Thứ Hai, Ngày 12 tháng 05 năm 2025,
Phát triển bền vững và công nghiệp 4.0 là 2 đường ray để đoàn tàu kinh tế Việt Nam tiến lên phía trước
Kỳ Thành - 16/10/2019 16:07
 
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, trong kỷ nguyên số, trong nền kinh tế sáng tạo, theo định hướng phát triển bền vững thì thương trường không còn chiến trường mà tất cả cùng thắng. Chuỗi giá trị win - win - win… sẽ lan toả và đó là cách thức để phát triển bền vững.

Ngày 16/10, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2019 (VBS 2019) diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số”.

Hội nghị thu hút sự tham dự của khoảng hơn 600 đại biểu, bao gồm 200 CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đến dự ABS lần thứ 10 và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Nói về chủ đề của Hội nghị năm nay, trong phần phát biểu tại Phiên khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, “đó là sự lựa chọn có chủ đích của chúng tôi cho một hội nghị phân tích sâu về các cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong một tầm nhìn số hóa nền kinh tế Việt Nam. Đó là một không gian kinh doanh sẽ bùng nổ trong tương lai”.

Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2019
Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2019

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đang trong dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam công cuộc đổi mới, mở cửa đang diễn ra mạnh mẽ.

Việt Nam đang là “quán quân” về mở cửa thị trường trong các nước đang phát triển khi đang sở hữu tới 16 Hiệp định thương mại tự do kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những Hiệp định thương mại đỉnh cao như CPTPP/ EVFTA… Việt Nam cũng là “quán quân bứt phá” trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, khi tăng 3,5 điểm và vượt 10 bậc về thứ hạng. “Đó là những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam để trở thành điểm đến an lành và đối tác kinh doanh tin cậy của cả thế giới”, ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, “phát triển bền vững” và “công nghiệp 4.0” trở thành hai từ khóa quan trọng nhất trong các chiến lược và kế hoạch về phát triển của Việt Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc ví von, đây là 2 đường ray để đoàn tàu kinh tế Việt Nam tiến lên phía trước và là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên. Các kế hoạch phát triển kinh tế và các tầm nhìn định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp đang là bài toán được tỏa ra từ 2 trục phát triển chính này.

“Việt Nam, có lẽ là quốc gia nói nhiều nhất về phát triển bền vững và cuộc cách mạng 4.0”, ông Lộc nói và cho biết, Việt Nam đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến theo tinh thần của 4.0, trên nền tảng của 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Các công cụ điện toán đám mây, trí tuệ nhận tạo, chuỗi khối, Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, robot tự động hoá… cũng đã bước đầu thâm nhập vào một số lĩnh vực như ô tô máy tính và điện tử.

“Chúng ta đã có những trí tuệ nhân tạo AI. Việt Nam đã có những sản phẩm AI “Created in Việt Nam”. Mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo được hình thành với 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng chúng ta cần hơn thế rất nhiều: chúng ta cần hàng vạn, hàng chục vạn các công ty khởi nghiệp. Chúng ta đang rất cần những sản phẩm “sáng tạo tại Việt Nam” (Created in Việt Nam) chứ không chỉ Made in Việt Nam hay Make in Việt Nam”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI lưu ý, khởi nghiệp là yêu cầu của tất cả các doanh nghiệp chứ không phải riêng các doanh nghiệp mới thành lập, thậm chí, đây là công việc hàng ngày của cả những người khổng lồ trong nền kinh tế. “Khởi nghiệp là một công việc không có điểm dừng -tinh thần khởi nghiệp là mãi mãi”, ông Lộc nhấn mạnh.

Trong kỷ nguyên số, trong nền kinh tế sáng tạo, theo định hướng phát triển bền vững thì thương trường không còn chiến trường, thương trường còn là không gian của sự hợp tác các bên cùng có lợi, không phải là hơn thua mà tất cả cùng thắng win - win. “Chuỗi giá trị win - win - win… sẽ lan toả và đó chính là cách thức chúng ta phát triển bền vững. sự hợp tác cùng có lợi sẽ là kịch bản mới trong các nền kinh tế”, Ông Lộc nói.

Năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam được tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao APEC trong Tuần lễ cấp cao tại Đà Nẵng, Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo cấp cao cùng trên 2000 CEO từ 21 nền kinh tế APEC và thế giới đã tham dự, phát biểu và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.
 

Năm 2018, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam được tổ chức bên lề diễn đàn kinh thế thế giới về ASEAN tại Hà Nội khẳng định Việt Nam là đối tác tích cực của ASEAN.

 Năm nay, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lại được tổ chức bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp châu Á (ABS) do VCCI lần đầu tiên phối hợp với Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (KEIDANREN) tổ chức tại Việt Nam.

[Infographic] VBS 2018: Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với nhiều xu hướng mới
Trong khuôn khổ Hội nghị “Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Hội nghị VBS 2018 sẽ được tổ chức ngày 13/9/2018 tại Hà Nội với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư