Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
OPEC+ sẽ bơm thêm dầu
Lê Quân - 03/12/2021 19:24
 
Saudi Arabia, Nga và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục tăng cung dầu mỏ vào tháng 1/2022 bất luận giá dầu gần đây đi xuống do lo ngại dư cung.
Giới phân tích dầu mỏ nhận định OPEC+ sẽ tạm ngừng kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022. Ảnh: Reuters
OPEC+ tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu. Ảnh: Reuters

Quyết định trên được Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh quan trọng (gọi chung là OPEC+) đưa ra tại cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 2/12.

Như vậy, liên minh năng lượng này sẽ tiếp tục kế hoạch tăng dần sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng như đã thực hiện nhiều tháng qua.

Kể từ cuối tháng 10 đến nay, giá dầu toàn cầu đã giảm hơn 20%. Giá dầu giảm thêm vào tháng 11 sau khi Mỹ và các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ khác nhất trí "xả" kho dầu dự trữ chiến lược để hạ nhiệt giá nhiên liệu, đồng thời ngăn chặn lạm phát gia tăng.

Tuyên bố sau cuộc họp, OPEC+ cho biết họ sẽ tiếp tục xem xét cận trọng tình hình đại dịch Covid-19, theo dõi chặt chẽ thị trường dầu mỏ và "sẵn sàng điều chỉnh ngay lập tức nếu được yêu cầu". OPEC+ đã lên lịch cho cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 4/1.

Giới phân tích dầu mỏ dự đoán OPEC+ sẽ tạm ngừng kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022 khi giá dầu giảm sâu và diễn biến khó lường của Covid-19 cũng như tác động của đại dịch đến nhu cầu dầu mỏ.

Giá dầu thô Brent và dầu giao sau của Mỹ đi xuống sau quyết định chính sách của OPEC+, nhưng sau đó phục hồi hơn 1% và lần lượt đạt khoảng 69 USD và 66 USD/thùng trong ngày 2/12.

Tin tức từ OPEC+ không khiến cánh tài xế Mỹ thở phào, bởi giá xăng không trì ở Mỹ chỉ rớt nhẹ 2 cent xuống 3,38 USD/gallon trong tháng qua, ngay cả khi giá dầu thô sụt giảm.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tỷ trọng đóng góp của OPEC và Nga vào nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lên 58% vào năm 2050, từ mức 46,5% trong năm 2020. Nguyên nhân là do các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, đầu tư ít hơn vào thăm dò và khai thác dầu mỏ. Ngoài ra, các doanh nghiệp dầu mỏ đang đứng trước áp lực ngày càng lớn vì phải giảm lượng phát thải CO2 và ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

OPEC+ nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) vừa điều chỉnh dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng đáng kể...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư