Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
OPEC+ có thể giữ nguyên chính sách thắt chặt sản lượng khai thác dầu thô
T.T - 30/09/2023 18:51
 
Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+ (JMMC) sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 4/10 tới. Ủy ban này có thể yêu cầu một cuộc họp đầy đủ của OPEC+ trong trường hợp cần thiết.
Ảnh tư liệu: Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Ảnh tư liệu: Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Reuters, các nguồn thạo tin cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) khó có thể điều chỉnh chính sách sản lượng dầu hiện tại của khối trong cuộc họp cấp bộ trưởng sắp tới, do nguồn cung thắt chặt hơn và nhu cầu tăng cao thúc đẩy giá dầu tăng.

Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+ (JMMC) sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 4/10 tới. Ủy ban này có thể yêu cầu một cuộc họp đầy đủ của OPEC+ trong trường hợp cần thiết.

Một số nguồn tin trong OPEC+ cho biết tại cuộc họp tới, nhiều khả năng JMMC sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách hiện tại. Một trong các nguồn tin nêu rõ: “Chưa có gì được thảo luận. Đây có thể sẽ là một cuộc họp bình thường, nhấn mạnh vào thỏa thuận OPEC+”.

Trọng tâm sẽ là thông tin cập nhật dự kiến về kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia và Nga. Vào ngày 5/9, hai nước này đã gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện lên tới 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay, đồng thời lưu ý hai nước sẽ xem xét các quyết định cắt giảm hàng tháng.

Giá dầu thô Brent đã tăng vọt lên 100 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2022, do nguồn cung thắt chặt hơn, một phần xuất phát từ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng và nhu cầu gia tăng, gạt đi những lo ngại về lạm phát duy trì ở mức cao và tăng trưởng kinh tế yếu hơn.

Các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) nhận định giá dầu có thể đạt mức 100 USD/thùng, nhưng một loạt yếu tố có thể ngăn cản đà tăng bền vững trên mức đó. Đó là sự gia tăng dự kiến trong sản lượng của các nước ngoài OPEC, bên cạnh nhu cầu tăng nguồn cung của Nga để bổ sung nguồn thu và khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ chậm lại do lãi suất, vốn đang khá cao ở các nền kinh tế lớn của phương Tây, tiếp tục tăng cao.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley nhắc lại quan điểm rằng, mặc dù các ngân hàng trung ương có thể cảnh giác với giá dầu tăng, nhưng một đợt phục hồi "phải được duy trì trong một thời gian để có tác động lớn hơn, lâu dài hơn đến giá tiêu dùng lõi".

Việc giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng trong thời gian dài có thể làm tăng mối lo ngại về lạm phát đối với các chính phủ đã tăng lãi suất để chống lại tình trạng giá cả tăng cao khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Tăng trưởng sản lượng dầu mỏ ngoài OPEC và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, có thể làm dịu đi bất kỳ đợt tăng giá nào. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định nguồn cung ngoài OPEC+ sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày vào năm tới, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo mức tăng trưởng sản lượng sẽ đạt 1,3 triệu thùng/ngày. Brazil, Guyana và Mỹ nằm trong số các quốc gia dự kiến sẽ tăng sản lượng dầu mỏ.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, lợi nhuận đầu tư và tăng trưởng sản lượng khai thác ngoài khơi cũng khiến khả năng phục hồi giá trong dài hạn ít xảy ra hơn, đồng thời cho biết thêm "hầu hết động lực tăng đã đi qua". Lãi suất cao đã hạn chế nhu cầu hàng hóa trên khắp các nền kinh tế phương Tây, bao gồm cả dầu mỏ. Trong khi đó, những cân nhắc về vấn đề địa chính trị cũng có thể làm phức tạp các quyết định của OPEC+ về việc có thể duy trì kế hoạch cắt giảm tự nguyện trong bao lâu.

OPEC+ và Nga nhất trí giảm xuất khẩu dầu mỏ
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết chính phủ nước này cùng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư