Bước sang phiên chiều, nhóm cổ phiếu bluechip với điểm tựa vững chắc VNM tiếp tục giúp thị trường duy trì đà tăng ổn định. Bất ngờ đã diễn ra khi gần hết phiên giao dịch khớp lệnh khi VNM được kéo lên kịch trần với các lệnh mua giá cao được đẩy vào ồ ạt, đặc biệt là việc gom mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.

Được biết, nhà đầu tư nước ngoài F&N Dairy Investments đã thay đổi phương thức từ mua trên sàn thành tham gia đấu giá cạnh tranh và thỏa thuận trực tiếp thông qua hệ thống của VSD tại buổi chào bán cạnh tranh chiều nay, ngày 10/11, do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện. Theo đó, SCIC chào bán cạnh tranh 3,33% vốn cổ phần tại VNM với giá chào mua thấp nhất hợp lệ tại cuộc chào bán là 151.200 đồng/CP.

Theo thông báo mới nhất, có 19 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua đợt đấu giá cạnh tranh cổ phần. Trong đó có 6 tổ chức nước ngoài, 5 tổ chức trong nước và 8 cá nhân trong nước. Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua là hơn 73,8 triệu cổ phần, vượt 53% so với tổng số cổ phần chào bán.

Kết phiên, VNM tăng 7% lên mức giá trần 173.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt 9,27 triệu đơn vị và đã được khối ngoại săn đón khi mua vào tới 8,48 triệu đơn vị và bán ra 2,13 triệu đơn vị.

Trong khi VNM bùng nổ thì nhiều mã lớn khác lại hạ độ cao như VCB về mốc tham chiếu 43.100 đồng/CP, VIC đảo chiều giảm khá mạnh 3,79% xuống mức 66.000 đồng/CP; SAB giảm 0,58% xuống mức 276.500 đồng/CP… khiến VN-Index chưa thể chinh phục “ngọn núi” 870 điểm.

Đóng cửa phiên cuối tuần, sàn HOSE có 147 mã tăng và 115 mã giảm, VN-Index tăng 7,81 điểm (+0,91%) lên 868,21 điểm. Thanh khoản cũng cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 189,39 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 5.998,53 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,98 triệu đơn vị, giá trị 1.219,91 tỷ đồng, trong đó MSN thỏa thuận 5,96 triệu đơn vị, giá trị 356,92 tỷ đồng; VIC thỏa thuận 2,34 triệu đơn vị, giá trị 161,27 tỷ đồng; VRE thỏa thuận hơn 2,1 triệu đơn vị, giá trị 88,29 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 10/11
Diễn biến VN-Index phiên 10/11

Trái với giao dịch thiếu tích cực từ VIC, VRE vẫn duy trì sắc tím với mức tăng 7%, đóng cửa tại mức giá 43.350 đồng/CP và lượng dư mua trần vẫn chất đống với hơn 21,91 triệu đơn vị.

Tương tự, cổ phiếu SBT không có thêm nhiều biến động khi tiếp tục bảo toàn sắc tím với lượng dư mua trần 578.160 đơn vị.

Đáng chú ý, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã cũng được kéo lên kịch trần như HAI, PVT, DRC, CSM, LSS, NVT… Trong đó, dù hầu hết thời gian vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu sau 3 phiên giao dịch thiếu tích cực nhưng HAI đã đảo chiều hồi phục mạnh trong nửa cuối phiên chiều cuối tuần với mức tăng 7% lên mức giá trần 7.970 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 4,27 triệu đơn vị, dư mua trần gần 3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX có phần kém khởi sắc hơn, có thời điểm chỉ số sàn bị đẩy về sát mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng, tuy nhiên đà tăng đã được nới rộng về cuối phiên.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,48%) lên 106,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 36,81 triệu đơn vị, giá trị 461,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,4 triệu đơn vị, giá trị 22,73 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACB không còn giữ phong độ như phiên sáng nhưng vẫn làm trụ đỡ khá tốt khi tăng 1,59%, kết phiên tại mức giá 32.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,28 triệu đơn vị.

Trong khi đó, NTP sau màn lao dốc mạnh về mức giá sàn ở phiên sáng đã hồi phục và tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều lên mức 73.200 đồng/CP, tăng 1,9%.

Cổ phiếu KLF vẫn giữ vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với hơn 4 triệu đơn vị được chuyển nhượng và đóng cửa tại mức giá 3.700 đồng/CP, giảm 2,63%.

Trên sàn UPCoM, giao dịch vẫn lình xình trên mốc tham chiếu đến hết phiên giao dịch.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,11%) lên 52,84 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,16 triệu đơn vị, giá trị 117,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 719.579 đơn vị, giá trị 7,22 tỷ đồng.

LPB không giữ được mốc tham chiếu và đã đảo chiều giảm 1,5% sau 2 phiên tăng khá tốt, kết phiên tại mức giá 13.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,16 triệu đơn vị, vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.

Bên cạnh đó, cặp đôi MSR và MCH cùng điều chỉnh sau phiên tăng hôm qua, với mức giảm lần lượt 3,5% và 1,9%, tương ứng đóng cửa tại mức giá 16.500 đồng/CP và 57.900 đồng/CP.

Trái lại, HVN vẫn tăng khá tích cực 6,25% và đóng cửa tại mức giá 28.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,17 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản.