Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng tiêu dùng tăng nhanh và nguy cơ “núp bóng”
Thuỳ Vinh - 02/02/2019 13:08
 
Tốc độ tăng trưởng cao của mảng tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn nhiều rủi ro, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh tín dụng chính thức để đẩy lùi tín dụng phi chính thức.

Tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng nhanh

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, năm 2018, dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 14,69% so với năm 2017. Ðây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, năm 2015, dư nợ tín dụng thuộc lĩnh vực tiêu dùng chỉ chiếm 12,73% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn; sang năm 2016 là 82,9% và đến năm 2017 chiếm 18,36% trong tổng dư nợ tín dụng. Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trong năm 2018.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, cần phát huy hoạt động tín dụng tiêu dùng, song phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, hạn chế những tồn tại phát sinh liên quan đến lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Ðào Minh Tú cho biết, tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng như những năm qua ở TP.HCM là vấn đề cần quan tâm và kiểm soát. Trong đó, xem xét nguồn vốn vay tiêu dùng thực chất là đổ vào lĩnh vực khác, nhất là bất động sản. Trên thực tế, áp lực dành vốn cho các lĩnh vực rất lớn, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đẩy vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, kiểm soát chặt nguồn vốn vào lĩnh vực phi sản xuất.

Ông Tú chia sẻ, với lĩnh vực bất động sản, tháng nào Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được vài văn bản kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp yêu cầu mở tín dụng cho thị trường này, nhưng rất khó để nới. Ngân hàng Nhà nước đang xem xét cho vay mua nhà để ở thuộc mảng cho vay tiêu dùng hay cho vay bất động sản.

Tuy nhiên, một số ý kiến quan ngại, tín dụng tiêu dùng tăng nhanh chủ yếu đến từ hoạt động cho vay mua, sửa nhà, nên nguy cơ cho vay bất động sản đang “núp bóng” tiêu dùng ngày một lớn. Tại không ít ngân hàng, hoạt động ngân hàng bán lẻ gắn liền với tín dụng tiêu dùng và dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trong những năm qua.

Ðiều này không chỉ gây rủi ro nợ xấu mà còn tác động lên lãi suất, do lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với tín dụng sản xuất - kinh doanh. Khi tín dụng tiêu dùng tăng sẽ kéo theo cuộc đua lãi suất huy động đầu vào, từ đó tác động lên lãi suất đầu ra. Ðáng chú ý, so với ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính thường cao hơn nhiều, thậm chí lên đến 60 - 70%/năm. 

Sẽ đẩy lùi tín dụng phi chính thức

Theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, khi tín dụng chính thức, trong đó có tiêu dùng tăng trưởng mạnh, sẽ đẩy lùi tín dụng phi chính thức, vốn gây ra nhiều hệ lụy. Hầu hết ngân hàng đều đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, không chỉ ở thành thị, mà còn xuống cả khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng không ngừng của các công ty tài chính và sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực tài chính - tiêu dùng đem lại sự thuận tiện cho người dân khi có nhu cầu vốn tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, khu vực nông nghiệp, nông thôn có nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng cao, số lượng các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay sang khu vực này ngày một tăng, kịp thời cung cấp vốn phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông thôn, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen.

Tính đến cuối tháng 11/2018, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước đạt 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế), với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng cùng mạng lưới hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ðặc biệt, tại một số ngân hàng, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng mạnh và chiếm tỷ trọng cao như Agribank chiếm gần 70% (tổng dư nợ 1 triệu tỷ đồng); Ngân hàng Chính sách xã hội dành 94% nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó 96% cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên… Tuy nhiên, để dần đẩy lùi tín dụng “đen”, ngành ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng chính thức thời gian tới.

Trước mắt, Agribank xúc tiến gói tín dụng 5.000 tỷ đồng để hạn chế tín dụng đen, với thủ tục, hồ sơ nhanh gọn, có thể sáng vay, chiều giải ngân, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết và chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác cần vào cuộc, nghiên cứu sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để người dân, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được vốn chính thức.

Theo ông Ðào Minh Tú, khi tín dụng chính thức được đẩy mạnh sẽ đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các ngân hàng và công ty tài chính ồ ạt cho vay tiêu dùng mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng. Ngược lại, tín dụng tiêu dùng là loại hình tín dụng có rủi ro, cần được kiểm soát nợ xấu cũng như ngăn chặn lãi suất quá cao.

Trên bình diện chung, ông Tú khẳng định, ngành ngân hàng vẫn đang kiểm soát được nợ xấu, nhất là chất lượng tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng năm 2018 ở mức 14%, nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt, nên năm nay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức này.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, tiêu dùng cá nhân hiện chiếm tới 66 - 67% GDP và có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Ðể phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân rất lớn này, nếu tín dụng chính thức không phát triển thì tín dụng đen sẽ có điều kiện nở rộ. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay với lãi suất “cắt cổ” cần phải cấm đoán và kiểm soát chặt chẽ.

Mở rộng tín dụng để thu hẹp tín dụng đen
Ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng chính thức xuống vùng sâu, vùng xa, nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư