Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Phát triển bền vững - sự sống còn của doanh nghiệp
Thanh Hằng - 24/09/2019 18:31
 
Câu chuyện phát triển bền vững lại được hâm nóng tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Đầu tư có cuộc trao đổi với ông Patrick Chung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam về phát triển bền vững dưới góc nhìn của một doanh nghiệp trong cuộc.
Ông Patrick Chung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
Ông Patrick Chung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.

Phát triển bền vững là vấn đề được đề cập rất nhiều trong các chương trình phát triển quốc gia, đặc biệt là tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững vừa qua. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp thực hiện chưa tới, xem đó là khẩu hiệu chung chung. Theo ông, đâu là yếu tố “gây khó” cho doanh nghiệp khi theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững?

Ở góc độ doanh nghiệp, tôi hiểu được phần nào cái khó khi theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Doanh nghiệp phải đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực vào các mục tiêu phi tài chính liên quan đến môi trường, xã hội. Điều này hiển nhiên đòi hỏi mức độ đầu tư nhất định và ảnh hưởng đến lợi nhuận, khiến doanh nghiệp phải cân đong nhiều vấn đề.

Là một doanh nghiệp vốn ngoại, Lee & Man có nguồn lực tài chính mạnh và công nghệ hiện đại - tiền đề để đầu tư phát triển bền vững thuận lợi hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, Lee & Man từng đứng trước thách thức về môi trường trong những ngày đầu vận hành nhà máy tại Hậu Giang. Dù nỗ lực và được vinh danh doanh nghiệp phát triển bền vững, nhưng liệu hệ thống xử lý chất thải hiện tại của Lee & Man có đảm bảo ổn định?

Phải khẳng định, đó là bài học lớn giúp chúng tôi tự điều chỉnh và cẩn trọng trong khâu sản xuất, xử lý chất thải... Mỗi năm, Công ty quyết định tập trung đầu tư nhiều hơn cho công tác xử lý các loại chất thải. Trong năm nay, Lee & Man tiếp tục nhập một đợt máy mới trị giá khoảng 20 tỷ đồng và chi phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải hơn 6,7 tỷ đồng.

Với kinh phí đó, Lee & Man đã đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến với hệ thống quan trắc hoạt động 24/24h. Các số liệu liên tục được cập nhật (trung bình 5 phút/lần) và được truyền trực tiếp về Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang để quản lý, nên chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước khi đưa ra ngoài môi trường.

Hiện công trình xử lý nước thải nội khu được đảm bảo bằng quy trình xử lý 4 bước. Bên cạnh khu vực sản xuất còn có hồ sinh thái dung tích 42.000 m3 chứa nước thải đã qua xử lý, tạo bầu không khí mát lành quanh hồ và phù hợp để nuôi thả cá.

Chúng tôi đang tiếp tục cải tiến công nghệ xử lý mùi, gia cố hệ thống tường rào để xây dựng một nhà máy kiên cố và hiện đại hơn, đảm bảo mùi hôi không phát sinh ra môi trường. Đồng thời, chúng tôi thành lập một đội giám sát nội bộ với các dụng cụ dò tìm để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn. Chúng tôi cũng liên tục thử nghiệm và thay đổi vật liệu nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất trong việc xử lý tiếng ồn, mùi và đảm bảo chất lượng nước thải hợp quy.

Ngoài đảm bảo hệ thống xử lý thải không gây ô nhiễm môi trường, Lee & Man đã thực hiện được những mục tiêu nào trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, thưa ông?

Thực tế, doanh nghiệp có thể chọn lựa mục tiêu phù hợp và mang lại hiệu quả cao, chứ không nhất thiết phải triển khai hết các mục tiêu. Ở phạm vi một doanh nghiệp sản xuất giấy, Lee & Man đang cố gắng áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu đầu vào là giấy tái chế (hơn 95%).

Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước. Tính đến nay, Lee & Man có hơn 1.200 nhân viên, trong đó hơn 95% là người Việt Nam và mỗi năm chúng tôi đầu tư 1,4 triệu USD để tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực này, chú trọng chính sách đãi ngộ tương xứng, đảm bảo nơi ở, sinh hoạt, bữa ăn cho nhân viên.

Lee & Man vừa đầu tư xây dựng một khu ký túc xá mới cho công nhân viên, với kinh phí 380 tỷ đồng, gồm 640 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở của 2.500 người. Giai đoạn I của dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2019 để hỗ trợ 1.500 công nhân viên cùng gia đình, người thân vào ở, sinh hoạt.

Như ông đã nói, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp phải đầu tư khá nhiều, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vậy theo ông, bản thân doanh nghiệp sẽ được lợi gì về lâu dài?

Theo tôi, doanh nghiệp không chỉ tạo ra sản phẩm, mà còn có trách nhiệm tạo ra giá trị trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, quan tâm đến cộng đồng… Phát triển bền vững là con đường đúng đắn để tạo ra các giá trị đó. Sự bền vững của môi trường, sự ủng hộ của cộng đồng, sự tồn tại lâu bền của doanh nghiệp, tuy không thể cân đong đo đếm bằng con số, nhưng thật sự rất quý giá.

Đó cũng là lý do mà Lee & Man không ngại đầu tư công sức, tiền bạc và dành nhiều tâm huyết để theo đuổi định hướng phát triển bền vững, xem đó là sự sống còn của doanh nghiệp.

Dự án BOT tuyến tránh TP. Thanh Hóa: Lời từ chối “hạ gục” doanh nghiệp
Những hy vọng để Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1A, đoạn tránh TP. Thanh Hóa có thể thu phí hoàn vốn đang tắt dần trong trường hợp nhà đầu tư phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư