Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Pháp luật nên bày “nhiều món” để người kinh doanh lựa chọn
Khánh An - 27/03/2020 09:04
 
Những tranh luận về việc có hay không điều chỉnh hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp vẫn chưa kết thúc sau cuộc làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm đầu tuần. Với tư duy việc gì có lợi cho người kinh doanh thì làm, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý kinh tế Trung ương tiếp tục bảo vệ quan điểm cần đưa hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh và có thể điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp.
.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý kinh tế Trung ương.

Ở góc độ chuyên gia, ông có thể làm rõ hộ kinh doanh khác với các loại hình kinh doanh thế nào?

Để hình dung sự khác nhau, tôi muốn vẽ một sơ đồ.

Mô hình doanh nghiệp.
Mô hình doanh nghiệp.
Mô hình hộ kinh doanh.
Mô hình hộ kinh doanh.

Trong Luật Doanh nghiệp hiện tại, có 4 loại tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, gồm doanh nghiệp cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh. Mỗi tổ chức này có tên riêng, có bộ máy hoạt động, có tài sản, nhân danh chính tổ chức đó tham gia giao dịch trên thị trường; là chủ thể độc lập với tổ chức, cá nhân đã thành lập nên tổ chức đó.

Cá nhân, tổ chức tham gia thành lập các tổ chức này bằng cách góp vốn vào tổ chức đó. Về lý thuyết, các tổ chức kinh doanh trên có thể tồn tại lâu dài, không phụ thuộc vào người đã tham gia thành lập nên nó. Tổ chức, cá nhân tham gia thành lập có thể rút lui bằng cách chuyển nhượng vốn cho người khác và không làm thay đổi các tổ chức đó...

Còn hộ kinh doanh thì sao?

Hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, tồn tại độc lập, bên cạnh các hình thức trên. Ngoài ra, hộ kinh doanh không được trực tiếp điều chỉnh, mà là gián tiếp được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp, bằng một nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là tên của mô hình kinh doanh này là “hộ kinh doanh”. Tên này khiến nhiều người khó hình dung ra đúng bản chất của nó. Quy định hiện hành cũng không xác định rõ địa vị pháp lý của mô hình kinh doanh này.

Phải thừa nhận, cái tên này đã được dùng nhiều năm, với những lý do lịch sử, nên có khá nhiều sự lấn cấn khi phân loại hoạt động này, nhưng về bản chất, hộ kinh doanh là một cá nhân đi kinh doanh. Cá nhân đi kinh doanh đó được gọi là chủ hộ kinh doanh, là người đứng ra chịu trách nhiệm và thực hiện mọi giao dịch kinh doanh. Nói một cách nôm na, đây là cơ sở kinh doanh của cá nhân đó. Mô hình này vì vậy rất đơn giản và cần rất ít quy định pháp luật để điều chỉnh so với các mô hình kinh doanh khác. Ví dụ, không cần quy định về quản trị, góp vốn, tên gọi, phá sản, giải thể, chia tách… Việc gia nhập thị trường hay rút lui của mô hình này cũng vậy, đơn giản,  nhanh chóng.

Đúng ra, nên thay đổi tên gọi của mô hình kinh doanh này, nhưng thời điểm này thì chưa nên vì có thể tác động lớn đến hệ thống pháp luật.

Điều gì xảy ra khi hộ kinh doanh trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, thưa ông?

Người kinh doanh sẽ có thêm lựa chọn được pháp luật bảo hộ. Đối tác, bạn hàng có thêm có sở pháp lý để làm việc với hộ kinh doanh, mà không phải lo về việc có phải chuyển thành doanh nghiệp hay xóa bỏ hộ kinh doanh.

Thực tế, việc làm ăn của hộ kinh doanh theo quy định hiện hành có nhiều giới hạn về quyền kinh doanh, như chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động, không được xuất nhập khẩu, nếu muốn kinh doanh vượt ra ngoài địa điểm đăng ký thì phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý kinh doanh...

Trong chương về hộ kinh doanh tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các giới hạn này không còn...

Hạn chế pháp luật tạo ra rủi ro cho hộ kinh doanh và đối tác, bạn hàng. Quan trọng hơn, nguồn lực đầu tư dưới hình thức này không có cơ hội đầy đủ để phát huy tối đa lợi ích.

Quy định mới xóa bỏ tất cả hạn chế nói trên và đảm bảo hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, để đa dạng hóa hình thức kinh doanh cho nhà đầu tư lựa chọn; thông qua đó thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, sẽ chỉ quy định về địa vị pháp lý và quyền kinh doanh của hộ kinh doanh, tương tự như đối với các loại hình kinh doanh khác đang được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Các cơ chế và quy định khác áp dụng đối với hộ kinh doanh, như thuế, kế toán… không có gì thay đổi so với quy định hiện tại. Tôi chia sẻ quan điểm là, sự minh bạch và rõ ràng này tốt cho cả hộ kinh doanh, cả môi trường kinh doanh...

Nhưng nếu hộ kinh doanh muốn làm lớn, thì có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân hay các hình thức khác...

Trước hết, nên coi việc lựa chọn mô hình kinh doanh nào là của nhà đầu tư. Công việc của luật pháp là đa dạng hóa sự lựa chọn đó, phù hợp hơn với khẩu vị của nhiều nhà đầu tư khác nhau, không nên áp đặt bởi quy định pháp luật.

Có thể khi bắt đầu, họ muốn thử sức với hình thức là hộ kinh doanh để có sự linh hoạt cả về thủ tục hành chính và quản trị, để dần tích lũy kinh nghiệm. Khi kinh doanh phát đạt, doanh thu lớn hơn, nhu cầu lao động cần nhiều hơn, quan hệ kinh doanh phức tạp hơn... hoặc do yêu cầu của đối tác cần sự chuyên nghiệp hơn trong mô hình hoạt động, họ sẽ chủ động chuyển đổi. Hoặc nhà đầu tư có bài toán lợi ích - chi phí khác mà họ sẽ lựa chọn mô hình hộ hay mô hình khác...

Có nghĩa, pháp luật bày “một mâm cơm”, có nhiều “món”, người kinh doanh có quyền chọn món. Đây là lý do tôi cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào một chương của Luật Doanh nghiệp là có lợi cho người kinh doanh. Hơn thế, nền kinh tế sẽ hưởng lợi khi nguồn lực trong dân được kích hoạt tối đa, cả về nguồn vốn, tạo việc làm...

Chủ tịch VCCI: Luật hoá hộ kinh doanh sẽ giải tỏa được điểm nghẽn pháp lý quan trọng
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, việc luật hoá hộ kinh doanh sẽ giải tỏa được một điểm nghẽn pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư