Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Truyền hình trả tiền: Đề xuất giá sàn để ngăn phá giá
Hữu Tuấn - 25/04/2015 09:10
 
Hiệp hội Truyền hình trả tiền (PayTV) và một số nhà đài có thực lực muốn sớm áp dụng giá sàn đối với thuê bao truyền hình trả tiền.

“Ngóng” áp dụng giá sàn

Nếu như năm 2012, truyền hình trả tiền mới đạt hơn 3,7 triệu thuê bao, thì đến cuối năm 2014, thị trường này đã có hơn 7 triệu thuê bao, tập trung nhiều vào các nhà đài như SCTV (hơn 2 triệu thuê bao), VTVcab (gần 2 triệu thuê bao), K+ (hơn 800.000 thuê bao), HTV - Truyền hình TP.HCM (hơn 650.000 thuê bao), MyTV (hơn 850.000 thuê bao), VTC (hơn 600.000 thuê bao)…

Thị trường truyền hình trả tiền đã phát triển “nóng” trong những năm qua. Đỉnh điểm là năm 2014, khi các nhà đài đua nhau hạ giá thuê bao, xuống mức 20.000 - 50.000 đồng/tháng.

Thị trường truyền hình trả tiền đang cạnh tranh gay gắt về giá dịch vụ. Ảnh: Đức Thanh
Thị trường truyền hình trả tiền đang cạnh tranh gay gắt về giá dịch vụ. Ảnh: Đức Thanh

 

Trong khi đó, doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao (ARPU) ở Việt Nam hiện chỉ 4 - 5 USD/thuê bao/tháng - mức thấp nhất trong khu vực ASEAN (Singapore là 32 USD, Malaysia 30 USD, Indonesia 11 USD, Thái Lan 11 USD, Malaysia và Philippines 10 USD).

Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc Truyền hình K+ cho biết, cuộc đua giảm giá thuê bao đã làm méo mó thị trường, đẩy nhiều nhà đài vào tình trạng khốn khó. Trong khi đó, nhà đài phải đầu tư lớn cho phí vệ tinh, phí bản quyền cao. ARPU tại Việt Nam rất thấp và không thể tăng giá, nên việc tái đầu tư vào nội dung, công nghệ của doanh nghiệp là gần như bất khả thi. Do vậy, về lâu dài, cần phải có giá sàn để điều tiết thị trường hoạt động một cách lành mạnh, ổn định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tấn, Phó giám đốc Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC (đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình MyTV), Nhà nước cần có quy định về giá sàn truyền hình trả tiền. Từ mức giá sàn này, các nhà cung cấp dịch vụ nên thiết kế nhiều gói cước dịch vụ khác nhau, trong đó có gói cơ bản đảm bảo cho nhà cung cấp sống được và có lãi. Nhà đài có thể đưa ra nhiều chương trình với nội dung phong phú hơn, song phải tính toán xem có lãi không khi đưa vào hệ thống.

Ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký PayTV nhận xét, mấy năm gần đây, thị trường truyền hình trả tiền cạnh tranh quyết liệt và một số doanh nghiệp có dấu hiệu hạ giá dịch vụ xuống thấp để triệt tiêu đối thủ.

“Việc xây dựng đơn giá truyền hình trả tiền trên cơ sở đảm bảo không thấp hơn giá thành là rất cần thiết, để vừa tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh (vi phạm luật cạnh tranh thương mại), vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng”, ông Cường nhận định.

Giá tối thiểu là bao nhiêu?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngày 22/4, ông Cường cho biết, đầu năm 2015, PayTV đã trình “Đề án Xây dựng đơn giá truyền hình trả tiền” lên Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Đề án, giá sàn (giá tối thiểu) của từng loại hình dịch vụ truyền hình, dựa theo hai yếu tố: theo phương thức truyền dẫn (cáp, vệ tinh, số mặt đất, OTT) và theo khu vực (nông thôn, đô thị). Giá thành của dịch vụ sẽ được tính toán đầy đủ, cộng cả giá đầu tư đường truyền, giá bản quyền, chi phí hoạt động... Mức giá sàn đưa ra theo nguyên tắc không thấp hơn giá thành, đủ để “nuôi sống” doanh nghiệp.

PayTV khẳng định, giá sàn này được được xây dựng trên cơ sở thực tế hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong thời điểm cụ thể, nên tính ổn định không thể kéo dài quá 5 năm.

Lãnh đạo PayTV cũng cho hay, việc xây dựng “đơn giá sàn” cho truyền hình trả tiền trong thời điểm hiện tại rất khó khăn và chưa đạt được những tiêu chí, chuẩn mực như mong muốn, song đây là việc rất cần thiết để ổn định thị trường truyền hình trả tiền ở nước ta trong thời kỳ thanh lọc, tái cấu trúc hiện nay.

Truyền hình trả tiền: Hết thời giá rẻ, giảm cước thuê bao
Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chạy đua hút khách bằng việc đầu tư các chương trình độc quyền, hấp dẫn, thay vì cạnh tranh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư