Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, TTCK Việt Nam cũng chung nhịp với TTCK thế giới với sắc xanh khá tích cực. Sau đó, đà tăng của VN-Index chịu sự thử thách và có thời điểm đã lùi qua tham chiếu, song chỉ số này vẫn kết phiên với mức tăng hơn 5 điểm khi kết thúc phiên sáng.

Mặc dù tăng điểm, nhưng thanh khoản rất kém tích cực khi tâm lý thị trường tỏ rất thận trọng. Sự dè dặt cũng là nguyên nhân khiến đà tăng của VN-Index thiếu ổn định, trước khi quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch chiều.

Đáng chú ý, với mức thanh khoản 2.700 tỷ đồng, đây là phiên thứ 2 liên tiếp HOSE duy trì mức thanh khoản thấp nhất trong vòng 1,5 năm qua.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/7, với 118 mã tăng và 143 mã giảm, VN-Index giảm 4 điểm (-0,44%) xuống 911,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 118,4 triệu đơn vị, giá trị 2.776,9 tỷ đồng, tương đương so với phiên 9/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,3 triệu đơn vị, giá trị 627,5 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 10/7
Diễn biến VN-Index phiên 10/7

Việc thiếu sự hỗ trợ của dòng tiền làm khá nhiều mã trụ suy yếu trong phiên chiều, khiến VN-Index mất lực đỡ.

Chẳng hạn, tại Top 10 mã vốn hóa lớn nhất, VCB quay đầu giảm 1,7% về 53.100 đồng. Tương tự là SAB, VIC, trong đó VIC giảm 1,9% về 103.000 đồng. VNM lùi về tham chiếu 16.700 đồng.

Các mã VHM, TCB yếu từ đầu phiên. VHM giảm 1,6% về 111.000 đồng. TCB giảm 3% về 27.650 đồng.

Trong rổ VN30, các mã SSI, HPG, HSG, NVL, MWG, BMP... cũng không giữ được sắc xanh đầu phiên.

Ngược lại, các mã BID, CTG, GAS, MBB, VPB, VJC... lại duy trì được sắc xanh, giúp VN-Index hãm bớt đà rơi. BID tăng 1,5% lên 23.650 đồng; CTG tăng 1,1% lên 22.350 đồng; VPB tăng 2,6% lên 27.800 đồng; MBB tăng 1% lên 20.600 đồng; VJC tăng 2,3% lên 133.500 đồng...

Về thanh khoản, CTG khớp lệnh 4,7 triệu đơn vị, mạnh nhất rổ VN30. Các mã BID, MBB, HPG khớp từ 3-3,6 triệu đơn vị. SSI, HSG, VCB, NVL khớp từ 1-2,4 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường có sự phân hóa khá rõ nét. Trong khi FLC, HQC, SCR, ITA, HHS, IJC... tăng điểm, thì HAG, HNG, ASM, OGC, KBC, IDI, LDG... lại giảm điểm. Đa phần thanh khoản các cổ phiếu này không thực sự tốt.

FLC trội nhất nhóm với 7,2 triệu đơn vị được khớp, cũng là mã thanh khoản cao nhất HOSE, tăng 3,2% lên 4.850 đồng. Các mã khác có thanh khoản từ dưới 3 triệu đơn vị.

NVT phiên này giảm sàn về 5.980 đồng (-6,9%), qua đó chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, trong có 4 phiên trần, khớp lệnh hơn 0,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, dù chịu không ít rung lắc, nhưng sắc xanh vẫn được duy trì trong suốt phiên giao dịch khi một số mã trụ trên sàn này giữ được phong độ nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh.

Đóng cửa, với 70 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,86 điểm (+0,86%) lên 101,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,93 triệu đơn vị, giá trị 399,41 tỷ đồng, giảm 22,27% về khối lượng và 23,42% về giá trị so với phiên 9/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 30,79 tỷ đồng.

Mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX là ACB phiên này tăng 2,7% lên 33.900 đồng, là nhân tố ảnh hưởng tích cực nhất lên HNX-Index. Thanh khoản của ACB cũng khá cao với lượng khớp 3,24 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HNX.

Ngoài ACB, còn có thể kể tới CEO, PVI, VC3, VCS, NTP, NDN, PGS..., song thanh khoản của các mã này không  cao.

Trong số 7 mã thanh khoản mạnh nhất (khớp trên 1 triệu đơn vị), ngoại trừ ACB và DS3, các mã SHB, VGC, PVS, NHS và DPS đều giảm điểm.

SHB giảm 1,3% về 7.600 đồng, khớp lệnh 5,2 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. VGC giảm 3% về 16.200 đồng, khớp lệnh 2,6 triệu đơn vị. PVS giảm 0,6% về 15.900 đồng, khớp lệnh 1,2 triệu đơn vị...

DPS giảm sàn về 900 đồng (-10%), khớp lệnh 1,04 triệu đơn vị.

Ngược lại, DS3 tăng trần 7.300 đồng (+9%), khớp lệnh 1,48 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, sự rung lắc diễn ra khá mạnh, song sàn này cũng giữ được sắc xanh trong suốt phiên giao dịch. Tuy nhiên, đà tăng đã bị hạn chế ở những thời điểm cuối phiên khi sức cầu suy yếu.

Đóng cửa, với 80 mã tăng và 71 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,48%) lên 49,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,8 triệu đơn vị, giá trị 129 tỷ đồng, giảm 10% về lượng và 19% về giá trị so với phiên 9/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có thêm 6,7 triệu đơn vị, giá trị 172 tỷ đồng.

Phiên này, ART khớp 2,6 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, trong khi BSR với 2,2 triệu đơn vị, đứng thứ 2. Đây là 2 mã có lượng khớp mạnh nhất UPCoM. ART tăng 9,7% lên 10.200 đồng, nhưng BSR giảm 6,2% về 15.100 đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng này diễn biến phân hóa khi VIB tăng, LPB và BAB đứng giá, còn KLB giảm.

Các mã "nóng" khác như POW, OIL, BBT, DVN, MSR, GVR, SDI... cũng đều giảm điểm, thanh khoản không cao.