Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phải đưa tư tưởng của Bác Hồ vào Luật Đất đai
Mạnh Bôn - 22/11/2013 17:16
 
Thảo luận lần cuối đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vào chiều 22/11, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Bắc Việt đề nghị phải đưa tư tưởng của Bác Hồ vào luật này. >>> Thu hồi đất phải mang tính nhân văn >>> Giải quyết từ gốc các mâu thuẫn về đất đai >>> Những trăn trở, lo âu từ diễn đàn Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt

“Bác Hồ dạy, cái gì có lợi cho dân thì dù nhỏ cũng phải làm. Thực hiện tư tưởng này, trong Luật Đất đai phải thể hiện quan điểm xuyên suốt phương án đền bù, tái định cư, quy hoạch, thu hồi đất nào có lợi nhất cho dân thì áp dụng. Chỉ có vậy mới hợp lòng dân, mới được dân ủng hộ và mới không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện”, ông Việt phát biểu.

Theo ông Việt, chúng ta đang xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhưng xuyên suốt trong Dự thảo Luật Đất đai vai trò của người dân có đất bị thu hồi rất mờ nhạt.

Cũng với quan điểm “vì dân”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương đề nghị phải quy định quyền của người dân trong việc tham gia vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

“Bởi đây là nhu cầu rất thiết thực, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và là nguyên nhân gây ra khiếu nại, khiếu kiện do người dân không được biết quy hoạch sử dụng đất nơi mình đang sinh sống”, ông Phương nói.

“Tại sao người dân lại không biết trước quy hoạch sử dụng đất nơi mình đang sinh sống trong khi người thân của cán bộ, “cò đất”, công ty kinh doanh bất động sản, môi giới nhà đất đều biết trước quy hoạch”, ông Phương đặt câu hỏi.

Vị đại biểu này cho rằng, chính vì không biết trước được quy hoạch nên nhiều người mua phải đất nằm trong vùng quy hoạch đã dẫn đến cảnh dở khóc, dở cười là bán không được, ở thì không được xây dựng nhà và lúc nào cũng nơm nớp lo bị “di dời”. Và cũng có vô vàn trường hợp do không được biết trước quy hoạch nên nhiều người đã bán đất của mình cho “cò đất” với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực sau khi quy hoạch được công bố.

Đón đọc thông tin nóng nhất, mới nhất về thị trường bất động sản Việt Nam tại www.dautubds.vn - Chuyên trang Bất động sản của Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn:

>>> Nóng trên dautubds.vn từ 18-23/11: Hai nửa đỏ, đen
>
>>
6 nghịch lý của bất động sản Việt Nam
>>> Giá đất Hà Nội năm 2014 tối đa 81 triệu đồng/m2

“Chúng ta đang thực hiện cơ chế “dân biết - dân bàn - dân kiểm tra”, vì vậy, Luật Đất đai sửa đổi phải thể hiện rõ quan điểm này ngay trong quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”, ông Phương nói thêm.

Là một trong số nhiều ĐBQH cho ý kiến vào phần thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai, ông Tô Văn Tám lo ngại quy định thu hồi đất phục vụ dự án phát triển kinh tế - xã hội dễ bị lợi dụng.

Theo Dự thảo Luật Đất đai, Nhà nước có quyền thu hồi đất để sử dụng vào mục đích xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA; khu đô thị mới, cụm công nghiệp…

Ông Tám liệt kê hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã mở rộng đối tượng thu hồi đất khiến người dân hết sức bức xúc. Theo vị đại biểu đại diện cho cử tri tỉnh Kon Tum này, luật phải định thêm một khoản là Nhà nước không thu hồi đất để phục vụ mục đích kinh tế.

“Chỉ có quy định như vậy mới tránh được tình trạng lách luật bằng cách ban đầu thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng sau một thời gian lại chuyển đổi mục đích sử dụng để chuyển cho dự án thuần túy vì mục đích kinh tế”, ông Tám phân tích.

Đưa ra quan điểm trên, theo ông Tám là để bảo đảm quyền lợi của người dân đúng theo tư tưởng cái gì lợi cho dân thì dù nhỏ mấy cũng làm.

“Trên thực tế, người dân không mấy quan tâm đất đai của họ sau khi thu hồi được sử dụng vào việc gì, mà họ chỉ quan tâm tới mức bồi thương, giá bồi thường, chính sách hỗ trợ. Nếu thu hồi đất để phục vụ dự án phát triển kinh tế - xã hội thì giá bồi thường thấp hơn rất nhiều so với giá đất thỏa thuận để thực hiện dự án phát triển kinh tế. Như vậy rõ ràng, thu hồi đất để phục vụ dự án phát triển kinh tế - xã hội sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng thì người dân bị thiệt hại về quyền lợi và là khởi nguồn của khiếu nại, khiếu kiện”, ông Tám nói thêm.

Trong khi đó quan điểm “vì dân” theo ĐBQH Huỳnh Nghĩa chính là việc xác định giá đất thu hồi phải sát giá thị trường trên cơ sở có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào việc định giá đất.

Theo quy định hiện hành, giá đất để tính bồi thường do UBND cấp tỉnh ban hành phải sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Quy định thì như vậy, nhưng trên thực tế, theo ông Nghĩa, giá đất đền bù thường thấp xa so với giá thị trường nên người dân bị thu hồi đất đã phải hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội, họ lại bị thiệt hại thêm lần nữa là giá đền bù thấp hơn giá thị trường, đặc biệt trong những giai đoạn giá đất biến động mạnh.

“Giá đất tính đền bù hiện nay đều do ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước - ĐBQH La Ngọc Thoáng nói tiếp - Nếu không có quy định cụ thể thế nào là giá thị trường và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình định giá đất thì không thể ngăn chặn được tình trạng lợi dụng việc thu hồi đất của dân để trục lợi cá nhân, tạo điều kiện cho một nhóm người làm giàu không chính đáng”

Quan điểm vì dân cũng được ông Huỳnh Nghĩa - đại diện cho cử tri Đà Nẵng nhận định: “Quy định cấm phân lô bán nền là xa rời thực tế, hạn chế sự phát triển của thị trường bất động sản và không đúng với nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của người dân”.

“Trong khu đô thị mới, bên cạnh nhà chung cư còn có biệt thự, nhà liền kề, vì vậy, nếu cấm phân lô bán nền (biệt thự, nhà liền kề) là không phù hợp. Luật phải trả lại quyền xây nhà của người dân, tất nhiên người dân xây nhà trong khu đô thị không được phá vỡ quy hoạch”, ông Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư