Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Phiên 18/7: BHS giảm sàn sau khi chốt ngày hủy niêm yết để sáp nhập với SBT
 
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, BHS quay đầu giảm sàn sau khi chính thức công bố ngày hủy niêm yết để sáp nhập với SBT, trong khi SBT cũng giảm 1,5%.

Áp lực vẫn diễn ra mạnh và trên diện rộng trong phiên giao dịch hôm nay, nhất là ở nhóm cổ phiếu có tính thị trường. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của một số mã lớn, VN-Index đã tránh khỏi phiên giảm sâu tiếp theo.

 

Mặc dù SAB tiếp tục khởi sắc trong phiên sáng nay, nhưng chỉ khi nhận được tín hiệu tốt từ nhóm cổ phiếu trụ là ngân hàng, thị trường mới dần hồi phục. Trong khi VN-Index may mắn có những nhịp hồi phục nhẹ, thì HNX-Index chỉ nhận được lực đỡ khá lẻ loi đến từ ACB khiến chỉ số này thiếu động lực để đảo chiều và chưa một lần chạm mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, áp lực bán vẫn khá lớn khiến sắc đỏ ngập tràn bảng điện tử, cùng với các bluechip quay đầu giảm sâu hơn và dòng bank không đứng vững, đã đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên giao dịch sáng.

Trước khi bước sang phiên chiều, thị trường đã đón nhận thông tin mới khi lần lượt các mã lớn gồm NVL, SAB, ROS đều được thêm vào rổ VN30, thay thế cho 3 mã thị trường là HAG, HNG và ITA.

Ngay lập tức, các mã mới được thêm vào rổ VN30 đã giao dịch sôi động và tăng khá tốt trong phiên chiều. Trong đó, NVL được nhà đầu tư ngoại mua bán khá sôi động và giá giằng co nhẹ dưới mốc tham chiếu; còn ROS và SAB tiếp tục nới rộng đà tăng.

Bên cạnh lực đỡ chính từ SAB, cổ phiếu lớn VNM đã lấy lại cân bằng và le lói sắc xanh cùng “gợn sóng” từ các mã ngân hàng đã giúp thị trường hồi nhẹ ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều.

Tuy nhiên, đà tăng kém bền vững do lực cung giá thấp vẫn khá lớn trong khi dòng tiền tham gia chưa có dấu hiệu cải thiện khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu giảm điểm.

Đóng cửa, số mã giảm trên sàn HOSE vẫn gấp hơn 2 lần số mã giảm (185/88 mã), VN-Index giảm 1,42 điểm (-0,18%) xuống 767,49 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 237,79 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.412 tỷ đồng, giảm 6,66% về lượng và 7,38% về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 37,62 triệu đơn vị, giá trị 907,29 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 18/7
Diễn biến VN-Index phiên 18/7

Trên sàn HNX, giao dịch có phần ảm đạm và buồn tẻ. Kết phiên, HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 98,6 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 51,8 triệu đơn vị, giá trị 509,33 tỷ đồng, giảm 32,46% về lượng và 36,79% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2,9 triệu đơn vị, giá trị 103,44 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, BID và VCB cùng lùi về sát mốc tham chiếu và chỉ còn nhích 0,1-0,2%, trong khi đó CTG quay đầu giảm hơn 1%, góp phần đẩy VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu.

Mặc dù áp lực bán khá lớn khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, trong đó các mã bluechip cũng đua nhau giảm mạnh, nhưng các chỉ số không giảm quá sâu nhờ các “má phanh” đến từ một số mã lớn.

Trong đó, thông tin được thêm vào rổ VN30 đã giúp SAB tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt với biên độ 3%, các mã khác như trụ cột VNM dần lấy lại cân bằng và hồi nhẹ với mức tăng 0,1%, PLX tăng 0,3%, MSN tăng 0,9%.

Một số cổ phiếu có diễn biến đáng chú ý như BHS quay đầu giảm sàn sau khi chính thức công bố ngày hủy niêm yết để sáp nhập với SBT, trong khi SBT cũng giảm 1,5%.

Bên cạnh đó, ở nhóm cổ phiếu thị trường, OGC cũng đảo chiều giảm sàn sau 2 phiên tăng trần liên tiếp. Với mức giảm 6,9%, OGC kết phiên ở mức giá 2.680 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 28,5 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

TDH thu hẹp đà giảm đáng kể, thậm chí có thời điểm hồi xanh. Nguyên nhân là do sau khi bị cắt margin vì chậm nộp thuế, doanh nghiệp này nhanh chóng công bố đã hoàn tất việc nộp thuế, thêm vào đó cổ phiếu này còn nhận được sự hậu thuẫn của nhà đầu tư ngoại khi mua ròng hơn 258.090 cổ phiếu TDH.

Trái với diễn biến 2 sàn chính, chỉ số trên sàn UPCoM vẫn duy trì đà tăng đến hết phiên.

Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,37%) lên 56,29 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 4,23 triệu đơn vị, giá trị 68,41 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 375.676 đơn vị, giá trị hơn 7,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu SBS đã lấy lại sắc tím với mức tăng 12,5% với khối lượng giao dịch đạt 682.700 đơn vị, tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.

Đứng ở vị trí tiếp theo, cặp đôi lớn DVN và HVN lần lượt chuyển nhượng thành công 400.800 đơn vị và 277.400 đơn vị. Tuy nhiên, đóng cửa, DVN giảm 6%, còn HVN giảm 0,38%.

 

Cổ phiếu PVX ngập ngừng nghe ngóng
Cổ phiếu PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) gần đây có những tín hiệu trỗi dậy. Tuy nhiên, đà phục hồi của PVX có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư