Thứ Năm, Ngày 15 tháng 05 năm 2025,
PCI 2024: Thứ hạng cho chất lượng “lắng nghe và hành động”
Khánh An - 15/05/2025 07:01
 
Sự bứt phá của Hải Phòng cũng như con đường phát triển trong không gian mới của các địa phương cho thấy, thứ hạng PCI chính là điểm chấm mà doanh nghiệp dành cho chất lượng “lắng nghe và hành động” của chính quyền địa phương.
Lần đầu tiên, Hải Phòng giữ vị trí quán quân trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Lần đầu tiên, Hải Phòng giữ vị trí quán quân trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

“Tân vương” Hải Phòng

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu là tâm điểm của Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024. Hải Phòng đã làm được điều mà 7 năm qua không địa phương nào làm được, đó là thay tên trên ngôi vị cao nhất của PCI.

Tại Lễ công bố, khi nêu tên “tân vương” của PCI 2024, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã nhắc đến những thành công của Hải Phòng trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và cả câu chuyện của sự chuyển mình, của nỗ lực và sáng tạo.

Trong 20 năm qua, kể từ khi được VCCI khởi xướng và thực hiện vào năm 2004, PCI được coi là một cuộc đối thoại thường niên giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương, là nơi doanh nghiệp được nói lên tiếng nói thẳng thắn từ thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe và hành động. Như vậy, thứ hạng PCI cũng có thể là coi là điểm chấm mà doanh nghiệp dành cho chất lượng “lắng nghe và hành động” của chính quyền địa phương.

Hải Phòng được đánh giá là tốt nhất trong các tỉnh, thành phố qua cuộc điều tra năm 2024; 7/10 lĩnh vực điều hành của Thành phố được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận có sự cải thiện lớn so với năm 2023.

Rõ ràng, dưới góc độ của các doanh nghiệp, Hải Phòng đang được đánh giá là tốt nhất trong các tỉnh, thành phố qua cuộc điều tra năm 2024. Đáng nói là, 7/10 lĩnh vực điều hành của Thành phố được cộng đồng kinh doanh ghi nhận có sự cải thiện lớn so với năm 2023, có những phần việc không dễ làm hài lòng doanh nghiệp như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Ngay cả chỉ số gia nhập thị trường mà Hải Phòng đang có điểm cao nhất là 8,72 điểm, việc cải thiện không đơn giản khi đây là chỉ số được hậu thuẫn rất lớn bởi những nỗ lực cải cách quy định trong gia nhập thị trường của Chính phủ suốt 20 năm qua, có nền điểm trung bình khá cao, phụ thuộc rất lớn vào sáng kiến cụ thể và năng lực thực thi của chính quyền các địa phương.

Chính vì vậy, hành trình để có được những con số trên mới thực sự là điều mà vị Chủ tịch VCCI cũng như các chuyên gia PCI muốn chia sẻ.

Câu chuyện của những sáng tạo không ngừng

Sức sống của PCI nằm ở những mô hình cải cách từ chính quyền cấp tỉnh xuất hiện không ngừng. Có thể nhắc mô hình “một cửa” trong gia nhập thị trường, trung tâm hành chính công tập trung, cafe doanh nhân, mô hình đánh giá chính quyền cấp sở, ngành, quận/huyện (DDCI)… đang được nhiều địa phương áp dụng như một công cụ cạnh tranh của môi trường kinh doanh. Tất cả đều có “xuất xứ” từ cuộc đua tranh thứ hạng qua mỗi kỳ PCI và được gọi bằng thuật ngữ “điển hình tốt”.

Khi lần đầu Hải Phòng giành được vị trí Á quân PCI (năm 2021) cũng đã đóng góp vào tập hợp điển hình tốt của PCI với cách thức ký cam kết công khai giữa chính quyền và doanh nghiệp về những nội dung hỗ trợ và cải cách. Chẳng hạn cam kết chủ động liên lạc với doanh nghiệp để hướng dẫn chi tiết hồ sơ nếu chưa phù hợp, cam kết không để doanh nghiệp phải đi lại bổ sung hồ sơ quá 1 lần, cam kết giảm thời gian giải quyết nhiều thủ tục xuống còn quá nửa so với quy định của Trung ương... Cùng với ký cam kết, Hải Phòng đề nghị báo chí và doanh nghiệp giám sát việc thực thi.

Còn năm nay, ông Lê Tiến Châu chia sẻ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội XVI, Đảng bộ Thành phố đã xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chính là giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng cao và hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

“Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch cải cách hành chính; thực hiện triệt để việc giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cá nhân từng cán bộ, đảng viên, theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”, ông Châu nói.

Năm 2024, Hải Phòng đã đạt 100% thủ tục hành chính được giải quyết tại bộ phận một cửa; công bố danh mục thủ tục hành chính và công khai trên hệ thống trực tuyến; các khoản phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến được miễn giảm; triển khai mạng chuyên dụng, đảm bảo kết nối 100% phường xã với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số.

Đặc biệt, ông Châu nhắc đến đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, sáng tạo, quyết liệt trong hành động, dám nghĩ, dám nói, biết làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; giữ vững sự đoàn kết, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu.

“Chỉ số PCI trở thành công cụ quan trọng giúp Hải Phòng đổi mới tư duy điều hành, nâng cao hiệu quả quản trị, lan tỏa các bài học cải cách, xây dựng thương hiệu địa phương và đặc biệt là công cụ giám sát hữu hiệu, phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó giúp đánh giá, điều chỉnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố”, ông Châu nhấn mạnh.

Có lẽ đây là điểm nút quan trọng để Hải Phòng bứt phá từ vị trí thứ 3 của PCI 2023, lên ngôi vị quán quân.

Nhìn sâu hơn vào Top 30 địa phương PCI 2024, có thể thấy sự có mặt của 6 thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều địa phương lân cận. Điều này có phần do lợi thế của các trung tâm kinh tế lớn và các vùng lân cận, như hạ tầng tốt hơn, tiếp cận lao động có tay nghề cao, sự gần gũi với các thị trường lớn...

Song, các chuyên gia PCI khẳng định, những lợi thế trên không đồng nghĩa với việc các địa phương này đương nhiên có được điểm cao của doanh nghiệp. Thực tế, không ít địa phương nằm ở trung tâm kinh tế vùng, rất có lợi thế trong thu hút đầu tư, từng liên tục nằm ở phía trên của Bảng xếp hạng PCI, nhưng đã vắng mặt trong Top 30 vài năm gần đây.

Ngay Hải Phòng cũng nhiều năm đứng ở nửa cuối Bảng xếp hạng, thấp nhất là thứ 50 trong PCI 2012, với những trồi sụt rất lớn. Xu thế đi lên chỉ bắt đầu từ năm 2014, với thứ hạng 34/63, nhưng cũng phải mất đến 5 năm, vào kỳ PCI 2019, Hải Phòng mới  chính thức có tên trong Top 10.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư  ký VCCI, Giám đốc PCI cho rằng, kết quả của Hải Phòng được xây đắp bằng nỗ lực bền bỉ, qua nhiều năm để không chỉ vượt lên chính mình, mà còn vượt lên sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Sự vào cuộc của các sở, ngành với rất nhiều hành động cụ thể và năng lực thực thi của chính quyền là chìa khóa đưa Hải Phòng bước lên ngôi vị cao nhất.

Cuộc đua trong không gian phát triển mới

Dư âm của PCI 2024 sẽ không dừng lại ở Lễ công bố hay trong các báo cáo phân tích PCI như thường thấy của các địa phương. Đây là năm cuối, PCI có đầy đủ 63 tỉnh, thành phố, nhưng cũng có thể là điểm đầu tiên của cuộc đua tranh mới, với yêu cầu và đòi hơn cao hơn.

Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Nhìn từ góc độ thứ hạng PCI của 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh trong diện sáp nhập, đang có sự khác biệt tương đối lớn về điểm số  giữa một số tỉnh. Điều này phản ánh khoảng cách về chất lượng điều hành giữa các địa phương, nhưng cũng báo trước những thách thức trong việc giải quyết sự khác biệt này. Điều này rất quan trọng, trước mắt, để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, nhưng lâu dài là tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và duy trì ổn định, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Nhưng đó không phải là thách thức duy nhất. Ông Lê Tiến Châu đã nhắc đến Hải Phòng với hành trình phát triển ngang tầm các thành phố tiêu biểu châu Á; là thành phố cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ. Ông cũng nhắc đến mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 12,5%, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15-16% giai đoạn 2026 - 2030.

Đặc biệt, Khu thương mại tự do thế hệ mới, với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội được thiết lập theo mô hình “một khai báo, một kiểm tra và một phê duyệt” theo chuẩn mực quốc tế đã được Thành phố đề xuất được thông qua ngay trong năm nay, cùng với nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng... Nhưng, hành trình mới của Hải Phòng sẽ đi cùng với Hải Dương.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới, với những mục tiêu đầy tham vọng như tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Các địa phương đều đang nhận trách nhiệm tăng trưởng 2 con số, song song với yêu cầu hoàn tất việc sáp nhập.

Trong bối cảnh này, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là điều kiện cần, mà còn là động lực cốt lõi để Việt Nam đạt được khát vọng. Cũng có nghĩa, duy trì và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp địa phương là nhiệm vụ cấp bách và mang tính quyết định. Chắn chắn, tập hợp điển hình tốt của PCI sẽ có thêm nhiều mô hình, sáng kiến từ nỗ lực “lắng nghe và hành động” của chính quyền địa phương sau sáp nhập.

Ga Hải Phòng trở thành điểm du lịch thứ 12 của thành phố
Sáng ngày 10/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Lễ Công bố Ga Hải Phòng trở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư