Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
PG Bank chốt danh sách cổ đông đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM
Thùy Vinh - 12/11/2020 08:18
 
Ngày 26/10/2020 là ngày chốt danh sách cổ đông của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) để chuẩn bị đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống UPCoM khi chưa hoàn tất sáp nhập vào HDBank.

Việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM của PG Bank nhằm đáp ứng quy định trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019 tất cả ngân hàng phải lên sàn chứng khoán năm 2020. 

Trước PG Bank có Saigonbank, Nam A Bank, Ngân hàng Bản Việt, VietBank, Kienlongbank, BacA Bank... đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM trong năm 2019-2020.

Hiện thị trường tài chính còn một số nhà băng chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán và đang quá trình chạy đua thời gian để kịp lên sàn cuối năm nay.

Trong đó, OCB, MSB dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE cuối năm nay. ABBANK, BaoViet Bank đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM cuối năm. Riêng 3 ngân hàng yếu kém (OceanBank, CBBank, GP Bank) và DongA Bank đang kiểm soát đặc biệt nên không thể đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán.

Với PG Bank tuy đang trong quá trình hoàn tất sáp nhập vào HDBank, song khả năng chưa hoàn tất cuối năm nay nên cũng lên kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM.

Trong quý 3/2020, thu nhập lãi thuần của PG Bank tăng 23% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 248 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác gấp 2.9 lần cùng kỳ, đạt gần 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3.3 lần cùng kỳ lên mức gần 140 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước và sau thuế quý 3 của PG Bank giảm mạnh 70%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng và gần 17 tỷ đồng. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, PG Bank báo lãi trước và sau thuế gần 132 tỷ đồng và hơn 105 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cả năm 2020 (gấp 2.1 lần thực hiện năm 2019), PG Bank đã thực hiện được 69% chỉ tiêu.

Đến ngày 30/09/2020, tổng tài sản của PG Bank tăng 9% so với đầu năm, lên mức hơn 34,396 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 54% (540 tỷ đồng), tiền vàng gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và cho vay TCTD khác gấp 2,6 lần (4.866 tỷ đồng). Cho vay khách hàng tăng nhẹ 5% so với đầu năm, ghi nhận gần 24.886 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay, tại ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng giảm nhẹ 5% so với đầu năm, chủ yếu nhờ giảm 33% nợ nghi ngờ, tuy nhiên nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 81%. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của PG Bank chỉ giảm nhẹ từ mức 3.16% đầu năm xuống còn 2.87%.

Thương vụ sáp nhập PG Bank vào HDBank kéo dài hơn 2 năm qua. Theo kế hoạch ban đầu, việc sáp nhập sẽ hoàn tất vào tháng 8/2018 và thực hiện niêm yết cổ phiếu sau hoán đổi vào tháng 9/2018. Tỷ lệ hoán đổi được thống nhất là 1: 0.621 tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0.621 cổ phiếu của HDBank mới.

Dù vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của PG Bank hồi tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Giám đốc PG Bank cho biết, Ngân hàng vẫn đang thực hiện hợp đồng sáp nhập với HDBank, đã có hợp đồng nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tháng 09/2018.

PG Bank đã trình toàn bộ hồ sơ lên NHNN chấp thuận chính thức nhưng vẫn chưa được phê duyệt. Ngân hàng vẫn đang tiếp tục làm việc để đề nghị NHNN chấp thuận phương án sáp nhập này nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Ngày 02/11/2020, ông Nguyễn Tiến Dũng thôi làm Tổng Giám đốc để giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT PG Bank. Đồng thời, ông Nguyễn Phi Hùng làm Tổng Giám đốc Ngân hàng thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng.

Ủy ban Chứng khoán mạnh tay xử phạt các công ty trễ lên sàn, thông tin sai lệch
Công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 có thông tin sai lệch so với báo cáo kiểm toán khiến CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam nhận án phạt hành chính 85 triệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư