp phát triển khu vực kinh tế quan trọng này.

Hiện nay, các khoản vay để mua nhà và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng (khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng), sau đó đến các khoản vay mua đồ gia dụng, hàng hóa lâu bền, phương tiện đi lại như ô tô, xe máy (khoảng 15-20%).

Điều này cho thấy tín dụng tiêu dùng có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ mua sắm các tài sản lưỡng dụng của hộ gia đình, cá thể tự doanh.

Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng ít rủi ro lây lan hơn tín dụng doanh nghiệp. Do các hoạt động sản xuất kinh doanh luôn có các giao dịch với nhiều đối tác khác nhau, rủi ro một món cho vay doanh nghiệp có thể dẫn tới rủi ro của các khoản cho vay ở các doanh nghiệp khác.

Ngược lại với tín dụng tiêu dùng thường ít có tính liên kết, khoản vay thường nhỏ do đó rủi ro của một món vay tiêu dùng thường chỉ khu trú trong rủi ro của món vay đó mà thôi mà không ảnh hưởng nhiều đến rủi ro của các khoản vay tiêu dùng của người khác.

Nhờ đó, phát triển tín dụng tiêu dùng giúp các tổ chức tín dụng đa dạng hoá được rủi ro, giảm thiểu được các nguy cơ lây lan rủi ro. Đây là một lợi thế.

Tuy nhiên, cũng có những rủi ro. Thứ nhất, rủi ro vĩ mô, hệ thống như lãi suất tăng, cú sốc về thu nhập hay cú sốc về của cải. Những rủi ro này thường ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả lãi và gốc của người đi vay. Lãi suất cho vay tiêu dùng thường là lãi suất cao và thả nổi.

Tiếp đến là rủi ro vay mượn quá mức. Rủi ro này chủ yếu do người đi vay tiêu dùng ít có các kiến thức về đánh giá và phòng ngừa rủi ro hơn các doanh nghiệp. Do đó, họ thường đánh giá quá cao khả năng trả nợ của mình và đánh giá quá thấp các rủi ro đối với dòng tiền trong tương lai của mình.

Rủi ro tiếp theo là rủi ro bong bóng. Kinh tế tăng trưởng tốt, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng tiêu dùng cho việc mua sắm nhà, nâng cấp nhà ở tăng lên. Điều này làm cho giá nhà đất tăng lên. Điều này kích thích người dân vay tiêu dùng để đầu cơ nhà, đất bằng cách vay tiêu dùng để xây nhà để ở sau đó bán đi để mua nhà khác. Nếu điều này xảy ra trên quy mô lớn sẽ làm bong bóng nhà đất tăng lên. Nhưng vấn đề này chưa phải quá là quan tâm.

Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng đã cao hơn 25% GDP, do đó các rủi ro vĩ mô, rủi ro hệ thống có thể gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế và bản thân hệ thống các tín dụng tiêu dùng. Do đó, cần phải có một hệ thống cảnh báo, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của tín dụng tiêu dùng để đảm bảo ngăn ngừa các rủi có thể xảy ra. 

Ngoài ra, rủi ro bong bóng đang tăng lên khi nhu cầu tín dụng tiêu dùng cho việc mua, xây nhà để ở tăng lên và giá nhà đất đang tăng có thể khuyến khích người dân tham gia thị trường đầu cơ bất động sản.

Bên cạnh đó, cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp tín dụng tiêu dùng đang ngày càng khốc liệt, nguy cơ rủi ro đạo đức, rủi ro hoạt động trong hoạt động cung cấp tín dụng tiêu dùng ngày càng lớn.

Cuối cùng, cùng với sự phát triển của Fintech, các hình thức cung cấp tín dụng tiêu dùng mới xuất hiện ngày càng nhiều, các sản phẩm tín dụng tiêu dùng ngày càng đa dạng. Hành lang pháp lý, các quy định quản lý đôi khi không theo kịp thực tiễn. Có những sản phẩm, những quy trình cung cấp sản phẩm chưa có được hành lang pháp lý rõ ràng. Các bên tham gia vào các hoạt động cung cấp và sử dụng các dịch vụ mới này phải đối diện với rủi ro không được hệ thống pháp luật bảo hộ.

Ông Tú Anh khẳng định, tín dụng tiêu dùng vẫn còn dư địa lớn, là động lực giảm bớt việc người dân tiếp cận vốn qua tín dụng đen, đẩy lùi tín dụng đen dù tín dụng đen sẽ luôn luôn tồn tại.

 
03/15/2019 11:02

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thị trường tài chính Việt Nam phát triển khá nhanh, nhất là trong khoảng 20 năm vừa qua. Độ sâu tài chính được thể hiện qua quy mô của tín dụng được cung ứng bởi hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên đến 7,2 triệu tỷ đồng, tương đương 131% GDP tính đến cuối năm 2018.

Trong lĩnh vực tín dụng, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây; qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (gồm cả việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt… Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tài chính tiêu dùng nên được hiểu là một phần của tín dụng tiêu dùng. Theo đó, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chính thức bắt đầu kể từ cuối những năm 1990, khi lĩnh vực cho vay này được các ngân hàng thương mại thực hiện như một phần của các sản phẩm ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường chỉ thực sự phát triển nhanh từ năm 2007 đến nay với sự tham gia của các công ty tài chính tiêu dùng.

Kênh tín dụng tiêu dùng giảm bớt tín dụng đen, góp phần làm thị trường tài chính phong phú hơn. Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất, quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Như đã nêu trên, tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam chiếm 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế năm 2018, khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.

Thứ hai, quan niệm lệch lạc khi cho rằng tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen là không công bằng.

Thứ ba, kiến thức về tài chính-tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn hạn chế.

Thứ tư, đà tăng trưởng cũng như hiệu quả kinh doanh của những công ty tài chính này sẽ có khó có thể giữ được mức như hiện tại.

Thứ sáu, các công ty tài chính cần quan tâm, tăng cường quản lý rủi ro, đào tạo cán bộ.

Từ thực trạng và thách thức trên, TS. Cấn Văn Lực đưa ra một số gợi ý:

Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện, nhằm đồng bộ hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính. Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hành lang pháp lý (có thể dạng thí điểm - sandbox) đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng…

Thứ ba, tạo điều kiện cho các công ty tài chính mới và nhỏ có thể phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế sức mạnh độc tôn của một số ít công ty tài chính lớn hiện nay. 

Thứ tư, tăng cường giáo dục tài chính cho người tiêu dùng, đặc biệt là về các sản phẩm tài chính tiêu dùng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. 

Thứ năm, các công ty tài chính cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Những vấn đề như lãi suất, phí, cách tính, thời hạn, phương thức đòi nợ, mức phạt khi trả nợ muộn hay thanh toán trước hạn …

Thứ sáu, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững; các công ty tài chính cần quan tâm, tăng cường quản lý rủi ro, đào tạo cán bộ. 

Thứ bảy, cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. 

Cuối cùng, người tiêu dùng cũng cần có hành động để bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như của các công ty tài chính.

 
03/15/2019 11:17

Phát biểu tại Tọa đàm, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cho rằng, cần định nghĩa rõ tín dụng đen là gì?

Theo ông Hải, hệ thống pháp luật hình sự liên quan đến tín dụng đen đang chống nhầm mục tiêu. Cần một định nghĩa rõ ràng về tín dụng đen.

Luật sư Trần Minh Hải
Luật sư Trần Minh Hải

“Tín dụng đen là hoạt động cho vay mà người cho vay có yếu tố lừa dối, ép buộc người đi vay hoặc có dấu hiệu xâm phạm tính mạng, sức khỏe, chiếm đoạt tài sản của người đi vay”, ông Hải giải thích và cho biết, hệ thống pháp luật hình sự đang có sự phòng chống nhầm đối với tín dụng đen.

Theo ông Hải, để nâng tầm phòng chống tín dụng đen lên mức hình sự, chúng ta có điều luật đặc trưng là “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” - Điều 201, Bộ luật Hình sự.

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Quy định trên hướng tới việc xử lý nghiêm khắc các hoạt động cho vay mà lãi suất cao gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Mức lãi suất chạm ngưỡng hình sự là từ 100%/năm, bởi mức lãi suất cao nhất theo Bộ luật Dân sự là 20%/năm.

Thực tế, có những trường hợp vay vốn mà người vay sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất vượt ngưỡng hình sự vì nhu cầu vay vốn cấp thiết và vì lợi ích thiết thực của chính họ. Chẳng hạn, đến hạn trả 100 triệu đồng để chuộc lại tài sản có giá 2 tỷ đồng, thì người vay sẵn sàng chấp nhận khoản vay với lãi suất vài trăm % một năm để chuộc lại tài sản rất giá trị.

Vậy nên, miễn là người vay và người đi vay đồng thuận, lãi suất cao đến đâu pháp luật hình sự cũng không nên can thiệp. Không thể lý luận cần xử lý hình sự cho vay nặng lãi để tránh bóc lột. Điều này không phù hợp với thị trường.

"Theo tôi, Bộ luật Hình sự đã nhầm lẫn trong đấu tranh phòng chống tín dụng đen. Không có một điều luật nào đặc trưng về tín dụng đen, chống thẳng vào bản chất nguy hiểm của loại hình cho vay gây mất an toàn xã hội. Ngược lại, quy định hiện hữu tại Điều 201 khiến cho mọi tổ chức cho vay hợp pháp chùn bước, không dám giải phóng nguồn vốn tín dụng cho những khoản vay lãi suất cao từ 100%/năm. Kết cục dẫn đến thực tế, tín dụng đen có sân chơi độc quyền bởi giới cho vay bất tuân pháp luật sẵn sàng vượt qua giới hạn của điều luật nói trên. Người đi vay không hề được bảo vệ hữu hiệu trong trường hợp này bởi hệ thống pháp luật", ông Hải nói.

Theo ông Hải, chống nhầm tín dụng đen sẽ vô tình co hẹp hoạt động của tín dụng tiêu dùng.

Các quy định hiện nay tại Thông tư số 39/NHNN về hoạt động cho vay nói chung của tổ chức tín dụng và Thông tư số 43/NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đều đang đặt ra những cản trở rõ ràng về đáp ứng nhu cầu cho vay.

Theo các văn bản này, giới tổ chức tín dụng chỉ được giới hạn cho vay tiêu dùng với các nhu cầu được các Thông tư cho phép. Vậy là rất nhiều các mục đích vay vốn tiêu dùng thực tế khó có thể đáp ứng. Chẳng hạn, một người vay tiền cá nhân từ người khác để mua một chiếc xe máy, nay có nhu cầu vay để trả nợ nốt một phần tiền còn lại của khoản nợ đến hạn. Điều chắc chắn, giới tài chính ngân hàng không thể cho vay, bởi nhu cầu này không nằm trong sự cho phép của Thông tư số 39, Thông tư số 43.

 
15/03/2019 11:58

Là đại diện cho công ty tài chính đầu tiên góp ý tham luận tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit cho biết, khi nghe đến tiêu dùng là có gì xấu khi cả xã hội tiết kiệm, nhưng thực tế đây là một trong ba thành phần kinh tế. Tín dụng tiêu dùng hay tín dụng hộ gia đình giúp giảm thiểu tín dụng đen và phi chính thức.

Ông Nguyễn Thành Phúc
Ông Nguyễn Thành Phúc

Không xoá được tín dụng đen mà chỉ có thể làm tốt hơn ở những hoạt động chính thức. Xã hội “kêu” lãi suất của các công ty tài chính tiêu dung cao, nhưng tôi muốn chia sẻ lý do tại sao lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tiêu dùng đang ở mức cao hơn so với mặt bằng lãi suất của các ngân hàng truyền thống. 

Điều này không chỉ đúng đối với từng tổ chức tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam, mà còn phù hợp với thị trường tín dụng tiêu dùng trên thế giới. Tuy nhiên, để đánh giá mức lãi suất cho vay tiêu dùng của tổ chức tín dụng là cao hay thấp thì cần có những phân tích khách quan, cụ thể về đặc thù ngành, bản chất hoạt động và các yếu tố cấu thành hay chi phí vốn của lãi suất. Cụ thể:

Chi phí vốn đầu vào cao. Theo quy định pháp luật hiện hành (Nghị định 39/2014/NĐ-CP ngày 07/05/2014), khác với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng bị hạn chế tiếp cận với các nguồn vốn chi phí thấp do không được phép thực hiện hoạt động huy động tiền gửi dân cư. 

Thay vào đó, để có nguồn vốn hoạt động, các tổ chức tín dụng tiêu dùng buộc phải sử dụng vốn tự có hoặc phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu) để huy động vốn của các doanh nghiệp, tổ chứckhác với chi phí cao hơn hẳn. Vì thế mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tiêu dùng sẽ ở một mức cao hơn để có thể bù đắp được chi phí vốn.

Chi phí cố định, chi phí quản lý lớn. Đặc thù sản phẩm tín dụng tiêu dùng là giá trị khoản vay nhỏ lẻ, trong khi thủ tục vay, khởi tạo khoản vay, thu hồi nợ đều tuân thủ theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nướcdẫn đến chi phí vận hành, nhân lực và vật lực tăng, cho nên tỷ lệ chi phí trên từng đồng vốn cao.

Rủi ro tín dụng cao. Đối tượng khách hàng của tín dụng tiêu dùng là các khách hàng “dưới chuẩn” có độ tín nhiệm thấp với mức thu nhập ở mức trung bình - thấp, tình hình tài chính không ổn định, không có tài sản đảm bảo nên mức độ rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng tín chấp sẽ cao hơn so với vay thế chấp tại các ngân hàng. Như vậy mức lãi suất cao hơn so với ngân hàng nhằm dự phòng cho các khoản rủi ro tín dụng là điều hợp lý.

Ông Phúc đề xuất các cơ quan quản lý - Ngân hàng Nhà Nước xem xét hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy định phù hợp với hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng.

Đối với nhu cầu vốn vay, theo quy định hiện nay, người đi vay phải liệt kê chính xác từng nhu cầu vốn trong khi nhu cầu tiêu dùng là những nhu cầu đa dạng, thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày. Vì thế yêu cầu người đi vay liệt kê chính xác các nhu cầu này gần như không thể thực hiện được.

Về nghiệp vụ tín dụng, khi người dân có nhu cầu vay cấp thiết thì nhiều quy định, thủ tục phức tạp trong việc đăng ký, xét duyệt vay khiến các tổ chức tín dụng không thể cạnh tranh với tín dụng đen. Cụ thể:

Chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay: Cần xem xét loại bỏ loại chứng từ này để giảm bớt gánh nặng chi phí hành chính không cần thiết. Tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm có giá phù hợp và phục vụ tốt hơn cho khách hàng. 

Trên thực tế, việc yêu cầu người đi vay cung cấp các chứng từ này rất khó vì, gác khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ; Nhiều mục chi tiêu khác nhau; Các nơi cung cấp hàng hóa bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng không có hóa đơn chứng từ; Người tiêu dùng chưa có thói quen yêu cầu nhà cung cấp xuất hóa đơn, bản thân khách hàng cũng không thường xuyên lưu giữ các chứng từ chi tiêu.

Chứng từ chứng minh thu nhập: Cần nghiên cứ để thay thế bằng các chứng từ khác đơn giản và hiệu quả hơn. Do phân khúc khách hàng “dưới chuẩn” của ngân hàng thường đa phần là lao động tự do, lương được thanh toán bằng tiền mặt. 

Thu hồi nợ: Luật pháp bảo vệ người bị hại không chỉ là người đi vay mà còn là người cho vay - tức các tổ chức tín dụng trong trường hợp người đi vay vi phạm quy định pháp luật, vi phạm cam kết với người cho vay. Cần có những quy định xử lý nợ riêng, thủ tục tố tụng rút gọn để xử lý hiệu quả những khoản nợ xấu, khó đòi.

Về hệ thống mạng lưới: Cơ quan quản lý cần xem xét gỡ bỏ các rào cản, nới lỏng các quy định để các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới các điểm giới thiệu dịch vụ nhằm hỗ trợ người dân ở vùng sâu vùng xa, nông thôn có thể tiếp cận với các kênh tín dụng chính thống dễ dàng hơn.

 
15/03/2019 12:00

Ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam cho rằng, để phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý trong cuộc chiến đẩy lùi tín dụng đen, dưới góc độ doanh nghiệp, các công ty tài chính tiêu dùng cần có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện ở 5 lĩnh vực.

Ông Trịnh Bá Việt Xô
Ông Trịnh Bá Việt Xô

Thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận với người dân. 

"Vì sao người dân quen chọn tín dụng đen? Lý do thật đơn giản, vì tín dụng đen quá dễ tiếp cận. Trên cột điện, trên tường, trên trụ điện, chúng ta có thể dễ dàng thấy những mẩu quảng cáo được dán chồng chồng lớp lớp mời gọi vay nóng kèm số điện thoại liên lạc", ông Xô nhấn mạnh và cho biết, các công ty tài chính tiêu dùng cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen.

Thứ hai, nâng cao hiểu biết về tín dụng an toàn cho người dân. Các công ty tài chính tiêu dùng cần hợp tác xây dựng “cẩm nang thông tin” – nguồn thông tin chính thống giúp người dân hiểu rõ sự minh bạch và quy củ của tín dụng “xanh và sạch”. Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động hợp pháp dưới sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước.

Thứ ba, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh sản phẩm vay mua sắm thiết yếu, các công ty tài chính đã và đang phát triển thêm nhiều gói vay mới đáp ứng nhu cầu ngắn và dài hạn của khách hàng.

Thứ tư, nâng cao trải nghiệm khách hang. Một điểm khác biệt khi lựa chọn các công ty tài chính tiêu dùng chính là trải nghiệm khách hàng luôn được chú trọng và cải thiện trong suốt quá trình tham gia vay tiêu dùng.

Thứ năm, có nhiều hơn dịch vụ cộng thêm “Bảo hiểm khoản vay” (Add-on service). Bảo hiểm rủi ro cho người vay tín dụng tiêu dùng là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với người vay có thu nhập thấp, nhằm tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Bảo hiểm sẽ giúp khách hàng thanh toán khoản vay mà không gây ra những áp lực tài chính lên gia đình khi khách hàng tử vong hoặc mất khả năng lao động do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm.

"Để đẩy lùi tín dụng đen, chúng ta cần nỗ lực từ nhiều phía, trong đó doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng. Không chỉ đơn thuần cung cấp các khoản vay với thủ tục nhanh chóng, mang lại cho người dân một lựa chọn tốt, các công ty tài chính tiêu dùng còn tham gia tích cực vào các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân về tín dụng an toàn, có trách nhiệm với khoản vay. Chúng tôi cung cấp các ấn phẩm bỏ túi, tổ chức các buổi tư vấn kiến thức tài chính cho nhiều đối tượng tiêu dùng, đặc biệt là thanh niên và giới nội trợ", ông Xô nói.

Cũng theo ông Xô, có thể thấy, các công ty tài chính tiêu dùng đã và đang tích cực góp phần giải quyết nhu cầu về vốn an toàn cho người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phòng tránh những bất ổn trong xã hội do tín dụng đen gây ra, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

 
03/15/2019 12:20

Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư đánh giá, buổi tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều bài tham luận sâu sắc, gợi mở ra nhiều vấn đề cho phần thảo luận.

Đề cập đến một chủ đề đặc biệt là truyền thông, ông Lê Trọng Minh cho rằng, truyền thông giúp người dân nhận biết được cơ hội và rủi ro, nhận thức đúng đắn về tín dụng tiêu dùng chính thức và phi chính thức. "Đó là trách nhiệm của truyền thông, trong đó có vai trò của Báo Đầu tư với tư cách là cơ quan báo chí kinh tế hàng đầu", ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Theo ông Minh, tại 2 cuộc Tọa đàm diễn ra năm 2017 và 2018, các diễn giả đã thống nhất với kết luận rằng, những lợi ích mà Tọa đàm mang lại là vì lợi ích của cộng đồng, xã hội. Nếu chúng ta bớt đi những hệ lụy, vụ việc phạm pháp đến từ tín dụng đen thì xã hội sẽ yên bình hơn, kinh tế sẽ lành mạnh, ổn định hơn. "Những thông tin mà các diễn giả chia sẻ cũng không nằm ngoài mục đích đó", ông Minh khẳng định.

Sợ rủi ro, tín dụng tiêu dùng hạ dần độ nóng
Thay vì cho vay bất chấp rủi ro, áp dụng lãi suất cao cắt cổ để thu bộn tiền như trước đây, nhiều công ty tài chính bắt đầu hạ nhiệt tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư