Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phát triển du lịch gắn với dịch vụ, thương mại: Chiến lược đột phá của Hưng Hà
Đại hội Đảng bộ huyện Hưng Hà nhiệm kỳ 2020 - 2025 tập trung vào 3 đột phá, trong đó đột phá trụ cột phát triển du lịch gắn với dịch vụ, thương mại, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Hưng Hà trở thành địa bàn trọng điểm du lịch.
Đền Trần rực đỏ cờ hoa ngày khai hội.
Đền Trần rực đỏ cờ hoa ngày khai hội.

Tiềm năng du lịch tâm linh vô giá

Hưng Hà là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra những danh nhân, danh tướng góp phần làm rạng rỡ lịch sử dân tộc. Ngay từ năm 40 sau công nguyên đã xuất hiện Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục, cùng Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán. Thời tiền Lý (554-562), nơi đây Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục đã phất cờ dựng nghiệp. Nơi đây là quê hương Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Ba  - hai người đã dâng biểu lên vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

Hưng Hà là đất phát tích, dựng nghiệp của nhà Trần với hào khí Đông A oanh liệt, ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông, là mảnh đất linh thiêng được nhà Trần chọn làm nơi đặt tôn miếu các vị vua đầu triều Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, cùng những người có công lao khai sinh Vương triều Trần oanh liệt.

.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà.

Đây còn là quê hương của Đinh Liệt, Đinh Liễn, Đinh Bồ - ba trụ cột của triều Lê. Quê hương của nhà bác học Lê Quý Đôn, Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ và của Kỳ Đồng - nhà chí sỹ yêu nước... cùng biết bao danh nhân khác.

Hưng Hà có mật độ di tích lịch sử, văn hóa đậm đặc, với 697 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích quốc gia, 91 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích có quy mô, giá trị đặc sắc như quần thể di tích khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, di tích hành cung Lỗ Giang, Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, quần thể di tích đền Tiên La thờ Đại tướng quân Vũ Thị Thục.

Hưng Hà cũng là nơi phát hiện 2 chiếc trống đồng. Từ hoa văn trống và các mảnh ghép cho thấy, chủ nhân của trống đồng đã sinh sống từ 2.300 - 2.500 năm trước.

Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, Hưng Hà còn tự hào có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với 175 lễ hội, trong đó lễ hội đền Trần Thái Bình và lễ hội Tiên La được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc biệt, trong 5 lần Bác Hồ về thăm Thái Bình, thì có tới 2 lần, Người dành tình thương yêu cho mảnh đất Hưng Hà. Đảng bộ và nhân dân đã lập Đền thờ Bác tại xã Hồng An.

Các di tích lịch sử văn hóa cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể độc đáo khẳng định tiềm năng, thế mạnh để Hưng Hà phát triển mạnh mẽ du lịch văn hóa tâm linh.

Và du lịch sinh thái ven sông

Hưng Hà là vùng đồng bằng châu thổ, nơi tiếng gà gáy vang 3 tỉnh, Bắc giáp tỉnh Hưng Yên, Tây và Tây Nam giáp tỉnh Hà Nam, Nam giáp huyện Vũ Thư, Đông giáp huyện Quỳnh Phụ và Đông Hưng. Hơn thế, Hưng Hà được sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý như những dải lụa bao bọc, tạo lên những cánh đồng phì nhiêu, thẳng cánh cò bay. Cùng với khung cảnh cây đa, bến nước, sân đình của làng quê tạo cho Hưng Hà vẻ đẹp như những bức tranh thủy mạc.

Hưng Hà còn là vùng quê nhiều cây ăn trái đặc sản 4 mùa xum xuê như cam, táo, bưởi, nhãn, ổi... Nếu được ngồi thuyền miên man trên sông nước sẽ cảm nhận vẻ đẹp nên thơ đến dường nào. Đây cũng chính là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch làng quê sinh thái ven sông.

Hưng Hà còn có làng dệt Phương La (làng Mẹo), từ thời Trần đã nổi tiếng cả nước: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh/ Có về làng Mẹo với anh thì về/ Làng Mẹo buôn bán trăm nghề/ Sáng đi buôn lụa, tối về buôn tơ”. Cùng với làng Mẹo còn có 53 làng nghề thủ công truyền thống, mỗi năm mang về hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều sản phẩm dệt Phương La, mộc Vế-Riệc, chiếu Hới, long nhãn Hồng An, rượu Đô Kỳ, hương Duyên Hải, bánh đa làng Me, bánh chưng phố Lẻ... đầy ấn tượng với du khách khi về với Hưng Hà.

Hưng Hà còn có mỏ nước khoáng nóng ở các xã Duyên Hải, Dân Chủ, Văn Cẩm ở độ sâu 60 m, hàm lượng sắt, kẽm, mangan, magie, canxi rất tốt cho phát triển sản phẩm nước uống tinh khiết, phát triển du lịch trị liệu, nghỉ dưỡng. Hiện đã có doanh nghiệp vào đầu tư.

Nhiệm kỳ qua, nhiều công trình giao thông liên tỉnh được Hưng Hà đưa vào hoạt động, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch. Đó là Quốc lộ 39A kết nối với đường, cầu Thái Hà nối với Hà Nam, cầu Triều Dương nối với Hưng Yên, tuyến đường và cầu La Tiến nối đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội với Quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hơn 20 km đường Thái Bình - Hà Nam đã nối Quốc lộ 1 (Pháp Vân - Cầu Giẽ) qua Hà Nam sang Thái Bình và theo Quốc lộ 10 đi Hải Phòng nối vùng Nam Thủ đô Hà Nội với Hải Phòng, Quảng Ninh. Đây chính là những mạch máu giao thông để Hưng Hà phát triển du lịch.

Hưng Hà nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái, làng quê ven sông.
Hưng Hà nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái, làng quê ven sông.

Phấn đấu trở thành trọng điểm du lịch

Để khai thác có hiệu quả thế mạnh của ngành công nghiệp không khói, bật mở tiềm năng lớn của huyện, Đại hội Đảng bộ huyện Hưng Hà lần thứ XVI đã chọn phát triển du lịch gắn với dịch vụ, thương mại làm đột phá trụ cột trong phát triển kinh tế.

Để làm được điều này, Hưng Hà chủ trương thực hiện đồng bộ 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá. Khẩn trương tập trung quy hoạch vùng, đặc biệt quy hoạch vùng du lịch. Trong đó định hướng đến năm 2040 Hưng Hà trở thành thành phố du lịch với 9 phường.

Huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư các di tích trọng điểm như di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần, Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, Đền Tiên La, hành cung Lỗ Giang, Khu di tích Phạm Đôn Lễ, đền Kỳ Đồng…  Phát triển du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội gắn kết với du lịch nghề - làng nghề và du lịch sinh thái làng quê, ven sông, du lịch nghỉ dưỡng để tạo ra những tour du lịch độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước, từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, giá trị kinh tế văn hóa to lớn từ du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa mới, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách thập phương.

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ làm du lịch. Kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các di tích. Làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh xúc tiến thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào các khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, khách sạn chất lượng cao... gắn du lịch Hưng Hà với du lịch của tỉnh, của vùng miền và cả nước, đưa Hưng Hà trở thành trọng điểm du lịch.

Ba đột phá phát triển của Hưng Hà

Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu Hưng Hà trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh Thái Bình.

Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 2 thị trấn đáp ứng tiêu chí đô thị loại 4.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Thành phố Thái Bình có tân Chủ tịch
Ông Đinh Gia Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Thái Bình đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP.Thái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư