Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 04 tháng 12 năm 2024,
Phanh gấp tư duy cũ về điều kiện kinh doanh
Khánh An - 19/06/2015 08:34
 
Chưa phải là hành vi trái luật, song cách thức tư duy theo thói quen trong xây dựng điều kiện đầu tư kinh doanh của một số bộ, ngành đang khiến nỗi lo luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư lại nổi lên.
.
Các điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành không đúng thẩm quyền sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Liên tục trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2015, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) tổ chức 2 cuộc hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản của Bộ Xây dựng. Đây là hoạt động đầu tiên của hội này sau khi ra mắt vào ngày 27/5/2015.

Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu như từ ngày 1/7 tới, theo quy định của Luật Đầu tư 2014, các điều kiện kinh doanh được quy định trong các văn bản không phải là luật, pháp lệnh, nghị định, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết sẽ không có hiệu lực.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tái khẳng định, Luật Đầu tư năm 2014 không cho phép thông tư được ban hành điều kiện, cho dù ngành nghề môi giới bất động sản thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Đầu tư 2014.

“Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Dự thảo Nghị định) cũng có quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trước ngày 1/7/2015 không đúng thẩm quyền hoặc không quy định đầy đủ các nội dung về điều kiện kinh doanh. Các điều kiện này sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016”, ông Tuấn cho biết.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất 127 điều kiện kinh doanh đang được quy định trong thông tư của các bộ sẽ hết hiệu lực ngay cùng thời điểm hiệu lực của Luật Đầu tư 2014, có nghĩa là sớm hơn 1 năm so với thời điểm dự kiến trong Dự thảo Nghị định. Tuy con số đó rất nhỏ so với 1.697 điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư do các bộ, ngành ban hành, song việc này thể hiện thái độ kiên quyết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò được giao trách nhiệm công bố điều kiện đầu tư kinh doanh.

Thực ra, đây không phải là vụ việc duy nhất liên quan đến nội dung này. Trước đó, trong Hội thảo về điều kiện kinh doanh do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Trần Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam thậm chí còn đề nghị can thiệp sớm vì “Bộ Y tế cũng đang soạn thảo thông tư quy định về xác nhận nội dung quảng cáo. Yêu cầu này đã được bãi bỏ, chỉ cần đăng ký, giờ lại xuất hiện. Nếu không làm căng, bộ này sẽ ban hành trước ngày 1/7 tới”.

Chưa bàn tới sự cần thiết, hay tính pháp lý của các điều kiện kinh doanh này, chỉ riêng việc một số bộ, ngành dường như thiếu cập nhật các thông tin liên quan đến công việc của chính mình đã khiến doanh nghiệp bất an.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 vừa qua, câu hỏi về việc sẽ thực hiện Luật Đầu tư hay luật chuyên ngành trong các trường hợp có sự khác biệt về quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh đã được các nhà đầu tư đặt ra. Tình trạng này không chỉ xuất hiện trong giai đoạn chuyển tiếp của Luật Đầu tư hiện hành và Luật Đầu tư 2014, mà còn trong những thời điểm luật chuyên ngành có chỉnh sửa về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

“Để trả lời câu hỏi đó, Dự thảo Nghị định đã quy định cơ chế về soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, đăng tải về các nội dung này. Theo đó, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi các luật, pháp lệnh, nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi văn bản đề nghị đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải điều kiện này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Về hướng xử lý trong trường hợp có sai lệch trong nội dung đăng tải về điều kiện kinh doanh, ông Tuấn cho biết sẽ áp dụng theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, luật sư Lê Nết (Công ty Luật LNT & Parners) cho rằng, nên giao Bộ Tư pháp là cơ quan duy nhất giải quyết vấn đề này.

Đề nghị lập "đội đặc nhiệm" rà soát điều kiện kinh doanh
Lo ngại cơ chế “ vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong hoạch định chính sách khiến các doanh nghiệp muốn có "đội đặc nhiệm" với sự tham gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư