Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Phải nộp thuế 2% giá trị khi chuyển nhượng địa ốc
Mạnh Bôn - 17/01/2015 09:08
 
Thay vì được lựa chọn 2 phương pháp tính thuế, kể từ ngày 1/1/2015, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán và bất động sản chỉ được thực hiện phương pháp tính thuế duy nhất. “Việc thay đổi phương pháp tính thuế nhằm đơn giản, minh bạch cho người nộp thuế”, bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân khẳng định.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đầu tư bất động sản, lỗ vẫn phải nộp thuế
Nhiều trường hợp không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Cho thuê nhà 100 triệu đồng không phải nộp thuế

Thưa bà, vì sao không cho phép cá nhân chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán được nộp thuế tính trên chênh lệch (giá bán - giá mua và các chi phí liên quan), mà chỉ được nộp thuế tính theo giá trị chuyển nhượng?

Cách tính thuế theo thuế suất 25% tính trên chênh lệch bộc lộ nhiều bất cập như rất khó xác định giá mua, giá bán thực tế và các chi phí liên quan, vì đa số trường hợp chuyển nhượng bất động sản của cá nhân đều bằng tiền mặt. Việc xác định chênh lệch là thu nhập chịu thuế phụ thuộc hoàn toàn vào cá nhân, dễ dẫn đến không công bằng, minh bạch.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế)
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế)

Từ thực tế này, kể từ ngày 1/1/2015, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, cá nhân chuyển nhượng bất động sản chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo một phương pháp duy nhất là tính trên giá chuyển nhượng với thuế suất 2%.

Thế còn đối với chuyển nhượng chứng khoán thì sao?

Kể từ năm 2009, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất 20% tính trên chênh lệch hoặc nộp theo thuế suất 0,1% tính trên giá trị chuyển nhượng.

Cách tính thuế theo thuế suất 20% rất phức tạp, bộc lộ nhiều bất cập như để được áp dụng thuế suất 20%, cá nhân phải theo dõi đầy đủ giá mua, giá bán của các mã chứng khoán riêng biệt, kể cả các mã chứng khoán đã đầu tư từ trước năm 2009. Việc xác định giá vốn rất phức tạp, nhất là đối với chứng khoán chưa niêm yết, giao dịch thoả thuận, đặc biệt là với cá nhân mua -  bán nhiều mã chứng khoán trong năm. 

Chính vì vậy, cũng như với chuyển nhượng bất động sản, kể từ  ngày 1/1/2015, cá nhân chỉ thực hiện nộp thuế theo một phương pháp duy nhất là tính trên giá thực tế chuyển nhượng với thuế suất 0,1% để đơn giản và minh bạch trong việc tính thuế.

Cách tính thuế mới có ảnh hưởng nhiều đến người nộp thuế không, thưa bà?

Có ảnh hưởng, nhưng không nhiều. Cụ thể, trong hai năm 2012 và 2013, ngân sách thu được 269 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán, nhưng chỉ có tổng cộng 13 trường hợp nộp thuế theo thuế suất 20%. Tương tự, trong 2 năm vừa qua, ngân sách thu được tổng cộng 7.201 tỷ đồng từ chuyển nhượng bất động sản, trong đó, thu từ thuế suất 25% chỉ chiếm 2%, với 145 trường hợp.

Kể từ ngày 1/1/2015, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Có ý kiến cho rằng, như vậy là không công bằng. Bà bình luận gì về việc này?

Cách tính thuế cũ dựa vào thu nhập chịu thuế, trừ đi gia cảnh sau đó nhân với thuế suất theo Biểu thuế lũy tiến được xây dựng theo chuẩn quốc tế, đảm bảo người có thu nhập cao nộp thuế nhiều, người có thu nhập thấp nộp thuế ít.

Tuy nhiên, cách tính thuế này không phù hợp vì quy mô, cách thức tổ chức hoạt động cũng như hiểu biết về pháp luật của hộ kinh doanh tại Việt Nam còn ở mức độ thấp, nên gây khó khăn cho người nộp thuế cũng như không minh bạch, mất công bằng.

Trong khi đó, cách tính thuế mới chỉ áp dụng với hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên rất đơn giản, chỉ cần nhân thuế suất 0%; 1%; 1,5%; 2% hoặc 5% (tùy từng lĩnh vực) với doanh thu. Với cách tính này, cá nhân tự xác định được số thuế phải nộp của mình, của hộ bên cạnh, cũng như giám sát được việc tính thuế của cán bộ thuế. Đây chính là điều mà từ trước đến nay, người dân chưa làm được.

Vậy thuế suất 0,5%; 1%; 1,5%; 2% và 5% được đưa ra dựa trên căn cứ nào?

Có 2 nguyên tắc đưa ra các mức thuế suất này.

Thứ nhất, dựa trên thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề. Trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình cũng hội đủ các yếu tố về doanh thu, chi phí tương tự như doanh nghiệp, do đó, chính sách thuế đối với hộ gia đình cũng cần phải có sự tương đồng về cách xác định doanh thu tính thuế, chi phí hoạt động giống như doanh nghiệp.

Thứ hai, có tính đến đặc thù của thuế thu nhập cá nhân là yếu tố giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, giảm trừ gia cảnh cũng được tính trong phần chi phí được trừ khi xác định tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu.

Nhưng vấn đề là xác định doanh thu của hộ kinh doanh liệu có đảm bảo công bằng và phù hợp thực tế không?

Nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch, cơ quan quản lý thuế xây dựng mức doanh thu dự kiến của từng hộ trên cơ sở số liệu tự kê khai của hộ kinh doanh và tài liệu điều tra, khảo sát của cơ quan thuế.

Mức doanh thu dự kiến được tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn và niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường hoặc trụ sở cơ quan thuế hoặc ban quản lý chợ để lấy ý kiến nhân dân. Sau khi có ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế địa phương và ý kiến phản hồi của người dân, cơ quan thuế mới chính thức thông báo doanh thu và mức thuế phải nộp của từng hộ kinh doanh, nên bảo đảm công bằng và phù hợp với thực tế vì được thực hiện công khai, minh bạch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư