Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Truyền hình trả tiền: Đằng sau đề xuất giá sàn
Hữu Tuấn - 11/05/2015 12:36
 
Đề xuất áp giá sàn đối với truyền hình trả tiền của Hiệp hội Truyền hình trả tiền (PayTV) được cho là còn hàm chứa một toan tính khác liên quan đến việc một “đại gia” viễn thông mới gia nhập thị trường.

Bác giá sàn đối với truyền hình trả tiền

Cuối cùng, đề xuất áp giá sàn cho cước thuê bao truyền hình trả tiền của PayTV đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông bác bỏ. Tuy nhiên, câu chuyện hậu trường của đề xuất này vẫn nóng bỏng và cho thấy, cuộc chơi trên thị trường truyền hình trả tiền đang trở nên rất khốc liệt khi một “đại gia” viễn thông mới gia nhập thị trường.

Dịch vụ truyền hình trả tiền đang phát triển rất nhanh. Ảnh: Đức Thanh
Dịch vụ truyền hình trả tiền đang phát triển rất nhanh. Ảnh: Đức Thanh

 

Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), sau khi PayTV gửi đề xuất áp giá sàn cho dịch vụ truyền hình trả tiền, Bộ đã tiến hành họp với các bộ, ngành liên quan để tiếp thu ý kiến về đề xuất này. Tại cuộc họp, các chuyên gia của Bộ Tài chính và nhiều bộ, ngành khác cho rằng, việc áp giá sàn cho dịch vụ truyền hình trả tiền là không thể, vì đây là loại hình dịch vụ không nằm trong danh sách các dịch vụ mà Nhà nước quản lý về giá.

“Chính vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bác đề xuất áp giá sàn cho dịch vụ truyền hình trả tiền của PayTV”, ông Bảo cho biết.

Theo PayTV, nguyên nhân đề xuất giá sàn là do giá cước thuê bao truyền hình trả tiền quá thấp, thu không đủ bù chi và một số nhà cung cấp bán dưới giá thành. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có thể thấy rằng, bản chất việc áp giá sàn là dựng một hàng rào ngăn chặn “cuộc chiến giảm giá” cước truyền hình trả tiền mà rất có thể sẽ diễn ra khi Viettel bắt đầu cung cấp dịch vụ.

Trên thực tế, cuộc chiến giảm giá cước truyền hình trả tiền đã xảy ra trong năm 2014. Có thời điểm, một số nhà cung cấp như VTC, AVG khuyến mại, giảm giá cước thuê bao tối thiểu xuống còn 20.000 - 33.000 đồng/tháng. Điều này buộc một số nhà cung cấp khác như VTVCab, SCTV, K+ phải giảm giá cước theo, với mức giảm 20 - 50%. Hệ lụy của cuộc cạnh tranh về giá đã khiến các nhà cung cấp cuốn vào cuộc đại hạ giá cước truyền hình trả tiền, làm các nhà cung cấp sụt giảm doanh thu, lợi nhuận.

Hệ lụy đó đã buộc các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ngồi lại với nhau và phương án giá sàn đã được đưa ra.

Toan tính khác của đề xuất giá sàn

Mục tiêu khác từ đề xuất của PayTV được cho là nhằm ngăn ngừa chiêu thức hạ giá để giành khách hàng, chiếm thị phần của nhà cung cấp mới, mà cụ thể ở đây là Viettel.

Ngày 26/4/2013, Viettel được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và truyền hình cáp của Viettel đã được cung cấp 130 kênh, với cước thuê bao 50.000 - 77.000 đồng/tháng (cáp analog: 50.000 đồng/tháng, NextTV: từ 65.000 đồng/tháng; cáp số 1 chiều: từ 77.000 đồng/tháng).

Đã có không ít sự lo ngại, khi tham gia thị trường truyền hình trả tiền, Viettel sẽ áp dụng chiến lược hạ giá cước để giành thị phần, như đã từng làm trong viễn thông.

Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký PayTV cho rằng, việc quản lý giá sàn là điều rất cần thiết, bởi thị trường truyền hình trả tiền đang cạnh tranh rất quyết liệt, đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp hạ giá dịch vụ xuống thấp nhằm triệt tiêu đối thủ. Thêm vào đó, trong thời gian sắp tới sẽ có thêm các tập đoàn viễn thông lớn chính thức cung cấp dịch vụ, nên thị trường truyền hình trả tiền rất cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước nhằm đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả, rất có thể, đề xuất áp giá sàn của PayTV là do các doanh nghiệp lo ngại sự tham gia của một số doanh nghiệp mới rất mạnh. Áp giá sàn sẽ góp phần hạn chế doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Doanh nghiệp mới đang lãi lớn ở lĩnh vực khác, nên họ sẵn sàng chịu lỗ giai đoạn đầu, bán giá cực thấp, để loại bỏ các đối thủ hiện tại. Sau khi loại hết đối thủ, họ sẽ tăng giá. Tuy nhiên, việc này cần được xử lý bằng quy định chống bán phá giá, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, chứ không phải áp giá sàn.

Từ việc PayTV đề xuất giá sàn, tuy đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông bác, nhưng có thể thấy rõ, cuộc cạnh tranh trong truyền hình trả tiền đang rất khốc liệt và Viettel thực sự là một đối thủ đáng gờm, cho dù đến thời điểm này, Viettel chưa “xuất chiêu”.

Truyền hình trả tiền rục rịch tăng giá cước?
Vì một số gói dịch vụ truyền hình trả tiền đang có mức giá cước thấp hơn nhiều lần so với Đề án quản lý giá sàn mà Hiệp hội Truyền hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư