Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phạm Hoàng Thái Dương, sáng lập Công ty Color life: Bán hoa thời công nghệ
Thu Phương - 11/01/2018 09:27
 
Việc một kỹ sư công nghệ thông tin thành công với nghề kinh doanh hoa không có gì quá đặc biệt, nhưng việc Phạm Hoàng Thái Dương, sáng lập Công ty Color life gọi được 1 triệu USD đầu tư cho dịch vụ điện hoa “Hoa yêu thương” là điều đáng nói.

Đầu tư triệu USD để bán hoa Greenwings, một công ty xuất khẩu hoa đặt trụ sở tại Hà Lan đã quyết định đầu tư 1 triệu USD vào Hoa yêu thương.

Như vậy là sau 7 năm, 1 start-up thành lập năm 2010, với số vốn ban đầu 700 USD của chàng trai quê Lâm Đồng - Phạm Hoàng Thái Dương, doanh thu hơn 900 triệu đồng mỗi tháng đã bước vào nấc thang phát triển mới.

Với 500.000 USD trong kế hoạch giải ngân cho lần đầu của Greenwings, Phạm Hoàng Thái Dương cho biết sẽ dành để đầu tư phát triển 3 thị trường lớn, là Hà Nội, TP.HCM và thị trường Campuchia.

.
Doanh nhân Phạm Hoàng Thái Dương

“Có thể đến quý II/2018, chúng tôi sẽ chính thức bước chân ra thị trường nước ngoài đầu tiên của mình là Campuchia. Các hoạt động xúc tiến thị trường đang được thực hiện rốt ráo”, Dương nói.

Theo Dương, người Campuchia có những nét tương đồng với người Việt về cách sống, tiêu dùng, khoảng cách địa lý lại khá gần nguồn cung hoa chính là Đà Lạt, Lâm Đồng, nên thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường tại đây sẽ thuận lợi hơn, chi phí vận chuyển hợp lý hơn với Hoa yêu thương.

“Đối với thị trường Campuchia, Hoa yêu thương sẽ chọn cách đi cách khác với những gì đã làm ở Việt Nam cách đây 7 năm, tôi sẽ xây dựng cửa hàng trước, phát triển online sau”, Dương cho hay.  

Nhưng Hoa yêu thương vẫn sẽ giữ đặc điểm đã làm nên thương hiệu của dịch vụ này suốt từ năm 2010 đến giờ, đó là luôn đạt chất lượng, giá tiền không quan trọng.

“Đây cũng là là triết lý kinh doanh của tôi và cũng là sự hấp dẫn của Hoa yêu thương với nhà đầu tư Greenwings, để họ quyết định rót vốn cho chúng tôi”, Dương nói.

Dấu ấn của kỹ sư công nghệ

Bảy năm trước, năm 2010, kỹ sư công nghệ thông tin Phạm Hoàng Thái Dương nhận thấy tiềm năng ở phân khúc thị trường điện hoa. Vốn là người nhiều ý tưởng ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế, nên khi phải vất vả đi mua hoa tặng bạn bè mỗi khi có dịp lễ tết, Dương tự đặt cho mình câu hỏi, có thể làm khác đi không.

Chat với Nhà sáng lập Phạm Hoàng Thái Dương:

Vì sao tên Công ty là Color life?

Color có nghĩa là màu, life có nghĩa cuộc sống. Tôi muốn tô điểm cuộc sống bằng những màu sắc tươi vui. Hoa yêu thương là một thương hiệu của Color life.

Hoa yêu thương tìm đến khách hàng bằng cách nào?

Nhiều kênh, nhưng đầu tiên là thông qua thông tin quảng cáo trên mạng, nhưng kênh này giờ cũng dần bão hòa. Tôi đang nghĩ, cách quảng bá tốt nhất là để khách hàng kể cho bạn bè của họ sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Đó là kênh quảng bá truyền miệng vô cùng quan trọng.

Đối tượng khách hàng trọng tâm của Công ty là…?

Triết lý của tôi là xây dựng Hoa yêu thương để mọi người đều có thể mua hoa, tặng hoa cho nhau, để hoa không phải là một cái gì đó xa xỉ hay hình thức, mà là để nhớ đến nhau. Chúng tôi có những gói sản phẩm thích hợp cho mọi người, từ 50-70.000 đồng đến nhiều hơn…

“Thời điểm đó, trên thế giới đã có nhiều trang web về hoa, với nhiều ứng dụng công nghệ thông tin để đưa hoa đến khách hàng một cách thuận tiện nhất, nhanh nhất. Lúc đó, tôi thoáng nghĩ, tôi có thể làm được như thế tại Việt Nam”, Dương kể.

Lợi thế lớn nhất của Dương là… kỹ sư công nghệ, với những hiểu biết về các ứng dụng quản lý, vận hành công ty, xử lý đơn hàng, phân tích dữ liệu... Phần việc khó khăn hơn là chọn hoa, cắm hoa, thì Dương có người thầy lớn chính là mẹ mình.

“Hoa yêu thương đã ra đời dựa trên chính các ưu thế của tôi”, Dương chia sẻ lý do xây dựng trang web và xây dựng hệ thống dịch vụ điện hoa với tên gọi Hoa yêu thương.

Đương nhiên, Dương cũng là người đi chọn mua hoa về cắm, giao hàng cho khách. Ngày đầu tiên mở bán, Dương có được 12 đơn hàng online, mỗi đơn hàng thu về 100.000 đồng. Tưởng chừng mọi việc nhanh vào guồng. Nhưng sau ngày lễ, đơn hàng ít dần, mỗi ngày chỉ có vài đơn lẻ tẻ. Để duy trì công ty, Dương buộc phải đi kiếm tiền bằng việc triển khai thương mại điện tử cho doanh nghiệp khác. Công việc kiếm thêm này, không ngờ đem về 1,5 tỷ đồng cho Dương, giúp Hoa yêu thương có vốn duy trì, để thử nghiệm chính các phần mềm ứng dụng cho dịch vụ điện hoa mà Dương và các cộng sự cùng viết.

Bản thân Dương hiểu, ứng dụng công nghệ chính là điểm mạnh mà Hoa yêu thương vượt lên các dịch vụ điện hoa cùng thời. “Nó giúp chúng tôi giải quyết nhiều bài toán lớn về quản lý đơn hàng, tính toán chính xác thời gian, quãng đường đi để giao hoa đúng giờ, số nguyên vật liệu cần nhập... Không có phần mềm, nhân viên giữa các bộ phận rất khó quản lý được quy trình làm việc và tránh được những sai sót”, Dương nói.

Nhờ công nghệ, việc kinh doanh của Dương dần đi vào quỹ đạo.

Trong năm nay, Hoa yêu thương đã có thêm bàn đạp mới bên cạnh kế hoạch phát triển thị trường. Nhà sáng lập Hoa yêu thương đang tính tới kế hoạch xây dựng trung tâm đào tạo cho việc trồng trọt và nghiên cứu công nghệ thông tin để thúc đẩy doanh số bán hàng trong ngành, vì Hoa yêu thương tiếp tục mục tiêu tập trung phát triển hoa của Việt Nam.

“Tôi đã cam kết hỗ trợ người nông dân sản xuất, chúng tôi sẽ tiêu thụ sản phẩm của họ”, Dương nói.

Bức tranh hoàn hảo khi gọi vốn của start-up
Từ những thương vụ đầu tư và M&A mà start-up người Việt đã thành công như Misfit, Got It, Foody, Appota hay Toong Co-working Space, chúng ta có thể tự tin...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư