Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn Đầu tư
Phép vua và lệ làng
Hà Nguyễn - 21/12/2016 14:15
 
Năm 2016 sắp kết thúc. Do vậy, đây là thời điểm quan trọng để các bộ, ngành đưa ra những giải pháp rốt ráo nhằm thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2017, với những mục tiêu quan trọng như tăng trưởng GDP đạt 6,7%, lạm phát 4%, tăng trưởng xuất khẩu 6 -7%...
.
Năm 2017 được xác định có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020

Chuẩn bị cho việc này, cũng như chuẩn bị cho Hội nghị Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017 (dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2016), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Đây là những công việc thường niên, không có gì khác lạ. Câu chuyện nằm ở chỗ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu tháng 11/2016 và tiếp đó là đầu tháng 12/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động phát hiện, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong năm 2017, gửi về Bộ trước ngày 8/12 để tổng hợp, xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.

Tuy nhiên, tính tới ngày 19/12/2016, mới chỉ có 24 bộ, ngành trung ương, 12 tập đoàn, tổng công ty và 40 địa phương có báo cáo gửi về. Nghĩa là, vẫn còn một lượng không nhỏ bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra tình trạng này. Các yêu cầu gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, về việc báo cáo tình hình triển khai các dự án đầu tư công có vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, hay báo cáo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, báo cáo về công tác giám sát đầu tư… cũng chưa được tuân thủ nghiêm túc.

Có thể là khập khiễng khi so sánh “phép vua” và “lệ làng” - “phép vua thua lệ làng”. Song một cách rõ ràng, chỉ Chính phủ quyết tâm thôi chưa đủ. Giải pháp đúng và trúng từ trên thôi cũng chưa đủ. Quan trọng là cấp dưới thực thi như thế nào.

Ở đây, chưa bàn tới giải pháp cụ thể được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, mà mới chỉ nhắc tới sự vào cuộc, chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Năm 2017 được xác định có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Đây còn là năm đầu triển khai các nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua, trong đó có Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020...

Bối cảnh kinh tế thế giới 2017 được nhận định là còn nhiều bất ổn, khó tiên liệu. Kinh tế trong nước cũng còn không ít khó khăn, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc… Như vậy, nếu không quyết tâm cao - như Thủ tướng Chính phủ đã nói là “ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm”, nếu không có sự đồng lòng, nhất trí, chung tay vì sự phát triển của nền kinh tế, nếu không có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thì việc đạt mục tiêu kế hoạch năm 2017 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Khi Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra, chắc chắn sẽ có những ý kiến quan trọng của các bộ, ngành, địa phương đóng góp cho các giải pháp thực hiện Kế hoạch năm 2017. Nhưng hiện tại cũng rất cần những ý kiến đó để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Càng chuẩn bị kỹ lưỡng, nền kinh tế sẽ càng có thêm điều kiện thuận lợi và nền tảng cơ bản để thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đồng thời thể hiện quyết tâm, sự đồng thuận trong việc phối hợp triển khai nhiệm vụ được giao.

Lồng ghép quyền công dân, quyền con người vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Lồng ghép các quyền các quyền công dân, quyền con người vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng địa phương là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư