Mặc dù áp lực bán mạnh vẫn được duy trì, song thị trường phiên sáng nay chứng kiến sự hồi phục của nhiều cổ phiếu lớn, nhờ đó mà VN-Index khép lại phiên sáng với sắc xanh khá tốt.
Tuy nhiên, điều này đã không còn được duy trì trong phiên chiều, đặc biệt là nửa cuối phiên, áp lực bán tăng mạnh tại một loạt cổ phiếu lớn và bluechips, khiến VN-Index “đổ đèo” và đóng cửa trong sắc đỏ.
Đóng cửa phiên giao dịch 16/5, với 147 mã giảm và 20 mã tăng, VN-Index giảm 0,32 điểm (-0,04%) về 725,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 294,2 triệu đơn vị, giá trị 6.064 tỷ đồng, cao nhất kể từ phiên 21/4/2017.
Diễn biến VN-Index phiên 16/5 |
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,26 triệu đơn vị, giá trị 305 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 3,69 triệu cổ phiếu ITA, giá trị 13 tỷ đồng; 1 triệu cổ phiếu KBC, giá trị 16,34 tỷ đồng; 1,02 triệu cổ phiếu QCG, giá trị 16,52 tỷ đồng…
VN-Index có phiên giảm điểm đáng tiếc, song điểm tích cực là dòng tiền vào thị trường vẫn rất mạnh và điểm đến của dòng tiền vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản.
Như đã phân tích trong phiên sáng, đợt tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản đã kéo dài tới hơn 1 tháng nay, khiến nhiều chuyên gia, cũng như công ty chứng khoán liên tục đưa ra cảnh báo về điểm rơi của nhóm này.
Nhưng bất chấp, “cơn sóng” dường như ngày một mạnh lên, khi dòng tiền tiếp tục đổ dồn vào nhóm này, đặc biệt là những mã có thông tin hỗ trợ.
Chẳng hạn, QCG kể từ khi thông tin về việc trả nợ được đưa ra, cổ phiếu này đã tăng một mạch từ mức 4.000 đồng lên 16.000 đồng như hiện nay. Phiên này, QCG có phiên trần thứ 13 liên tiếp, lên 16.200 đồng/CP với lượng dư mua trần hơn 5 triệu đơn vị, gấp hơn 10 lần lượng khớp lệnh.
Ngoài ra, hàng loạt mã có được sắc tím như HQC, SCR, ITA, CLG, LGC, LCG, NVT… Trong đó, HQC khớp tới 26,38 triệu đơn vị, SCR khớp 14,49 triệu đơn vị, ITA khớp hơn 15 triệu đơn vị…
CEE có phiên trần thứ 2 liên tiếp sau khi chào sàn lên 28.600 đồng/CP, thanh khoản cũng tăng đột biến so với phiên trước với 2,8 triệu đơn vị được sang tên.
FLC chỉ còn cách mức giá trần vài nhịp, nhưng thanh khoản tiếp tục dẫn đầu sàn HOSE với 32,32 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, người anh em ROS duy trì được sắc xanh nhẹ 160.300 đồng/CP và khớp tới 9,4 triệu đơn vị.
Sau thời gian bán ròng, VIC đã được khối ngoại mua ròng trở lại. Điều này giúp VIC tiếp tục duy trì đà tăng lên 41.500 đồng/CP (+1,5%) và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài VIC, các mã như PLX, MSN hay GAS cũng có mức tăng khá ấn tượng. PLX tăng lên 51.100 đồng/CP (+4,9%) và khớp 3,62 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, trước sức nặng của một loạt mã lớn khác là VNM, SAB, BID, VCB, CTG hay các bluechips như MBB, SSI, HPG, HSG, REE, FPT…, nên VN-Index không thể tăng. HPG khớp 5,68 triệu đơn vị, BID, CTG cùng khớp trên 3,5 triệu đơn vị, VCB khớp trên 1 triệu đơn vị…
Khác với HOSE, sàn HNX lại giữ được sắc xanh khi được các mã lớn hỗ trợ tốt hơn.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,19%) lên 91,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 85,48 triệu đơn vị, giá trị 819,3 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 8 tỷ đồng.
Các mã trụ ACB, SHB, PVS, PLC, BVS… đều tăng khá tốt, thanh khoản mạnh. SHB tăng 1,5% lên 6.800 đồng/CP và khớp tới 19,63 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại. ACB tăng 1,7% lên 23.900 đồng/CP và khớp hơn 4 triệu đơn vị.
Cùng khớp khoảng 4 triệu đơn vị còn có CEO, VCG và HUT, song các mã này đều giảm điểm.
Ngược lại, các mã như KLF, KSK, KSQ, VIG, PV2, VE9… đồng loạt tăng trần. Đáng kể, KLF khớp tới 7,9 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, đóng cửa, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,42%) lên 58,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,17 triệu đơn vị, giá trị 65,19 tỷ đồng.
Các mã ngân hàng VIB và SBS giữ vững sắc tím, trong khi nhóm hàng không, thực phẩm, đồ uống có phần yếu đà khi HVN, ACV, VOC, SEA, MCR, MSR, WSB… giảm điểm.
PFL được giao dịch mạnh nhất trên UPCoM, với 1,758 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá trần 1.700 đồng/CP. Kế đó là HVN với 1,031 triệu đơn vị được sang tên.