Diễn biến VN-Index phiên ngày 17/8 |
Đà tăng vẫn duy trì khá tốt khi bước sang phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, chỉ sau 30 phút giao dịch, đà tăng dần thu hẹp bởi tâm lý bên bán đang dần mất kiên nhẫn trước giao dịch thận trọng nhỏ giọt của bên mua.
Chỉ số VN-Index bất ngờ để mất mốc 970 điểm trong đợt khớp ATC khi áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, các mã có vốn hóa lớn vẫn giữ được phong độ ổn định, đã tiếp sức giúp thị trường tiếp tục có thêm 1 phiên tăng điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 137 mã tăng và 139 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,6 điểm (+0,48%) lên 968,88 điểm. Thanh khoản giảm đáng kể với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 151 triệu đơn vị, giá trị 3.511,17 tỷ đồng, giảm 13,13% về lượng và 19,44% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đạt 14,94 triệu đơn vị, giá trị hơn 455 tỷ đồng. Trong đó, GEX thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 57 tỷ đồng; NVL thỏa thuận hơn 1,3 triệu đơn vị, giá trị gần 85 tỷ đồng; TCB thỏa thuận 1,99 triệu đơn vị, giá trị 56,42 tỷ đồng…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa mạnh. Trong khi VCB và BID vẫn tăng khá tốt, với mức tăng tương ứng 2,3% lên mức 62.000 đồng/CP và 3,7% lên mức 31.100 đồng/CP, trái lại CTG giảm 0,6% xuống mức 26.000 đồng/CP, VPB giảm 1,9% xuống mức 26.000 đồng/CP, STB giảm 1,2% xuống mức 11.200 đồng/CP, MBB giảm 1,3% xuống mức 23.400 đồng/CP.
Ngoài VCB và BID tăng tốt, các mã có vốn hóa lớn khác cũng đóng vai trò lực đỡ thị trường như VIC tăng nhẹ 0,2% lên mức 102.300 đồng/CP, VHM tăng 0,9% lên mức 108.800 đồng/CP, GAS tăng 1,8% lên mức 96.200 đồng/CP, SAB tăng 0,5% lên mức 213.000 đồng/CP…
Như vậy, trong top 5 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có duy nhất VNM quay đầu giảm nhẹ. Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp thị trường duy trì đà tăng điểm.
Bên cạnh những mã tăng được nhắc ở trên, VJC cũng đã đóng góp tích cực cho chỉ số chung của thị trường. Nhờ kết quả kinh doanh quả trong trong những tháng đầu năm, ngay sau khi nhận cổ tức 20% bằng cổ phiếu, HĐQT Vietjet vừa thông báo về việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%.
Với thông tin trên, VJC đã hồi xanh sau 2 phiên giảm giá với mức tăng 1,4%, đóng cửa phiên cuối tuần tại mức giá 151.000 đồng/CP.
Trong nhóm VN30, số mã giảm đang chiếm áp đảo với 20 mã giảm và 9 mã tăng. Trong đó, các mã lớn như VNM, VRE, VPB, PLX, ROS, MSN… đang là các tác nhân chính hãm đà tăng mạnh của thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, OGC vẫn giữ được sắc tím với khối lượng khớp lệnh đạt 7,25 triệu đơn vị và dư mua trần 546.370 đơn vị; trong khi đó, FLC, HAG, HQC, ASM, KBC, DXG, HNG, QCG… đều quay đầu về dưới mốc tham chiếu.
Cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HOSE là CTG với khối lượng khớp lệnh đạt 8,65 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, đà tăng cũng thu hẹp đáng kể trong phiên chiều khiến chỉ số sàn suýt chút nữa chạm mốc tham chiếu.
Kết phiên, HNX-Index tăng nhẹ 0,1 điểm (+0,09%) lên mức 108,02 điểm, với tổng khối lượng giao dịch đạt 31,55 triệu đơn vị, giá trị 441,26 tỷ đồng, giảm 25,8% về lượng và 33,36% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,24 triệu đơn vị, giá trị 27,29 tỷ đồng.
Lần lượt các mã lớn ACB, SHB, PLC, HUT đều quay về mốc tham chiếu, trong khi CEO, VGC, VCG đều đảo chiều giảm, là những tác nhân khiến đà tăng thị trường bị thu hẹp đáng kể.
Trong đó, SHB vẫn là mã giao dịch tốt nhất trên sàn với 6,72 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp đó là PVS với 3,77 triệu đơn vị và ACB với 3,16 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sau khoảng 90 phút giao dịch lình xình trên mốc tham chiếu, chỉ số sàn bất ngờ quay đầu đi xuống, tuy nhiên một lần nữa được cứu nguy nhờ sự dẫn dắt của các mã lớn.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,16%) lên mức 51,47 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,85 triệu đơn vị, giá trị 157,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 2 triệu đơn vị, giá trị 34,55 tỷ đồng.
Các mã tăng tốt như VEA tăng 5,1% lên mức 30.900 đồng/CP, LPB tăng 1,1% lên mức 9.400 đồng/CP, BSR tăng 0,6% lên mức 16.800 đồng/CP, HVN tăng 1,6% lên mức 39.200 đồng/CP, POW tăng 3,1% lên mức 13.200 đồng/CP…
Các cổ phiếu trên cũng là những mã giao dịch tốt nhất trên sàn. Trong đó, VEA và LPB dẫn đầu với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,67 triệu đơn vị và 1,13 triệu đơn vị.