Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Petrolimex, PV Oil, Mipeco khó thoát truy thu thuế tiền tỷ
Thanh Hương - 17/08/2013 11:18
 
Trước đề xuất hủy bỏ công văn số 17060/BTC-VP liên quan đến truy thu thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính mới đây đã phản pháo khi cho rằng, văn bản 17060/BTC-VP chỉ là đôn đốc việc thực hiện chứ không phát sinh quy phạm pháp luật mới.
TIN LIÊN QUAN

Theo Bộ Tài chính, hàng hóa tạm nhập chuyển tiêu thụ nội đại phải tuân thủ chính sách thuế, chính sách quản lý nhập khẩu như hàng hóa nhập khẩu theo loại hình kinh doanh.

Các yêu cầu này đã được quy định rất rõ ràng tại khoản 9, Điều 9, Nghị định 154/2005/NĐ-CP và khoản 3, điều 37, Thông tư 194/2010/TT-BTC.

Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm Văn bản 17060/BTC-VP liên quan đến
truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết, chuyển tiêu thụ nội địa (ảnh: Đức Thanh)

Theo đó, khi hàng hóa tạm nhập nhưng không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ thì phải đăng ký tờ khai mới.

Các quy đinh hiện hành đều phù hợp với Nghị định và đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính cho người khai khi thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu.

Tuy nhiên, khi chuyển tiêu thụ nội địa, người khai hải quan không đăng ký lại tờ khai, nhưng về nghĩa vụ thuế thì vẫn phải tuân thủ chính sách thuế, chính sách quản lý nhập khẩu như loại hình kinh doanh.

Bộ Tài chính cho hay, theo các quy định hiện hành, khi hàng tạm nhập, tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng loại hình nhập khẩu kinh doanh và thời điểm tính thuế được quy định.

Nghĩa là thuế nhập khẩu được tính theo thuế suất, giá tính thuế và tỷ giá dùng để tính thuế theo tỷ giá ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm tính thuế. Cơ quan hải quan có trách nhiệm thu đủ thuế theo quy định.

Cũng bởi e ngại khi thực hiện Thông tư 194/2010/TT-BTC về thủ tục hải quan với trường hợp thay đổi loại hình nhập khẩu và áp dụng tính thuế với mặt hàng xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa có thể dẫn đến cách hiểu khác, nên Bộ Tài chính đã ra Thông báo số 17060/TB-BTC.

“Đây là văn bản hành chính để đôn đốc công tác tổ chức thực hiện về khai và đăng ký tờ khai, thu, nộp thuế thống nhất trong toàn lực lượng hải quan, đảm bảo việc thực thi đúng quy định pháp luật, thu đủ thuế đối với hàng nhập khẩu tiêu thụ nội địa. Việc làm này thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính theo khoản 2, điều 10 Luật quản lý thuế về chỉ đạo thực hiện quản lý thuế, chứ không phát sinh quy pháp pháp luật mới”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định với Bộ Tư pháp.

Ngoài ra, để chấn chỉnh công tác tạm nhập – tái xuất, trong đó có mặt hàng xăng dầu, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra, kiểm toán với hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu.

Trước khi ra các quyết định truy thu, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về về câu chuyện này và được yêu cầu “hướng dẫn thực hiện đúng quy định pháp luật thuế, pháp luật hải quan hiện hành và kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, tránh hồi tố trách nhiệm pháp lý nặng hơn với doanh nghiệp”.

Trước đó, sau khi họp với các bên liên quan và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tư pháp đã có văn bản 170/KTrVB cho rằng, công văn 17060/TB-BTC không tính đến và đã làm thay đổi cơ chế khai hải quan đã được xác lập tại Thông tư 194/2010/TT-BTC, đồng thời đã dẫn tới việc thay đổi thời điểm tính thuế với hàng hóa tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa. Bởi vậy, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Tài chính hủy bỏ công văn 17060/TB-BTC.

Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, không thể dùng công văn hành chính cá biệt như văn bản 17060/TB-BTC để “bẻ ghi”, thay thế cơ chế đã được xác lập tại Thông tư 194/2010/TT-BTC.

Nếu Bộ Tài chính thấy cần xác lập quy chuẩn mới về vấn đề liên quan thì phải ban hành thông tư mới thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thông tư hiện hành, làm cơ sở cho các bên liên quan thực hiện.

Câu chuyện về truy thu thuế với xăng dầu tạm nhập không tái xuất hết và chuyển tiêu thụ nội địa trở nên ồn ào từ cách đây 3 tháng, khi các ông lớn xăng dầu gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco), Công ty hóa dầu Nam Việt nhận được quyết định truy thu thuế nhập khẩu với tổng số tiền lên tới trên 300 tỷ đồng. Riêng Petrolimex là khoảng 170 tỷ đồng.

Theo công bố của Tổng cục Hải quan hồi tháng 9/2012, trong giai đoạn từ 1/1/2009 đến 31/6/2012, các doanh nghiệp đầu mối đã tạm nhập 9,992 triệu tấn xăng dầu các loại với trị giá 7,397 tỷ USD, nhưng lượng tái xuất mới chỉ đạt 80,1% (tương đương 8,008 nghìn tấn). Như vậy, số lượng xăng dầu tạm nhập mà chưa tái xuất còn lại trong giai đoạn trên là 1,984 triệu tấn với trị giá 1,391 tỷ USD.

Bởi vậy, việc tiến hành rà soát lại toàn bộ các lô hàng tạm nhập tái xuất, trong đó có cả mặt hàng xăng dầu từ năm 2009 đến tháng 6/2012 để xác định doanh nghiệp có thực hiện đúng thời gian về kê khai tạm nhập, tái xuất, nộp thuế khi chuyển đổi cũng được ngành tài chính xem là một trọng tâm, để không gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước trong thời gian qua.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư