Sau đó, lực cầu bắt đáy lại một lần nữa tiếp sức giúp VN-Index tăng vọt nhưng cũng không thể vượt qua được thử thách trên. Ngay khi áp sát ngưỡng kháng cự 940 điểm, áp lực bán đã diễn ra ồ ạt ở một số mã trụ cột và bluechip khiến thị trường quay đầu đi xuống, bất chấp sắc xanh vẫn chiếm áp đảo thị trường.

Kết phiên cuối tuần ngày 15/12, trên sàn HOSE có tới 184 mã tăng và chỉ 107 mã giảm, tuy nhiên VN-Index giảm nhẹ 0,69 điểm (-0,07%) xuống 935,16 điểm. Thanh khoản tăng mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt 239,9 triệu đơn vị, giá trị 6.118 tỷ đồng, tăng 39,45% về lượng và hơn 55% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,31 triệu đơn vị, giá trị 490,71 tỷ đồng, trong đó NVL thảo thuận 3,22 triệu đơn vị, giá trị 196,51 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 125 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 15/12
Diễn biến VN-Index phiên 15/12

Phần lớn các mã trong nhóm VN30 cũng có được sắc xanh với 21 mã tăng, chỉ 9 mã giảm và 3 mã đứng giá, nhưng hầu hết các trụ cột lớn đều giảm khá mạnh.

Trong đó, VNM sau 5 phiên liên tiếp nâng đỡ thị trường đã đảo chiều giảm khá mạnh 1,99% xuống mức 197.000 đồng/CP, VIC giảm 2,5% xuống mức 70.200 đồng/CP, MSN giảm 1,92% xuống mức 71.700 đồng/CP.

Đáng kể là màn rơi của ROS. Mặc dù trong gần hết thời gian giao dịch, ROS vẫn duy trì đà tăng nhẹ như 3 phiên trước đó, nhưng chỉ trong 30 phút cuối phiên, áp lực bán ồ ạt dâng cao đã đẩy cổ phiếu này về nằm sàn. Với mức giảm 6,9%, ROS đóng cửa tại mức giá sàn 136.900 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 3,9 triệu đơn vị.

Trái lại, nhiều mã lớn và bluechip khác vẫn duy trì hoặc nới rộng đà tăng khá tốt như GAS tăng 1,4% lên mức 87.000 đồng/CP, VRE tăng 1,5% lên mức 45.900 đồng/CP, VJC tăng 4,2% lên mức cao nhất ngày 139.000 đồng/CP, SAB, PLX, BHN cũng đều tăng nhẹ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng khả quan hơn với VCB nới rộng biên độ tăng, MBB và STB cũng tô điểm thêm sắc xanh, chỉ còn BID và CTG giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu thép gồm HPG, HSG, NKG, POM, TLH, VGS, DNY cũng đều có mức tăng trên 1-2,5%, còn VIS vẫn giữ sắc tím.

Tuy nhiên, những điểm khởi sắc trên cũng không đủ sức để giúp thị trường chiến thắng trước lực cản khá lớn đến từ những “tay to” VNM, VIC, MSN, ROS.

Cổ phiếu thị trường FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản với 29,68 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và đóng cửa tại mức giá 7.300 đồng/CP, tăng nhẹ 1,39%.

Trên sàn HNX, đà giảm trong phiên sáng được kéo sang phiên chiều nhưng chỉ trong gần 30 phút giảm điểm, chỉ số sàn đã bật ngược trở lại và hồi phục sắc xanh.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,15 điểm (+0,13%0 lên mức 111,61 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 46,59 triệu đơn vị, giá trị 562,93 tỷ đồng, tăng 21% về lượng và 12,44% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 220,67 tỷ đồng, trong đó riêng DL1 thỏa thuận 5,35 triệu đơn vị, giá trị 201,79 tỷ đồng.

Bên cạnh ACB lấy lại mốc tham chiếu, nhiều mã lớn khác đã nới rộng biên độ tăng, góp phần tích cực hỗ trợ giúp thị trường khởi sắc như VCS tăng 1,18% lên mức 257.000 đồng/CP, PVC tăng 1,82% lên mức 11.200 đồng/CP, NTP tăng 1,49% lên 75.000 đồng/CP, PVS, VGC cũng đều tăng hơn 1%...

Cổ phiếu PVX vẫn là mã có khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn với 6,78 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, nhưng giá cổ phiếu đã quay về mốc tham chiếu 2.400 đồng/CP.

Trên sàn UPCoM, sắc xanh cũng được bảo toàn trong suốt cả phiên chiều nhờ lực đỡ của các mã lớn.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,56%) lên mức 54,66 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,78 triệu đơn vị, giá trị 177,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,73 triệu đơn vị, giá trị 172,28 tỷ đồng, trong đó ngoài HNF thỏa thuận lớn 79,88 tỷ đồng ở phiên sáng, sang phiên chiều còn có thêm sự góp mặt của HAF với 1,79 triệu đơn vị, giá trị 60,82 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn cổ phiếu ngành hàng không tiếp tục nới rộng đà tăng, trong đó HVN tăng 3,51% lên mức 38.300 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 940.700 đơn vị; còn ACV tăng 2,44% leeb mức 88.100 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 68.000 đơn vị.

Cổ phiếu LPB vẫn giao dịch tốt nhất trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,9 triệu đơn vị nhưng đóng cửa cổ phiếu này giảm nhẹ 0,76% xuống mức 13.000 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo, GEX có khối lượng giao dịch 1,29 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 24.300 đồng/CP, tăng 2,1%.

Chứng khoán phái sinh phiên này có 18.952 hợp đồng được giao dịch, giá trị tương ứng hơn 1.770 tỷ đồng, giảm 10,77% so với phiên trước đó.