Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phân hóa ngày càng lớn trong ngành chứng khoán
Với những quy định mới liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán, sự phân hóa giữa các công ty chứng khoán đang có xu hướng ngày càng lớn.

Cả nước hiện có 85 công ty chứng khoán (CTCK), tuy nhiên, trên thị trường đang có sự phân hóa khá lớn giữa các CTCK hàng đầu và các còn lại. Trong quý I năm nay, tổng thị phần môi giới cổ phiếu của 10 công ty hàng đầu trên HOSE chiếm 64,25% thị phần toàn thị trường. Trong khi đó, tại HNX, 10 CTCK dẫn đầu chiếm 57,7% thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết.

Sự phân hóa này đang có xu hướng ngày càng lớn trước những động thái chính sách của các cơ quan quản lý trong thời gian tới.

 

Thứ nhất là việc sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC. Mặc dù sau lần lấy ý kiến thị trường với bản Dự thảo lần thứ nhất, cơ quan quản lý dường như chưa thực hiện bước tiếp theo. Nhưng với các quy định tại Dự thảo, một khi có hiệu lực sẽ rất có lợi cho các CTCK cổ phần không phải là công ty con của các ngân hàng, như CTCP Chứng khoán Sàn Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDS)... Các CTCK là công ty con của ngân hàng đang bị hạn chế vay nợ và tăng vốn từ ngân hàng mẹ theo các quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Khi các CTCK này hết hạn mức cho vay ký quỹ (hiện bị giới hạn ở mức 200% vốn điều lệ theo Quyết định số 637/2011 của UBCK), các CTCK có thể thu xếp giúp khách hàng vay vốn từ ngân hàng mẹ hoặc đối tác bằng cách ký kết hợp đồng hợp tác ba bên giữa ngân hàng mẹ/đối tác, khách hàng và bản thân công ty.

Xem ra, các CTCK trực thuộc các ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất nên khá tích cực sử dụng loại hợp đồng này. Tuy nhiên, theo Dự thảo sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC, hoạt động huy động vốn của CTCK sẽ bị giới hạn trong 3 hình thức: vay ngân hàng, phát hành chứng khoán thông qua phát hành riêng lẻ hay ra công chúng, vay các khoản nợ thứ cấp (trái phiếu 10 năm trở lên hoặc trái phiếu chuyển đổi có thời hạn 5 năm trở lên). Vì vậy, bất kỳ dạng hợp đồng nào khác cũng sẽ bị coi là bất hợp pháp. Khi đó, các CTCK có vốn lớn, tình hình tài chính lành mạnh, không bị hạn chế vay nợ và có thể huy động tăng vốn và phát hành các khoản nợ thứ cấp sẽ có ưu thế lớn.

Thứ hai là Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Về điều kiện gia nhập thị trường chứng khoán phái sinh, các công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên với hoạt động tự doanh, 800 tỷ đồng trở lên với hoạt động môi giới và tự doanh. Ngoài ra, tổ chức kinh doanh cần đáp ứng các yêu cầu về lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng và các điều kiện khác theo hướng dẫn của Bộ tài chính. Các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại có thể đăng ký trở thành thành viên của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, với điều kiện vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 900 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ trực tiếp và từ 1.200 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ chung.

Với những yêu cầu về mặt kỹ thuật nói trên, SSC dự kiến sẽ có 15 - 20 công ty chứng khoán đạt yêu cầu để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới. Đây cũng sẽ là những CTCK có quy mô lớn nhất trên thị trường hiện nay.

Ngoài ra, một số sản phẩm chứng khoán phái sinh sẽ được triển khai đầu tiên vào năm 2016, bao gồm hợp đồng tương lai và quyền chọn chỉ số (VN30 và HNX30), hợp đồng tương lai trái phiếu. Hiện tại, 3 CTCK lớn là HSC (thành viên sáng lập quỹ ETF VN30 và nằm trong top 3 CTCK có thị phần môi giới trái phiếu đứng thứ 2), SSI và BVS (thành viên đồng sáng lập Quỹ ETF HNX30, có thị phần môi giới trái phiếu lần lượt đứng thứ 8 và thứ 3 trên thị trường) sẽ có nhiều ưu thế hơn các đối thủ còn lại khi triển khai các sản phẩm phái sinh này.

Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng các công cụ phái sinh thường tập trung ở nhà đầu tư tổ chức, mà các CTCK lớn nhất thường có thị phần nhà đầu tư tổ chức lớn, như HSC, SSI, BVS…, nên sẽ có nhiều lợi thế trong lĩnh vực này.

Thứ ba là Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC cho phép giao dịch trong ngày cho các cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 và HNX30. Theo đó, các công ty chứng khoán phải đạt một số yêu cầu để đủ điều kiện cung cấp dịch vụ này, như: vốn điều lệ tối thiểu 800 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng theo quy định; không ghi nhận lỗ trong 2 năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu đạt 220% liên tục trong 12 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ báo cáo về việc đăng ký môi giới giao dịch mua bán trong ngày; không trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc đang trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Thông tư sửa đổi này được kỳ vọng ban hành vào cuối năm 2015. Khi đó, sẽ có hơn chục CTCK đủ điều kiện cung cấp dịch vụ này, như VPBS, MBKE, TCBS, MBS, ACBS, VND, KLS, Agriseco, SHS, SBS và SSI. Dịch vụ giao dịch trong ngày sẽ giúp các CTCK này có ưu thế tăng doanh số giao dịch, qua đó tăng doanh thu môi giới và cho vay ký quỹ so với các CTCK khác.

Nhiều tiềm năng phát triển thị trường chứng khoán phái sinh
Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đang còn rất sơ khai, thiếu nhiều loại sản phẩm, nên dư địa phát triển là rất lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư