Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Phí thuê bao truyền hình trả tiền: Từ giá sàn xoay sang giá thành
Hữu Tuấn - 21/06/2015 09:19
 
Truyền hình trả tiền đang gặp tình trạng mỗi nơi một giá, nhưng các nhà đài muốn áp dụng giá sàn lại vướng quy định hiện hành về giá.

“Loạn” giá thuê bao truyền hình trả tiền

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Truyền hình cáp Hải Dương cho biết, thị trường truyền hình cáp tại Hải Dương đang cạnh tranh khốc liệt, nhưng không lành mạnh. Đặc biệt khi SCTV xâm nhập thị trường này đã giảm giá thuê bao xuống 33.000 đồng/tháng. Viettel tuy mới vào cũng khuyến mại khủng với việc lắp Internet, khách hàng sẽ được lắp truyền hình số và analog với tặng 1 năm không thu cước. FPT bán giá 50.000 đồng/tháng nhưng chia dịch vụ được 3 hộ dùng.

Truyền h?nh trả tiền không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước phải quản lý giá
Truyền hình trả tiền không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước phải quản lý giá

 

“Giá truyền hình trả tiền từ khi có các nhà cung cấp này vào đã loạn, các khu vực đô thị lớn một giá, tỉnh một giá, huyện một giá”, ông Minh cho biết.

Đại diện Truyền hình cáp Thái Bình cũng bức xúc cho hay, các tỉnh từ Nghệ An trở ra đang gặp tình trạng mỗi nhà cung cấp đưa ra một mức giá khác nhau. Khi SCTV xâm nhập thị trường đã áp dụng giá rẻ, ở các khu vực trung tâm của tỉnh áp dụng mức giá 50.000 đồng/thuê bao/tháng, ở các huyện chỉ hơn 30.000 đồng/tháng khiến các đài tỉnh đang áp dụng mức giá hơn 100.000 đồng/tháng buộc phải hạ giá xuống 55.000 đồng/tháng tại Hải Dương, hơn 45.000 đồng/tháng tại Hà Nam, và 50.000 – 88.000 đồng/tháng cho khu vực Hòn Gai – Cẩm Phả.

Các nhà cung cấp dịch vụ ở các tỉnh đều cho biết, cùng lượng thuê bao đó nhưng doanh thu đã giảm một nửa, không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Ông Lương Quốc Huy, Phó tổng giám đốc SCTV còn cho hay, đã xuất hiện có sự bù chéo giữa viễn thông và truyền hình, ảnh hưởng lớn đến thị trường dịch vụ truyền thông – viễn thông. Việc phá giá thuê bao bán dưới giá thành, gây thất thu thuế cho nhà nước, chi phí của doanh nghiệp tăng doanh thu giảm, không có tài chính tích lũy để tái đầu tư, chất lượng dịch vụ đi xuống.

“Các nhà cung cấp mới chấp nhận lỗ nặng ban đầu khi bán dưới giá thành và dùng lợi nhuận từ hoạt động khác để bù lỗ nhằm lũng đoạn thị trường, chiếm khách hàng của đơn vị khác. Sau khi có thị phần lớn, họ có thể sẽ tăng giá”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.

Giá sàn vướng luật chuyển sang giá thành

“Giảm giá là phương án tồi tệ nhất trong kinh doanh. Các doanh nghiệp nên tập trung cạnh tranh bằng nội dung. SCTV ủng hộ phương án giá sàn để cuộc chơi sòng phẳng, đầu tư cao cho nội dung, chính sách hậu mãi chăm sóc khách hàng tốt”, ông Huy khẳng định.

Phần lớn thành viên Hiệp hội Truyền hình trả tiền (PayTV) đều ủng hộ phương án xây ­­­­­­­­­ giá sàn cho truyền hình trả tiền. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về giá, dịch vụ truyền hình trả tiền không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước phải quản lý giá theo các biện pháp bình ổn giá, định giá, hiệp thương giá hay kiểm tra yếu tố hình thành giá.

Đại diện Truyền hình cáp TP.HCM hiến kế, phí thuê bao truyền hình trả tiền không phải mặt hàng nhà nước quản lý giá, yêu cầu Bộ quy định giá sàn là không phù hợp và chỉ có thể làm được nếu doanh nghiệp bán dưới giá thành là vi phạm Luật Cạnh tranh.

“PayTV cho doanh nghiệp thành viên tự công bố giá thành là bao nhiêu, nếu vi phạm giá đó là vi phạm Luật Cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp công bố giá vốn, PayTV vào cuộc kiểm tra tại sao có giá rẻ thế, khi đó Cục Quản lý cạnh tranh có thể xử phạt được”, vị đại diện này góp ý.

Bà Lại Thị Bích, Tổng giám đốc truyền hình Cáp Hà Nội (HCATV) cho rằng, các doanh nghiệp trong PayTV cần thống nhất xây dựng giá thành và cam kết không hạ giá dưới 50%. Đề nghị các thành viên PayTV phải đoàn kết và cam kết các nội dung đặt ra  và PayTV đứng vai trò như là trọng tài để xử lý các trường hợp bán dưới giá thành.

Ông Vũ Văn Hiến, Chủ tịch Hiệp hội PayTV cho rằng, xây dựng giá thành giúp cơ quan nhà nước về giá cả, tài chính tính được đầy đủ đầu vào của hệ thống truyền hình trả tiền, khi đi thanh kiểm tra sẽ xác định được giá thành, nếu doanh nghiệp sai phạm sẽ vi phạm luật cạnh tranh.

Các doanh nghiệp cho rằng, theo Luật Cạnh tranh, nếu doanh nghiệp đưa ra giá bán dưới giá thành của sản phẩm là vi phạm. Vì vậy, PayTV sẽ xây dựng và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, ban hành quy định “giá thành” cho các “gói chương trình” trên từng loại dịch vụ truyền hình trả tiền nhằm đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh.

Truyền hình trả tiền rục rịch tăng giá cước?
Vì một số gói dịch vụ truyền hình trả tiền đang có mức giá cước thấp hơn nhiều lần so với Đề án quản lý giá sàn mà Hiệp hội Truyền hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư