Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Phía sau con số đẹp của chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Hà Nguyễn - 07/10/2019 09:34
 
Nhiều khả năng, năm 2019 sẽ là năm thứ hai liên tiếp cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.
Nghe bài viết này tại đây :
.
Nhiều dự báo và khẳng định của Chính phủ đã cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục về đích đúng kế hoạch.

Trước hết, phải khẳng định, đó là kết quả của những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm, cuộc thương chiến Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng…

Đầu năm, nhất là sau quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,82% sau mức tăng 7,31% của quý IV/2018, nỗi lo giảm tốc đã bắt đầu. Thậm chí, vào thời điểm đó, còn là hàng loạt nỗi lo khác, từ tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt mức rất thấp, nhập siêu đang quay trở lại và áp lực lạm phát đang đè nặng.

Nhưng nay, sau 9 tháng, nhiều dự báo và khẳng định của Chính phủ cũng đã cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục về đích đúng kế hoạch. Không chỉ tăng trưởng GDP sẽ đạt và vượt mục tiêu 6,8% đề ra, mà lạm phát nhiều khả năng cũng chỉ dừng ở mức 3-3,5%.

Tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt mục tiêu 7-8%, không những không nhập siêu, mà còn xuất siêu lớn. 9 tháng, nền kinh tế đang xuất siêu tới 7,1 tỷ USD, một con số rất đáng mừng. Vốn đầu tư toàn xã hội cũng sẽ đạt khoảng gần 33,8% GDP…

Như vậy, cả 5 chỉ tiêu kinh tế quan trọng nhất đều cho thấy bức tranh sáng của nền kinh tế.

Mặc dù vậy, những nỗi lo, những quan ngại đang tiếp tục được chỉ ra. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa đi kèm với cải thiện tương xứng về chất lượng tăng trưởng. Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn ở mức thấp. Hiệu quả sử dụng nguồn lực khu vực công còn nhiều bất cập. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, dẫn tới hiệu quả chưa cao

Chưa kể, còn những góc khuất đằng sau các con số thống kê mà nếu chỉ nhìn ở bề nổi, sẽ chỉ thấy những nét sáng đẹp. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt mục tiêu đề ra, nhưng ai cũng hiểu, thành tích này phụ thuộc rất lớn vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thậm chí phụ thuộc vào một ngành, một lĩnh vực. Đầu năm, khi sản xuất và xuất khẩu của Samsung gặp khó, xuất khẩu của cả nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Xuất siêu tuy lớn, nhưng Việt Nam vẫn đang nhập siêu quá lớn từ nhiều thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Chỉ trong 9 tháng, nền kinh tế Việt Nam đã nhập siêu 27,7 tỷ USD từ thị trường này, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đang có xu hướng giảm sút, mặc dù Việt Nam đang kỳ vọng đón nhận được dòng vốn FDI đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Nếu có tăng, chỉ tăng mạnh ở đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, mà trong xu hướng này, lại kèm theo nỗi lo nhiều thương hiệu Việt bị nước ngoài thâu tóm…

Rồi số lượng doanh nghiệp thành lập mới luôn ở mức kỷ lục, nhưng số lượng doanh nghiệp phải rời thị trường vẫn tăng rất cao. Trong khi đó, cải cách môi trường kinh doanh được cho là vẫn còn mang tính đối phó, mà chưa xuất phát từ động lực cải cách tự thân. Năng lực cạnh tranh quốc gia còn chậm được cải thiện…

Cũng cần phải nhắc lại một điều rằng, đó là những nỗi lo này không phải bây giờ mới có. Năm nào cũng được nhắc lại. Thậm chí giải ngân vốn đầu tư công chậm, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói, 10 năm nay vẫn vậy và đã trở thành những điểm nghẽn của nền kinh tế.

Điều này cho thấy, dù những thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội là đáng ghi nhận, song nếu không sớm giải quyết những tồn tại, những điểm nghẽn của nền kinh tế, thì dù mọi chỉ số đều đẹp, nhưng nguy cơ tụt hậu, nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình vẫn còn đó.

Muốn trỗi dậy, kinh tế Việt Nam cần một hệ điều hành mới
Cỗ máy kinh tế Việt Nam không chỉ cần định hướng đúng, mà còn cần một “hệ điều hành mới”, cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, để có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư