Bước vào phiên chiều, dòng tiền ồ ạt chảy mạnh, giúp VN-Index bứt phá, vượt qua ngưỡng 1.065 điểm. Thanh khoản thị trường cũng tăng vọt lên 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, về cuối phiên áp lực bán mạnh tại VNM, GAS, MSN, SAB, BID, CTG khiến đà tăng của VN-Index bị hãm lại.

Thị trường vẫn băng băng trên đường đua thì bất ngờ lại gặp lực cản khiến đà tăng có phần chững lại.

Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index tăng 11,82 điểm (+1,13%) lên mức 1062,07 điểm. Thanh khoản khá kỷ lục với tổng khối lượng giao dịch đạt 342,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 10.045 tỷ đồng, tăng mạnh 21,62% về lượng và 31,7% về giá trị so với phiên hôm qua.

Diễn biến VN-Index phiên 19/1
Diễn biến VN-Index phiên 19/1

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 62,76 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.803 tỷ đồng, trong đó đáng kể GEX thỏa thuận hơn 15,9 triệu đơn vị, giá trị 473,4 tỷ đồng; VPB thỏa thuận 6,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 329 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, sàn HNX cũng có chút “đuối sức” về cuối phiên. Cụ thể, HNX-Index tăng 0,5 điểm (+0,41%) lên mức 122,39 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 72,48 triệu đơn vị, giá trị 1.136,38 tỷ đồng, giảm 8,75% về lượng nhưng tăng 6,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,24 triệu đơn vị, giá trị 23,5 tỷ đồng, trong đó riêng SHB thỏa thuận 1,57 triệu đơn vị, giá trị gần 18 tỷ đồng.

Trong khi VCB, VRE, PLX, VJC vẫn tăng khá tốt thì các mã vốn hóa lớn khác lại giao dịch thiếu tích cực và trở thành cản trở lớn trên đường đua của VN-Index.

Cụ thể, VNM quay về mốc tham chiếu, VIC đảo chiều giảm nhẹ 0,47% xuống mức 84.000 đồng/CP, GAS giảm sâu hơn 1,1% xuống mức thấp nhất ngày 99.000 đồng/CP, tương tự SAB cũng mất gần 0,9% xuống mức 255.500 đồng/CP, đáng kể MSN bất ngờ lao dốc mạnh với mức giảm 4,89% xuống mức giá 87.500 đồng/CP…

Cùng với cổ phiếu lớn sụt giảm mạnh, các mã khác trong nhóm dầu khí cũng đều lui về mức giá thấp nhất trong ngày như PVD giảm 3,7% xuống mức giá 26.200 đồng/CP, PXS giảm 3% xuống mức 9.600 đồng/CP, PVC giảm 2,4% xuống mức 12.400 đồng/CP, PVS giảm 1,1% xuống mức 28.200 đồng/CP, PVB giảm 2,9% xuống mức 20.200 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã quen thuộc cũng giảm khá mạnh như AMD giảm gần hết biên độ 6,8% xuống sát giá sàn 7.900 đồng/CP, HAI giảm 6,76% xuống mức giá 6.900 đồng/CP, HAG giảm 1,8% xuống mức 8.150 đồng/CP, HNG giảm 2,35% xuống mức 9.160 đồng/CP, KBC giảm 2,13% xuống mức 13.800 đồng/CP…

Cổ phiếu STB vẫn là mã thanh khoản tốt nhất thị trường với 28,63 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Đứng ở vị trí tiếp theo là các mã AMD, HAI, SBT và HAG với khoảng 11-12 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trên sàn HNX, như đã đề cập ở trên, các cổ phiếu lớn dầu khí đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Thêm vào đó, VCS giảm 1,29% xuống mức 230.200 đồng/CP, NTP giảm 0,44% xuống mức 67.700 đồng/CP, DL1 giảm 1,14% xuống mức 43.500 đồng/CP.

Tuy nhiên, đà tăng của thị trường phải kể đến sự hỗ trợ của một số mã vốn hóa lớn khác như SHB tăng 1,8% lên mức 11.300 đồng/CP, VGC tăng 6,8% lên mức cao nhất ngày 26.700 đồng/CP, VCG tăng 2,15% lên mức 23.800 đồng/CP, VPI tăng 1,34% lên mức 37.700 đồng/CP…

Trong đó, SHB tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 20,39 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó là PVS với 7,14 triệu đơn vị và VCG với 6,83 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà tăng được duy trì khá tốt trong phiên chiều và đột ngột quay đầu điều chỉnh về cuối phiên, tuy nhiên chỉ số này đã may mắn thoát hiểm.

Kết phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,08%) lên 58,33 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 13,37 triệu đơn vị, giá trị 184,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 526.731 đơn vị, giá trị 20,19 tỷ đồng.

Trong đó, HVN vẫn là điểm sáng trên sàn với mức tăng 8,6% và đóng cửa tại mức giá 56.700 đồng/CP, khối lượng giao dịch lớn nhất sàn UPCoM đạt 2,35 triệu đơn vị.

Tiếp đó, SBS với 2,17 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Sau phiên quay đầu điều chỉnh hôm qua, cổ phiếu SBS đã hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần và có thời điểm được kéo lên mức trần. Đóng cửa, SBS tăng 11,4% lên mức 3.900 đồng/CP.

Các mã khác nằm trong top 5 thanh khoản tốt nhất và cũng có khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị gồm LPB, ATB và DVN.