Áp lực từ phiên “đổ đèo” trước đó khiến thị trường giảm điểm ngay khi mở cửa phiên 18/1. Đã có những nỗ lực để giúp VN-Index cân bằng trở lại, nhưng áp lực bán vẫn mạnh nên VN-Index chốt phiên sáng với mức giảm khá sâu.
Những tưởng VN-Index sẽ phải gánh chịu thêm một phiên giảm mạnh thì “gió bất ngờ đổi chiều”. Nhiều mã bluechips nhận được sức cầu mạnh nên đồng loạt quay đầu tăng điểm, kéo VN-Index nhanh chóng leo qua mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự hồi phục ấn tượng. Ngoài hai mã đã tăng tốt từ đầu phiên là VCB và STB khi duy trì mức tăng khoảng 3%, các mã khác như HDB, VPB, MBB, EIB cũng đều được kéo tăng trở lại. Hiện tại, chỉ BID và CTG là dập dình quanh tham chiếu.
Tuy nhiên, VNM và VRE mới là bệ phóng chính trong việc đẩy VN-Index bật tăng trở lại. VNM và VRE đang cùng tăng hơn 2%.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác như NVL, ROS, GAS, REE, MSN… cũng tăng điểm tương đối mạnh và thanh khoản cao.
Bất ngờ tiếp nối bất ngờ, chỉ trong 30 phút giao dịch cuối phiên, VN-Index đã tăng thẳng đứng lên mốc cao nhất ngày 1.050 điểm, tức biên độ dao động trong ngày hôm nay lên tới hơn 30 điểm.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 18/1, sàn HOSE có 157 mã tăng và 125 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 15,56 điểm (+1,5%) lên 1.050,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 281,59 triệu đơn vị, giá trị 7.627,09 tỷ đồng, giảm 15,33% về lượng và 12% về giá trị so với phiên 17/1.
Diễn biến VN-Index phiên 18/1 |
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,73 triệu đơn vị, giá trị gần 988 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 3,29 triệu cổ phiếu HDB, giá trị 150,6 tỷ đồng; 2,1 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 185,6 tỷ đồng; 1,4 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 110,2 tỷ đồng; 1,36 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 114,4 tỷ đồng và 3,71 triệu cổ phiếu CMV ở mức giá trần, giá trị 87,24 tỷ đồng.
Việc nhóm cổ phiếu bluechips đồng loạt được kéo tăng đã giúp VN-Index bứt phá vào cuối phiên. Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thì có tới 9 mã tăng điểm, còn ở nhóm VN30 số mã giảm cũng chỉ là 4 mã, đó là SAB, CTD, DHG và BMP, trong đó SAB là giảm nhẹ 01,%.
Trong số các mã tăng, ấn tượng nhất là các mã VNM (+2,2%), VCB (+4,1%), VRE (+4,5%), HPG (+4,5%), STB (+4,9%), SBT (+6,2%)… Đây cũng là các cổ phiếu có thanh khoản mạnh: STB khớp 31,28 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường, SBT khớp 10,87 triệu đơn vị, HPG khớp 5,5 triệu đơn vị, VCB và VRE cùng khớp gần 3 triệu đơn vị…
Tại nhóm ngân hàng, các mã HDB và VPB cũng cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ. HDB tăng 3% lên 44.000 đồng và khớp 5,37 triệu đơn vị. VPB tăng 2,1% lên 48.000 đồng và khớp 3,11 triệu đơn vị.
Tương tự là nhóm dầu khí khi các mã đầu ngành như PLX, GAS hay PVD cũng đều tăng tốt cả về thanh khoản lẫn điểm số.
Đà hồi phục tại nhóm cổ phiếu bluechips đã lan tỏa ra nhóm thị trường, giúp nhiều mã trong nhóm này tăng điểm, chẳng hạn như HAG, DXG, SCR, HQC, ASM, OGC, ITA… HAG khớp lệnh 9,96 triệu đơn vị, còn lại khớp từ 1-7 triệu đơn vị.
TDC tăng trần lên 8.770 đồng (+7%), khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị sau thông tin kết quả kinh doanh khả quan. Ngược lại, HAI giảm sàn về 7.400 đồng (-6,9%) và khớp 10,93 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhận được tín hiệu tăng của HOSE, chỉ số sàn này cũng bứt lên mức cao nhất ngày.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 1,47 điểm (+1,22%) lên 121,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 79,43 triệu đơn vị, giá trị 1.067,96 tỷ đồng, tăng 4,69% về lượng nhưng giảm 9,4% về giá trị so với phiên 17/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 3,5 triệu đơn vị, giá trị 43,4 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn trên sàn này cũng được kéo tăng mạnh để hỗ trợ chỉ số. SHB tăng 4,7% lên 11.100 đồng và khớp 28,72 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. ACB tăng 1,3% lên 39.500 đồng và khớp 3,73 triệu đơn vị.
PVS tăng 3,6% lên 28.500 đồng và khớp 8,18 triệu đơn vị, các mã dầu khí khác như PVC, PGS, PVI , PVX cũng tăng điểm. PVX khớp 7,03 triệu đơn vị.
DST có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp về 6.400 đồng (-9,9%) và khớp 5,54 triệu đơn vị.
Sàn UPCoM cũng lội ngược dòng trong những phút cuối, khi mà phần lớn thời gian giao dịch trước đó chìm trong sắc đỏ.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,34%) lên 58,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 10,77 triệu đơn vị, giá trị 189,22 tỷ đồng, giảm 36,65% về lượng và 26,65% về giá trị so với phiên 17/1. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,899 đơn vị, giá trị 249,37 tỷ đồng chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1,84 triệu cổ phiếu SCS, giá trị 228,16 tỷ đồng.
Tương tự như 2 sàn niêm yết, cổ phiếu ngân hàng trên sàn UPCoM là LPB và VIB cũng tăng điểm, nhưng chỉ LPB là có thanh khoản trong top 4, với lượng khớp 1,568 triệu đơn vị.
Xếp trên LPB là các mã DVN, SBS và HVN, trong đó dẫn đầu là DVN với 2,09 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên cả 3 mã này đều giảm điểm.
Sự phân hóa của các mã lớn trên sàn này khiến chỉ số UPCoM-Index chưa thể bứt lên như 2 sàn niêm yết.