Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phải xây dựng Long Thành trở thành sân bay đầu mối trung chuyển quốc tế
Anh Minh - 22/08/2019 15:59
 
Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ góp phần giảm tải cho Tân Sơn Nhất mà còn hội nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành sân bay trung chuyển quốc tế lớn trong khu vực.
Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, ACV đề xuất tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I là 111.922 tỷ đồng (tương đương 4,7891 tỷ USD).
Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, ACV đề xuất tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I là 111.922 tỷ đồng (tương đương 4,7891 tỷ USD).

Đây là gợi mở của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước tại cuộc phiên họp đầu tiên của Hội đồng để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

“Cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô vốn rất lớn, sức lan tỏa cao và có giá trị hàng trăm năm nên trong quá trình nghiên cứu và thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư và các thành viên Hội đồng cần hết sức cẩn trọng với một tư duy mới, một tầm nhìn dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề.

Bộ trưởng dẫn lại bài học thành công của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất với cảng hàng không quốc tế Du Bai. Từ một cảng hàng không nhỏ nằm giữa sa mạc, với một tầm nhìn dài hạn, Du Bai đã được đầu tư lớn, bài bản để trở thành đầu mối trung chuyển hàng không lớn nhất thế giới và hiện như một thỏi nam châm thu hút hơn 100 triệu du khách mỗi năm trong khi dân số tại quốc gia này chỉ có hơn 4 triệu dân.

“Nếu lấy Long Thành làm tâm điểm thì với bán kính 2 -3 giờ bay, sân bay này kết nối tất cả các quốc gia Đông Nam Á cũng như nhiều đầu mối tài chínhkinh tế lớn trong khu vực. Đó là chưa kể đến việc chúng ta phát triển sân bay Long Thành trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế, du lịch rất cao. Đây là những yếu tố không thể bỏ qua khi đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành”, Bộ trưởng Dũng nêu quan điểm và mong sân bay Long Thành khi hoàn thành có độ ổn định từ 20 – 30 năm chứ không phải xây dựng xong một vài năm đã phải tính chuyện mở rộng, cơi nới vừa phá vỡ quy hoạch vừa lãng phí như một số cảng hàng không hiện hữu.

Được biết, tại cuộc họp này, tổ chuyên gia thẩm định liên ngành đã có báo cáo kết quả thẩm định sơ bộ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, tổ chuyên gia cho rằng, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án còn thiếu một số tài liệu như Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định pháp luật xây dựng; các tài liệu chứng minh khả năng huy động vốn để đầu tư Dự án của ACV và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng như còn một số vấn đề quan trọng khác cần được chủ đầu tư dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi bổ sung, làm rõ.

Vào giữa tháng 7/2019, Bộ GTVT đã có tờ trình số 6525/TTr- BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định Nhà nước Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Hiện nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ thẩm định để có thể trình Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tại kỳ họp cuối năm 2019 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2020 để phấn đấu hoàn thành công trình vào cuối năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Các công nghệ dự kiến biến Long Thành thành siêu sân bay thông minh
Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để đưa chất lượng phục vụ hành khách, an toàn bay ngang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư