Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phải trao cho hải quan “thượng phương bảo kiếm”
Hàn Tín - 14/01/2014 18:59
 
Trước thực trạng buôn lậu, buôn hàng quốc cấm ngày càng phức tạp, nguy hiểm và diễn ra “trên toàn tuyến biên giới”, phá hoại hoạt động sản xuất trong nước, sức khỏe người dân và ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn cơ quan hải quan Việt Nam phải giống như Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ. >>> >>> >>> >>>

Nhiệm vụ chính của cơ quan hải quan là thu thuế xuấ, nhập khẩu và chống buôn lậu, gian lận thương mại. Khi nền kinh tế hội nhập đầy đủ vào kinh tế thế giới, thuế xuất, nhập khẩu giảm mạnh thì nhiệm vụ chủ yếu của hải quan là chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Để thực hiện được nhiệm vụ này, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi vào chiều nay (14/1/2014), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần phải trao thêm quyền hạn và trách nhiệm cho cơ quan hải quan, kể cả quyền khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu hàng hoá; tạm giữ phương tiện vận tải, hàng hoá.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi cho phép cơ quan hải quan được tạm giữ người, áp giải người vi phạm nếu có căn cứ cho rằng có hành vi vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất nổ, tài liệu phản động là phù hợp với thực tế hiện nay.

“Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã cho phép cơ quan hải quan, công chức hải quan được quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện hoạt động điều tra. Nếu không trao thêm thẩm quyền cho cơ quan hải quan, kể cả quyền áp dụng biện pháp tuần tra; điều tra, xác minh; áp dụng biện pháp nghiệp vụ để phát hiện buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ việc kiểm tra, điều tra, xác minh hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới thì rất khó có thể ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là buôn bán hàng quốc cấm như ma túy, vũ khí, vật liệu nổ…”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu và cho rằng, nếu được Quốc hội trao cho những quyền này thì cơ quan hải quan Việt Nam mới có cơ sở để nâng cao hoạt động hiệu quả như Sở Thuế quan Hoa Kỳ.

Sở Thuế quan Hoa Kỳ là một bộ phận của Bộ An ninh nội địa được trao rất nhiều quyền hạn và thực tế chứng minh cơ quan này luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, kiểm soát thuế quan, ngăn chặn buôn bán ma túy, chống nhập khẩu hàng giả, ngăn chặn nhập khẩu nông sản, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng…

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 5 năm vừa qua, chỉ tính riêng lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 824.000 vụ buôn lậu thu về cho Nhà nước 23.300 tỷ đồng.

“Điều này cho thấy tình trạng buôn lậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, nguy hiểm đã và đang ảnh hưởng tới sản xuất trong nước; sức khỏe cộng đồng bị đe dọa từ việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm ôi thiu, quá thời hạn sử dụng; an ninh trật tự xã hội ngày càng bị tác động xấu do buôn lậu gây ra”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Hiện tại có tới 6 cơ quan tham gia vào việc chống buôn lậu, nhưng theo ông Giàu, công tác chống buôn lậu… càng chống càng tăng.

“Lực lượng quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương hiện có khoảng 5.200 biên chế. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị tăng thêm 1.000 biên chế nữa. Nhưng tôi cho rằng, dù có tăng thêm biên chế thì công tác chống buôn lậu cũng khó có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, nên giao nhiệm vụ này cho hải quan cùng với việc mở rộng chức năng, quyền hạn cho hải quan trong chống buôn lậu”, ông Giàu phát biểu.

Bức xúc trước thực trạng buôn lậu ngày càng manh động, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện đồng tình với quan điểm phải trao cho hải quan “thượng phương bảo kiếm”.

Tuy nhiên, ông Hiện băn khoăn việc cho phép cơ quan hải quan được phép tạm dừng, giữ, áp giải phương tiện và người vi phạm.

“Hiện chỉ có cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ mới được dừng, giữ phương tiện và người vi phạm, còn các lực lượng khác trong ngành công an, kể cả giám đốc sở công an cũng không được dừng phương tiện khi đang lưu thông. Vì thế, phải quy định rất cụ thể quyền dừng, giữ, kiểm tra và áp tải phương tiện cũng như người có dấu hiệu buôn lậu để tránh lạm quyền làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, buôn bán, đi lại của người dân”, ông Hiện phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng dẫn số liệu, trong năm 2013, cơ quan chức năng phát hiện trên 22.000 vụ buôn lậu, trong đó có hàng ngàn vụ buôn hàng quốc cấm như ma túy, chất gây nghiện, vũ khí các loại, chất nổ… mà nổi bật là vụ “xuất khẩu” chót lọt hơn 600 bánh heroin và nhập khẩu thiết bị y tế đã qua sử dụng để minh chứng quyền hạn, trách nhiệm, quy trình trong Luật Hải quan hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn.

“Tôi hỏi anh em hải quan, họ cho biết đã thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhưng vẫn để lọt buôn lậu, kể cả buôn lậu hàng quốc cấm. Để chống buôn lậu, Luật Hải quan sửa đổi cần phải tăng thêm quyền hạn, trách nhiệm cho cơ quan hải quan”, ông Dũng kiến nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư