Tuy nhiên, trái với sự mong đợi của thị trường, sau khoảng 50 phút giao dịch ảm đạm và đi ngang, lực bán bất ngờ gia tăng đã chặn đứng cơ hội tiếp cận ngưỡng kháng cự 780 điểm của VN-Index trong phiên chiều cuối tuần.

Trong khi dòng tiền giao dịch thận trọng, lực cung giá thấp có phần chiếm ưu thế và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến VN-Index quay đầu đi xuống sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.

Đóng cửa, VN-Index giảm 0,7 điểm (-0,09%) xuống 777,6 điểm. Thanh khoản không có nhiều biến chuyển so với phiên hôm qua với khối lượng giao dịch đạt 209,25 triệu đơn vị, giá trị 3.640,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 19,46 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 534,84 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 14/7
Diễn biến VN-Index phiên 14/7

Nhóm VN30 có tới 17 mã giảm, 9 mã tăng và 4 mã đứng giá, VN30-Index giảm 1,39 điểm (-0,18%) xuống 759,97 điểm.

Trong đó, các cổ phiếu nhóm ngân hàng có tác động tiêu cực nhất tới thị trường, với BID giảm 1,28%, CTG giảm 1,78%, MBB giảm gần 0,5%, STB giảm 2,42%.

Bên cạnh VNM tiếp tục mất giá, rơi xuống mức giá thấp nhất trong phiên chiều với mức giảm 0,8%, cổ phiếu lớn PLX cũng đảo chiều giảm 0,3% sau phiên khởi sắc ngày hôm qua.

Trái lại, các mã lớn khác cũng thu hẹp đà tăng đáng kể, khiến lực đỡ có phần yếu thế như các mã SAB, GAS, BVH, MSN cùng có mức tăng nhẹ 0,5%.

Không chỉ nhóm cổ phiếu lớn, các mã đầu cơ cũng khá phân hóa trong phiên cuối tuần. Trong khi HQC, HAG, HNG, KBC… quay đầu giảm điểm sau những phiên khởi sắc thì các mã tăng nóng như HAR, HAI tiếp tục củng cố thêm những chuỗi ngày dài tăng trần.

Với HAR có phiên tăng trần thứ 9 liên tiếp với khối lượng khớp 2,19 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị, còn HAI tăng trần 5 phiên với lượng khớp 4,67 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.

Trong khi đó, OGC tiếp tục củng cố sắc tím vững chắc sau 3 phiên giảm sàn nhờ lực cầu không ngững gia tăng mạnh. Kết phiên, OGC tăng 6,72% lên mức giá trần 2.700 đồng/CP với khối lượng khớp dẫn đầu thị trường, đạt 26,98 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 10 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù vẫn chìm trong sắc đỏ nhưng sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip khiến chỉ số sàn không giảm quá sâu và vẫn giữ nguyên ngưỡng kháng cự 100 điểm.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,33%) xuống 100,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 55,93 triệu đơn vị, giá trị 533,81 tỷ đồng, giảm hơn 4,5% về lượng và 12,94% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 7,44 triệu đơn vị, giá trị 42,25 tỷ đồng.

Cũng giống sàn HOSE, họ bank trên sàn HNX cũng có diễn biến thiếu tích cực khi bộ đôi ACB và SHB đều quay đầu giảm với biên độ tương ứng 0,4-1,22%. Trong đó, SHB tiếp tục là cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 11,22 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Cổ phiếu PVX vẫn tiếp diễn xu thế giằng co, tuy nhiên nhờ cung giá thấp được tiết chế giúp cổ phiếu này đã lấy lại sắc xanh sau phiên giảm hôm qua. Kết phiên, PVX tăng 3,85% lên mức 2.700 đồng/CP với khối lượng khớp 6,47 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, giao dịch khá lặng sóng trong cả phiên chiều.

Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,25%) lên mức 56,73 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,56 triệu đơn vị, giá trị 53,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận vẫn cầm chừng với 986.641 đơn vị, giá trị 17,61 tỷ đồng.

Cổ phiếu MCH tiếp tục diễn biến thiếu tích cực với mức giảm 2,9%, đóng cửa tại mức giá 56.100 đồng/CP, đây là phiên giảm thứ 4 trong tuần này.

Bên cạnh MCH, nhiều mã lớn khác như GEX, VIB, FOX, VOC, ACV cũng giảm nhưng với biên độ khá hẹp.

Các mã tí hon vẫn được giao dịch sôi động. Trong đó 3 mã NTB, AVF và ATA tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 2,72 triệu đơn vị, 2,32 triệu đơn vị và 1,11 triệu đơn vị.