Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Phát triển thanh toán điện tử cần đi đôi với bảo mật
Nam Phương - 22/04/2019 10:14
 
Trong bối cảnh Việt Nam tập trung phát triển xã hội không dùng tiền mặt, vấn đề bảo mật ngày càng trở nên quan trọng, giúp các ngân hàng Việt tránh được những sự cố lừa đảo và củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hình thức thanh toán điện tử. Ông Joe Cunningham, Phó chủ tịch cấp cao Quản lý rủi ro, Visa khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trao đổi với Báo Đầu tư về vấn đề này.
TIN LIÊN QUAN

Ông có thể cho biết tầm quan trọng của bảo mật, đặc biệt khi Việt Nam đang hướng đến việc dần thay thẻ từ bằng thẻ chip mã hóa?

Tôi được biết, Chính phủ Việt Nam có đề ra mục tiêu chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ dùng chip mã hóa vào năm 2020 và tôi tin rằng, các ngân hàng tại Việt Nam có đầy đủ năng lực để duy trì an ninh hệ sinh thái thanh toán và chuyển đổi sang thẻ chip như lộ trình mà Chính phủ đề ra. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của khu vực, khi số liệu của Visa cho thấy, tại các quốc gia lân cận như Singapore, Malaysia hay Thái Lan, gần 100% số lượng thẻ chip được sử dụng tại các cổng thanh toán.

Bảo mật giúp người tiêu dùng luôn cảm thấy tự tin về việc sử dụng thẻ ở các điểm bán hàng cũng như khi giao dịch trên mạng. Điều này đặc biệt quan trọng tại Việt Nam, nơi mà thanh toán kỹ thuật số đang dần trở thành một phần quan trọng trong câu chuyện chung của nền kinh tế và Chính phủ muốn phát triển thanh toán kỹ thuật số để thúc đẩy nền kinh tế, như tôi đã đề cập.

Lợi thế rất lớn của Visa chính là các công nghệ chuẩn quốc tế và các chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích ngân hàng và khách hàng chuyển đổi sử dụng thẻ chip. Đồng bộ hóa thẻ chip và thiết bị chấp nhận thẻ chip tại các đơn vị chấp nhận thẻ là rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo giao dịch an toàn. Đương nhiên, trong quá trình này, chúng tôi sẽ tích cực giúp người bán hàng và người tiêu dùng hiểu rõ các lợi ích của việc dùng thẻ chip.

Được biết, Visa vừa ra mắt Lộ trình An ninh thanh toán tại Việt Nam. Ông có thể thông tin cụ thể về chương trình này?

Chúng tôi vừa ra mắt Lộ trình An ninh thanh toán trong ba năm tới, nhằm hỗ trợ phát triển bảo mật trong thanh toán tại Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của người bán hàng và chủ thẻ Visa. Thông qua lộ trình này, chúng tôi muốn thể hiện cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế số, góp phần hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử bằng công nghệ chuẩn quốc tế.

Chúng tôi có các mục tiêu cụ thể như: giúp người tiêu dùng yên tâm thanh toán qua thẻ nhờ khả năng bảo mật của Visa lẫn quy trình quản lý, phòng chống và giải quyết gian lận thanh toán từ phía ngân hàng. Và cuối cùng, nếu có bất cứ điều gì xảy ra, cho dù thẻ bị đánh cắp, người tiêu dùng yên tâm rằng, họ luôn được ngân hàng và Visa bảo vệ.

Với các mục tiêu này, chúng tôi đã trải qua quá trình tư vấn và nghiên cứu sâu để ra mắt Lộ trình An ninh thanh toán, nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, bao gồm các tổ chức tài chính, đơn vị chấp nhận thẻ, nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật và chủ thẻ.

Cụ thể, trước mắt, Lộ trình An ninh thanh toán sẽ đảm bảo tất cả các tổ chức hoạt động lưu trữ, truyền tải hoặc xử lý dữ liệu tài khoản phải tuân thủ tiêu chuẩn bảo mật toàn cầu, áp dụng các phương thức xác minh chủ thẻ, đăng ký thông tin đối tác bên thứ 3 và triển khai hệ thống xác thực gian lận theo thời gian thực tế.

Sau đó, cuối năm 2019, chúng tôi hướng tới việc áp dụng tiêu chuẩn của EMVCo. cho phương thức thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam. Vào năm 2020, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị phát hành sử dụng phần mềm 3-D Secure phiên bản 2.0, một số đơn vị chấp nhận thanh toán sẽ được cung cấp mã và phân loại theo phần mềm này. Cũng trong năm 2020, tất cả ngân hàng thanh toán nên sử dụng cổng thanh toán hỗ trợ phương thức mã hóa EMVCo. và các đơn vị chấp nhận thanh toán với hơn 1 triệu giao dịch mỗi năm nên mã hóa bảo mật bằng cách lưu trữ thông tin tài khoản.

Đến năm 2021, tất cả các đơn vị chấp nhận thanh toán cần lưu trữ thông tin nên mã hóa bảo mật thông tin tài khoản, tiếp sau đó, tất cả các ngân hàng phát hành cần áp dụng phương thức kiểm soát giao dịch kỹ thuật số sẽ trao quyền cho chủ thẻ kiểm soát việc sử dụng thẻ của họ.

Ngày nay, nền kinh tế số đang phát triển rất nhanh. Lộ trình An ninh thanh toán của Visa làm thế nào để theo kịp xu hướng này, đồng thời thuyết phục các nước áp dụng chuẩn quốc tế trong bảo mật thanh toán, thưa ông?   

Đúng vậy, nền kinh tế số thay đổi với tốc độ nhanh, nên chúng tôi muốn Lộ trình An ninh thanh toán của Visa luôn được cập nhật liên tục, trước mắt là hàng năm, để chúng tôi bắt kịp những diễn biến mới trong nền kinh tế số. Ngoài ra, tôi phải nhấn mạnh rằng, các điều khoản trong lộ trình này đều được dựa trên chuẩn quốc tế, từ thẻ chip mã hóa, điểm bán hàng, mã hóa bảo mật (tokenization) cho đến ba giải pháp thanh toán an toàn.

Trước khi ra mắt lộ trình này, Visa đã thực hiện Khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng (triển khai trên 4.000 người tiêu dùng tại

Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia vào tháng 8/2017). Khảo sát này cho thấy, 67% người tiêu dùng Đông Nam Á rất lo lắng về độ an toàn của thông tin cá nhân khi thanh toán bằng điện thoại. Khi được hỏi về các lo ngại khi sử dụng điện thoại để giao dịch, người tiêu dùng Việt Nam liệt kê những tình huống như mất điện thoại, bị đánh cắp dữ liệu hoặc máy bị nhiễm virus. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của bảo mật trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển rất nhanh.

Ngoài ra, việc các nước áp dụng tiêu chuẩn riêng trong bảo mật thanh toán là một rủi ro hiện hữu, vì từng quốc gia có thể muốn phát triển hệ thống phù hợp nhất cho hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các chuẩn mực quốc tế về lâu dài sẽ có lợi hơn và chi phí hợp lý hơn, giúp các nước dễ dàng ứng phó với sự phát triển “nhanh như vũ bão” của nền kinh tế số. Điều quan trọng nhất là, các chuẩn mực quốc tế luôn hướng đến sự an toàn tuyệt đối, và Lộ trình An ninh thanh toán của Visa cũng được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn này.

Ông Joe Cunningham là Phó chủ tịch cấp cao Quản lý rủi ro, Visa châu Á - Thái Bình Dương, chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an ninh và duy trì sự thông suốt của hệ sinh thái thanh toán. Mô hình phức tạp và không ngừng phát triển của hệ sinh thái thanh toán bao gồm ngân hàng phát hành thẻ, ngân hàng thanh toán, đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ và các nhà cung cấp dịch vụ khác như công ty xử lý dữ liệu, sản xuất thiết bị, cổng thanh toán.

Báo cáo trực tiếp cho Giám đốc Rủi ro doanh nghiệp, ông Joe phụ trách quản lý rủi ro chiến lược của Công ty và rủi ro trong thanh toán tín dụng. Đồng thời, ông cũng phụ trách bảo vệ thương hiệu, quản lý hành vi gian lận và bảo mật dữ liệu cho thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Joe gia nhập Visa năm 2008, đảm nhiệm tất cả các phương diện liên quan đến việc lên kế hoạch phát triển công nghệ tương lai của Công ty. Ngoài ra, ông cũng tham gia hoạch định chiến lược các sáng kiến công nghệ dài hạn, tiêu chuẩn trong thanh toán di dộng và chip cho Visa.

Từ năm 2009 - 2015, ông Joe là người đại diện cho Visa trong Ban Điều hành của EMVCo - tổ chức toàn cầu với chuyên môn trong lĩnh vực thanh toán, chịu trách nhiệm đảm bảo khả năng tương tác và bảo mật của các sản phẩm thanh toán có gắn chip, bao gồm công nghệ thanh toán tiếp xúc, không tiếp xúc và giao tiếp trường gần qua di động (mobile-NFC).

Ông Joe có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Melbourne; cử nhân danh dự ngành Toán và Tin học ứng dụng. Hiện ông Joe đang làm việc tại Singapore.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư