Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 22 tháng 01 năm 2025,
Phải ghép gan giữ tính mạng sau khi lạm dụng thuốc Nam
D.Ngân - 22/01/2025 09:46
 
Một người đàn ông 43 tuổi đã phải trải qua ca ghép gan cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau khi tự ý sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

Chỉ sau một tháng sử dụng, bệnh nhân đã bị suy gan cấp tính, phải nhập viện trong tình trạng vàng da, mệt mỏi, và suy gan nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Người bệnh N.P.T (43 tuổi) đến từ Hà Nội, không có tiền sử bệnh lý gan hay thói quen uống rượu bia thường xuyên, nhưng đã tự ý sử dụng thuốc Nam trị yếu sinh lý mà không rõ nguồn gốc.

Sau một tháng sử dụng thuốc, ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, vàng da và vàng mắt, các triệu chứng này ngày càng nặng hơn. Khi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy gan cấp do ngộ độc thuốc Nam.

Mặc dù đã được điều trị nội khoa, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện và diễn biến bệnh chuyển nặng, nguy cơ hôn mê do não gan độ 2-3.

Các bác sỹ quyết định thực hiện phẫu thuật ghép gan cấp cứu. Mảnh gan ghép cho bệnh nhân là từ một người cho chết não. Sau ca phẫu thuật và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã hồi phục và có thể xuất viện.

Các bác sỹ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trường hợp này không phải là duy nhất. Họ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân phải phẫu thuật ghép gan do sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc hoặc tự ý ngưng thuốc điều trị viêm gan B. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như trường hợp này, vì nguồn mô, tạng hiến rất hạn chế.

Viêm gan virus B mạn tính, gây ra bởi virus viêm gan B (HBV), có thể âm thầm tiến triển trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh có thể lây qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn, hoặc từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, suy gan cấp, hoặc ung thư gan.

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh lý này trở nên nghiêm trọng là khi người bệnh tự ý ngừng điều trị thuốc kháng virus mà không có sự chỉ định của bác sỹ, khiến virus HBV tái phát và gây tổn thương gan nghiêm trọng.

Theo bác sỹ Lê Nam Khánh, chuyên gia tại Khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người bệnh viêm gan B cần tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị của bác sỹ. Việc ngừng thuốc hay thay đổi phương pháp điều trị mà không có sự hướng dẫn của chuyên gia có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Mặc dù thuốc nam có thể có lợi ích nhất định trong việc hỗ trợ điều trị, nhưng việc sử dụng thuốc này cần phải được kiểm chứng khoa học và chỉ nên dùng dưới sự hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa.

Bác sỹ cảnh báo rằng không phải tất cả các loại thuốc nam đều an toàn. Một số loại thảo dược hoặc thuốc nam không rõ nguồn gốc có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến suy gan cấp, một tình trạng có tỷ lệ tử vong lên đến 60% nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Để bảo vệ gan, ngoài việc tuân thủ chỉ định điều trị, người bệnh cần duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia và chất kích thích, đồng thời tập luyện thể thao đều đặn.

Đặc biệt, đối với những người mắc viêm gan B mạn tính, việc theo dõi chức năng gan và xét nghiệm viêm gan định kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm các biến chứng và điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần thiết.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới có khoảng 254 triệu người đang sống chung với viêm gan B, 50 triệu người mắc viêm gan C. Mỗi ngày, chúng ta phải chứng kiến 6.000 người nhiễm mới và 3.500 người tử vong. Con số đáng báo động này vẫn đang tiếp tục gia tăng. 

Tại Việt Nam, số người nhiễm viêm gan B là khoảng 6,5 triệu người, 900.000 người nhiễm viêm gan C. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan B và C cao nhất trên thế giới.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong.

Bệnh viêm gan virus B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc-xin sớm và đúng quy định. Với viêm gan virus C, hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh nhưng với các phác đồ điều trị hiện có, bệnh viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư