Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Phát triển bền vững bằng Thương mại công bằng
Lan Anh - 03/12/2015 09:01
 
Những năm gần đây, một số chương trình chứng nhận nông sản bền vững đã được ứng dụng tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Chứng nhận Thương mại công bằng. Đây chính là chìa khóa mở cửa thị trường thế giới đối với những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và cũng là mục tiêu mà Cộng đồng châu Âu đang nỗ lực giúp Việt Nam đạt được.

EU - MUTRAP tạo đà cho doanh nghiệp đến Thương mại công bằng

Hiện tại, tiểu Dự án “Thúc đẩy phát triển Thương mại công bằng ở Việt Nam” (nằm trong khuôn khổ Dự án EU – MUTRAP) đang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 nhóm ngành là chè, cà phê, ca cao, gia vị và thủ công mỹ nghệ trên khắp cả nước để đạt được tiêu chí dán nhãn Thương mại công bằng. Thời gian triển khai dự án từ 6/2014 - 5/2017.

Kinh phí dự án 504.288 EUR, trong đó EU tài trợ 428.644 (85%), phần còn lại (15%) do Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn (VIRI) và các đối tác khác bao gồm Hiệp hội chè Việt Nam (Vitas), Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) và Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) đóng góp.

Bà Đặng Thùy Dương, Điều phối viên dự án chia sẻ: “Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp để đạt chứng nhận này, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp chè, cà phê, ca cao, gia vị và thủ công mỹ nghệ. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm đào tạo tập huấn, hỗ trợ tại điểm trồng cà phê và hỗ trợ kế hoạch bán hàng vào châu Âu, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia hội chợ trong và ngoài nước.

“Thương mại công bằng là chứng nhận được công nhận toàn cầu và các doanh nghiệp nào muốn đạt được chứng nhận này thì cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn mà tổ chức cấp nhãn Fair Trade đề ra. Trong khuôn khổ của tiểu dự án “Thúc đẩy phát triển Thương mại công bằng ở Việt Nam” của EU- MUTRAP, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp đạt chứng nhận Thương mại công bằng của FLO (Fair Trade Labelling Organization) và WFTO (World Fair Trade Organization)”, bà Dương nhấn mạnh.

Giải pháp phát triển cà phê bền vững

Một trong những điều quan trọng mà EU- MUTRAP hướng tới là chất lượng và làm thương hiệu cà phê, vì trước đây đa phần người sản xuất cà phê ở khu vực Tây Nguyên thường có tập quán thu hái cà phê xanh để tiết kiệm nhân công, dẫn tới đầu ra của cà phê nhân có tiêu chuẩn chất lượng thấp và nghèo nàn.

Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Kiết là một hợp tác xã hiếm hoi trong ngành cà phê thu hút người nông dân trồng cà phê theo tiêu chí Thương mại công bằng đem lại hiệu quả cao. Hợp tác xã đã được Công ty TNHH Đak Man Việt Nam đầu tư, liên kết.

Chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Xã viên sản xuất cà phê phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường; Quy trình chăm sóc, thu hoạch cà phê tuân thủ nghiêm ngặt theo chương trình cà phê bền vững. Còn tiêu chí công bằng được thực hiện theo hướng trả giá xứng đáng với chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã có định mức thưởng 300 đồng/kg cà phê quả tươi thu hái chín trên 90%; từ 80 - 90% thì thưởng 200 đồng/kg; nhờ đó tình trạng hái xanh gần như không còn, cà phê nhân chất lượng cao tăng lên rõ rệt”.

Ông Phúc cho biết thêm, niên vụ 2013 - 2014, xã viên bán cà phê cao hơn giá thị trường từ 4 - 4,5 triệu đồng/tấn.

“Tôi rất vui vì dự án đã mang lại những kết quả khả quan như vậy cho nông dân trồng cà phê”, ông John Clark, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đak Man Việt Nam nói và nhận mạnh rằng, những kết quả này đã cho doanh nghiệp thấy hoàn toàn có thể vừa làm kinh doanh thành công vừa mang lại lợi ích cho người nông dân trong tỉnh. “Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng quy mô và nhân rộng mô hình dự án này trong các niên vụ tới để có nhiều nông hộ được hưởng lợi hơn nữa”, ông John Clark tin tưởng.

Cũng theo Dự án EU- MUTRAP, ngoài Công ty TNHH Đak Man Việt Nam, còn có Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyễn Huy Hùng (thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) cũng tham gia vào dự án. Trong niên vụ vừa qua, công ty cũng đã tổ chức được 6 buổi tập huấn, hướng dẫn bà con sản xuất cà phê bền vững, nâng cao nhận thức về chứng nhận Thương mại công bằng, về quản lý rủi ro trong canh tác, sản xuất cà phê…

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa đánh giá, các doanh nghiệp bước đầu liên kết với các nông hộ sản xuất cà phê sạch tạo vùng nguyên liệu nhằm góp phần chủ động nguồn hàng cà phê nhân chất lượng cao. Ðây là hướng sản xuất bền vững cho vùng cà phê lớn nhất cả nước.

Trong những năm tới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Công bằng Ea Kiết tiến hành mở rộng diện tích vùng sản xuất cà phê chứng nhận Thương mại công bằng, hình thành những cánh đồng cà phê mẫu lớn có diện tích khoảng 100 ha. Hợp tác xã này thực sự là mô hình Hợp tác xã kiểu mới, gắn kết tập thể hộ nông dân với doanh nghiệp , đưa người nông dân vươn ra thị trường thế giới.

EU - MUTRAP đã, đang và sẽ đồng hành cùng những người nông dân của Hợp tác xã  khẳng định và nâng cao vị thế cà phê Việt Nam.

Dự án “Thúc đẩy phát triển Thương mại công bằng ở Việt Nam” đang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 nhóm ngành tại Việt Nam
Dự án “Thúc đẩy phát triển Thương mại công bằng ở Việt Nam” đang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 5 nhóm ngành tại Việt Nam

Ngành chè cũng lựa chọn hướng tới Thương mại công bằng

Với kinh nghiệm gần 10 năm xuất khẩu chè sang EU, ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành (Ecolink) chia sẻ, chè của Việt Nam xuất khẩu vào EU đang giảm dần về số lượng, giá và cả thị phần. Theo ông Ngữ, sự tuột dốc” này mang tính hệ thống, từ việc chè Việt trên thị trường EU không có nhận dạng xuất xứ nguồn gốc, dư lượng hóa chất quá cao, thương hiệu chè Việt trên thị trường lại quá mờ nhạt, không có chứng nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất.

Hiện ở Việt Nam, Ecolink trong thời gian qua đã định hướng cho người trồng chè sản xuất chè hữu cơ và tiêu thụ thông qua kênh phân phối của Thương mại công bằng.

Tại Hà Nội cũng đã có một doanh nghiệp trở thành thành viên của FLO, đó là Công ty CP Đầu tư và Phát triển thị trường Quốc tế (MDI Jsc) với 3 mặt hàng nông sản chủ yếu là chè, cà phê và hạt điều – tất cả các sản phẩm đều được dán nhãn Thương mại công bằng.

Bên cạnh việc thu mua và bán sản phẩm của các nhóm nông dân đã được chứng nhận của FLO (chè Tân Cương – Thái Nguyên, hạt điều Đức Phú – Bình Thuận), Công ty cũng đang giúp đỡ các nhóm nông dân (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) ở các địa phương khác đăng ký tham gia nhóm sản xuất theo tiêu chuẩn Thương mại công bằng: chè Shan Tả Lèng (dân tộc H’Mông, dân tộc Dao – Tam Đường, Lai Châu), chè Shan Nậm Khắt, Púng Luông (dân tộc H’Mông – Mù Cang Chải, Yên Bái), cà phê Chiềng Đen, Chiềng Cọ (dân tộc Thái – Sơn La).

Theo bà Đặng Thùy Dương, ở góc độ riêng, hiện EU- MUTRAP đã có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương trên về mặt đào tạo, kỹ thuật, các tiêu chuẩn về sản phẩm…  nâng cao chất lượng chè đủ điều kiện xuất khẩu sang EU. Từ nay cho đến hết năm 2017, tiểu dự án “Thúc đẩy phát triển Thương mại công bằng ở Việt Nam” của EU - MUTRAP sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành thủ công mỹ nghệ, ca cao, gia vị.

Giấc mơ một nền Thương mại công bằng sẽ không quá xa vời nếu chính các doanh nghiệp biết coi trọng lợi ích của người nông dân, tạo ra sự công bằng trong sản xuất, chế biến. Hy vọng, một ngày không xa, người nông dân Việt Nam không phải chịu những mùa thu hoạch “đắng”!.

Hà Nội hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho doanh nghiệp với mức 2,4%/năm
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2015.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư