Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
"Ông thủy điện" Thái Phụng Nê: Không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng điều tiết lũ
Thanh Hương - 10/08/2018 17:15
 
Sự cố vỡ đập thuỷ điện Xepian-Xe Nam Noy (Lào) và những diễn biến bất thường của mưa lũ năm nay tại Việt Nam đã làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn của đập thủy điện Hòa Bình với những hệ lụy cho vùng hạ du, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, người được xem là rất am hiểu về thủy điện, gần như cả cuộc đời với các công trình thuỷ điện tại Việt Nam.

Thưa ông, lâu nay, nhiều người cho rằng, ngoài phát điện, hồ thủy điện còn có chức năng điều tiết lũ?

Theo tôi, nói vậy là do nhận thức chưa đầy đủ về thủy điện.

Nếu trong thiết kế hồ thủy điện có quy định là phải điều tiết chống lũ thì hồ phải có dung tích thích ứng để chống lũ. Tức là luôn luôn dành dung tích đó trong mùa lũ để chống lũ.

Công trình nhà máy Thủy điện
Nhà máy Thủy điện Sơn La 

Liên hồ chứa Thuỷ điện Hoà Bình - Sơn La vào mùa lũ luôn luôn phải dành dung tích 7 tỷ m3 nước (Hoà Bình là 3 tỷ m3, Sơn La là 4 tỷ m3) để trống. Đây là một dung tích rất lớn. (Hàng năm hồ thuỷ điện Thác Bà, Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang xả xuống hạ du khoảng 5 tỷ m3 nước để phục vụ cấy lúa vụ Đông Xuân cho 13 tỉnh đồng bằng Bắc bộ - PV)

Quyền điều tiết phần dung tích này trong mùa lũ thuộc về Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chứ không phải của chủ hồ và được giám sát bằng camera.

Các hình ảnh qua camera không chỉ riêng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và chủ hồ quan sát, mà còn có cả sự giám sát của các địa phương. Nếu không giữ mức nước để có dung tích phòng lũ thì là trách nhiệm của chủ hồ.

Ông Thái Phụng Nê - Người gắn cả cuộc đời với các công trình thủy điện
Ông Thái Phụng Nê - Người gắn cả cuộc đời với các công trình thủy điện

Nhưng còn rất nhiều hồ không có nghĩa vụ đó, vì các hồ này không thể tạo được bất cứ dung tích chống lũ nào.

Các con sông có đầu nguồn từ dãy Trường Sơn và đổ ra biển có độ dốc lớn, vì thế, khi xây dựng các nhà máy thủy điện tại đây không thể tạo được các hồ có dung tích phòng lũ như mong muốn, nên các thuỷ điện ở đây chỉ có mục đích phát điện.

Trong mùa lũ, theo quy trình vận hành, các liên hồ chứa cũng yêu cầu hạ mức nước dâng bình thường xuống để góp phần chống lũ, nhưng hiệu quả chống lũ không cao. Khi có lũ, các dung tích đó sẽ giữ được đỉnh lũ lúc lũ đến để phía hạ lưu có thêm thời gian chuẩn bị, nhằm giảm thiểu thiệt hại. Trong thực tế, các chủ hồ đều chấp hành quy trình vận hành như vậy, nhưng đó không phải chống lũ.

Nhưng thủy điện vẫn là một trong những nguyên nhân được nhắc tới đầu tiên khi xảy ra lũ lụt…?

Một quy định ngặt nghèo với công trình thuỷ điện là, dù hồ lớn hay nhỏ không bao giờ được xả nước xuống hạ lưu lớn hơn lưu lượng lũ về tự nhiên. Anh không có quyền và không được tạo ra lũ nhân tạo. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào lượng nước về hồ (theo quan trắc thuỷ văn) với lượng nước tháo ra để có thể quy trách nhiệm.

Trước đây, địa phương hay nói là do chủ hồ tự xả nên gây ra lụt hạ du, nên Chính phủ đã có quy định, vào mùa mưa lũ hàng năm, việc quyết định mở hay đóng cửa xả nước là thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh.

Muốn quyết định xả hay không thì phải dựa vào số liệu quan trắc, đưa camera vào để giám sát và truyền số liệu về Sở Tài nguyên Môi trường để tỉnh điều hành. Cũng từ khi có quy định này, các địa phương không khiếu nại chủ hồ nữa.

công trình thủy điện Lai Châu
Công trình thủy điện Lai Châu

Nhiều người vẫn cho rằng, làm thuỷ điện nghĩa là gây ra mất rừng và thay đổi hệ sinh thái. Qua thực tế các công trình thuỷ điện của Việt Nam, ông nhận xét điều này thế nào?

Khi thiết kế các công trình đều phải lập Báo cáo tác động môi trường của dự án và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chuyện mất ruộng, di dân, các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường đều phải cân đối kỹ lưỡng. Hội đồng thẩm định sẽ có những quyết định cho những được - mất đó để hoàn thiện Báo cáo tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Tôi được biết, Báo cáo tác động môi trường phải tuân thủ những yêu cầu hết sức ngặt nghèo.

Để bảo vệ hệ sinh thái những khu vực làm thủy điện, với những nơi thấy cần giữ loại cá nào đó, thì chủ đầu tư phải xây công trình giữ cá. Có thể làm công trình chuyển cá trên các đập ở sông Mekong, để cá sau khi từ hạ lưu lại quay về thượng nguồn.  

Ở Việt Nam tuy chưa có công trình nào phải thực hiện công đoạn chuyển cá khi xây đập thuỷ điện, nhưng khi xây dựng quy hoạch, cơ quan chức năng đã tính tới việc này. Vì thế, tại miền Bắc, chỉ cho phép xây dựng thuỷ điện trên sông Đà và sông Lô, còn sông Thao thì phải bỏ ngỏ làm lối cho cá lên thượng nguồn trong các mùa di cư.

Hoặc, sông Lô có 3 nhánh gồm Thác Bà - sông Chảy, sông Lô (dòng chính) và sông Gâm thì chỉ xây dựng thủy điện trên sông Chảy và sông Gâm, còn nhánh sông Lô chính để ngỏ. Đấy cũng là một cách để giữ cá.

Khi lập một công trình thì các điều đó đều phải giải thích rõ ràng, làm căn cứ để đánh giá tác động môi trường. 

Cũng không ít ý kiến nghi ngờ và cho rằng, việc phát triển các thủy điện lớn thời gian qua đã không tính hết các hệ quả. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

Nghiên cứu về Sông Hồng đã được chúng ta bắt đầu từ năm 1959. Sau khi miền Bắc giải phóng (năm 1954), ta đã có Ủy ban Khai thác và trị thủy sông Hồng do một Phó thủ tướng đứng đầu và có bộ máy nghiên cứu.

Tôi rất tự hào vì Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu sông Hồng sớm, nên những đề xuất của chúng ta rất đúng.

Ví dụ, tuyến đập của Nhà máy Thủy điện Hoà Bình hiện nay là do Việt Nam chọn từ những năm 60 của thế kỷ trước, bất chấp những phức tạp về mặt kỹ thuật.

Sau đó, vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi Liên Xô  nghiên cứu vấn đề này, với trình độ phát triển rất cao, họ đã nghiên cứu 6 hướng tuyến đập trên chiều dài hơn 40 km của sông Đà từ Hoà Bình lên tới mạn Suối Rút (ngang dốc lên Mộc Châu hiện nay). Tranh luận mãi, cuối cùng họ đã quay về chọn đúng hướng tuyến Việt Nam đưa ra trước đó. Nói ra điều đó để thấy rằng, chúng ta đã nghiên cứu, chuẩn bị rất công phu.

Tuyến đập Hoà Bình khiến người Việt Nam hết sức hãnh diện bởi chính là mình đã chọn. Dù khi đưa vào xây và vận hành vẫn còn những vấn đề cần khắc phục, nhưng về cơ bản là đúng là như tính toán ban đầu.

Hay như trên tôi đã nói về việc để ngỏ nhánh song này, xây thuỷ điện ở nhánh kia cũng xuất phát từ quá trình nghiên cứu đó.

Đã giải cứu 26 công nhân Việt Nam khỏi vùng cô lập do vỡ đập thủy điện Lào
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho biết, sáng nay (25/7), 26 công nhân của Hoàng Anh Gia Lai mắc kẹt tại rừng cao su ở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư