Điều này đã được chứng minh trong phiên cuối tuần qua khi VN-Index nhanh chóng mất gần 16 điểm khi lực cung vừa chỉ chớm tăng mạnh.
Trong 3 phiên giao dịch đầu tuần mới, kịch bản cũ một lần nữa lặp lại khi VN-Index mất điểm trong phiên đầu tuần, xuống dưới ngưỡng 1.150 điểm, sau đó hồi phục nhẹ trở lại trong hôm qua (17/4), nhưng thanh khoản đứng ở mức thấp cho thấy, thị trường đang trong giai đoạn thăm dò và chỉ cần lực cung lớn, thị trường sẽ nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh và điều này đã xảy ra trong phiên giao dịch hôm nay.
Trong phiên sáng, VN-Index mở cửa trong sắc xanh và vượt qua ngưỡng 1.160 điểm lúc đầu phiên nhờ sắc xanh tại VIC, VNM và một số mã lớn khác. Tuy nhiên, về cuối phiên, áp lực bán gia tăng tại nhóm ngân hàng - xây dựng và các mã ngân hàng lớn, VN-Index đã quay đầu đảo chiều.
Trong phiên giao dịch chiều nay, sau khi nỗ lực hồi phục đầu phiên, lực bán đã gia tăng mạnh sau đó, kéo nhiều mã lớn giảm sâu, khiến VN-Index lao mạnh xuống dưới ngưỡng 1.150 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, nhưng thanh khoản vẫn không được cải thiện.
Cụ thể, chốt phiên 18/4, VN-Index giảm 14,75 điểm (-1,28%), xuống 1.138,53 điểm với 103 mã tăng, trong khi có tới 184 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 172,1 triệu đơn vị, giá trị 5.356,38 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và 1,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20 triệu đơn vị, giá trị 896 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 18/4 |
Tương tự, HNX-Index cũng nỗ lực đảo chiều trong phiên chiều, có thời điểm cũng đã chớm xanh, nhưng lực cung gia tăng ngay sau đó đã đẩy chỉ số này lao thẳng xuống mức thấp nhất ngày, mất hơn 1% giá trị. Tuy nhiên, tích cực hơn HOSE, lực cầu bắt đáy trên HNX hoạt động khá tích cực, giúp thanh khoản trên sàn này tăng mạnh.
Chốt phiên chiều 18/4, HNX-Index giảm 1,47 điểm (-1,09%), xuống 132,78 điểm với 78 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,77 triệu đơn vị, giá trị 897,86 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 23,7% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,35 triệu đơn vị, giá trị 49 tỷ đồng.
Về các mã cổ phiếu, trên HOSE, phiên hôm nay, Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn chỉ ghi nhận sự tích cực của VNM và GAS khi tăng 1,63%, lên 187.500 đồng và 1,02%, lên 129.300 đồng, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, giảm mạnh nhất là 3 mã ngân hàng và MSN với mức giảm của VCB là 3,28%, xuống 64.800 đồng; BID giảm 4,06%, xuống 40.200 đồng; CTG giảm 3,59% xuống 33.500 đồng và MSN giảm 3,85%, xuống 100.000 đồng. VPB cũng giảm mạnh 2%, xuống 63.800 đồng; VIC cũng không giữ nổi sắc xanh khi quay đầu giảm 0,08%, xuống 129.900 đồng.
Trong nhóm ngân hàng, đóng cửa trong sắc đỏ còn có MBB giảm 2,46%, xuống 33.650 đồng; STB giảm 1,9%, xuống 15.500 đồng. Trong khi đó, HDB và EIB đi ngược xu hướng khi tăng 1,97%, lên 51.800 đồng và 4,11%, lên 16.450 đồng.
Nhóm ngân hàng cũng không còn có sức hút mạnh nhà đầu tư khi dòng tiền chuyển hướng sang các mã cổ phiếu nhỏ. Trong đó, IDI, FLC và ASM là 3 mã có thanh khoản tốt nhất với khối lượng từ hơn 7 triệu đơn vị đến hơn 8 triệu đơn vị và đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, IDI tăng 4,93%, lên 14.900 đồng; FLC tăng 0,5%, lên 5.850 đồng; ASM tăng 2,21%, lên 13.900 đồng.
Một số mã nhỏ khác khởi sắc trong phiên hôm nay là HAI, AMD, TTF, HTT khi đóng cửa trong sắc tím. Trong khi đó, OGC, QCG, KSH, VID đóng cửa ở mức sàn, trong đó OGC có thanh khoản tốt với 6,81 triệu đơn vị.
Tương tự, trên HNX, trong Top 10 mã vốn hóa lớn, cũng chỉ có PVS, PVI tăng nhẹ, DL1 đứng ở tham chiếu, còn lại đều giảm. Trong đó, ACB giảm 1,21%, xuống 48.900 đồng với 3,2 triệu đơn vị được khớp; SHB giảm 3,76%, xuống 12.800 đồng với 23,6 triệu đơn vị được khớp, dẫn dầu thị trường; VCG giảm 3,68%, xuống 112.500 đồng; VGC giảm 1,28%, xuống 23.100 đồng; VCG giảm 0,95%, xuống 20.900 đồng.
Tuy nhiên, trên sàn này cũng có một số mã nhỏ nổi sóng như DST, MST, NSH, HKB, DPS, trong khi SJC, MNC, MCO lại đóng cửa ở mức sàn.
Trong khi đó, trên sàn UPCoM, sau khi đóng cửa trong sắc xanh ở phiên sáng, UPCoM-Index chỉ duy trì thêm sắc xanh nhạt trong hơn 1 tiếng trước khi quay đầu giảm manh.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,5%), xuống 59,03 điểm với 93 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,94 triệu đơn vị, giá trị 271,74 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 40,6 tỷ đồng.
Trên sàn này, LPB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 2 triệu đơn vị được khớp, tiếp đến là POW với 1,68 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cả 2 đều đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm lần lượt 0,61%, xuống 16.400 đồng và 2,58%, xuống 15.100 đồng.
Các mã giảm đáng chú ý khác có thể kể đến BSR, OIL, VGT, VIB, KLB, ACV, MSR, LTG, trong khi các mã như HVN, MCH, SDI có sắc xanh, nhưng chỉ tăng rất nhẹ.