Mặc dù thị trường đã trải qua 6 phiên tăng liên tiếp nhưng đà tăng đuối dần về những phiên cuối tuần khi chỉ số VN-Index càng tiến gần hơn với ngưỡng kháng cự mạnh 980 điểm. Trong bối cảnh thị trường thiếu thông tin hỗ trợ do mùa ĐHCĐ và báo cáo kết quả quý I/2019 cũng đang dần khép lại khiến giới phân tích không mấy kỳ vọng vào thị trường bứt cao.

Không nằm ngoài dự báo, thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần khá rung lắc và biến động nhẹ quanh mốc 975 điểm. Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ tích cực và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã làm điểm tựa tốt giúp VN-Index tăng vọt về cuối phiên và đã vượt qua được thử thách 980 điểm khi chốt phiên.

Sự hưng phấn tiếp tục lan tỏa trong phiên chiều. Lực cầu vẫn hỗ trợ tốt giúp các mã lớn tiếp tục nới rộng biên độ, đã nhanh chóng kéo VN-Index qua mốc 985 điểm chỉ sau hơn 20 phút giao dịch.

Đà tăng khá ổn định trong suốt cả thời gian còn lại đã giúp chỉ số VN-Index tăng khá ấn tượng hơn 10 điểm và kết phiên ở mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, trên sàn HOSE, số mã xanh đã chiếm áp đảo với 171 mã tăng và 117 mã giảm. Chỉ số VN-Index tăng 10,65 điểm (+1,09%) lên 987,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 153,16 triệu đơn vị, giá trị 3.656,21 tỷ đồng, tăng 13,45% về lượng và 15,23% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 18,82 triệu đơn vị, giá trị 597,44 tỷ đồng, trong đó riêng SAB thỏa thuận 784.680 đơn vị, giá trị hơn 200 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 20/5
Diễn biến VN-Index phiên 20/5

Nhóm VN30 có đóng góp tích cực khi có tới 22 mã tăng và chỉ còn 5 mã giảm nhẹ. Trong đó, bên cạnh cặp đôi lớn của ngành bất động sản là VIC và VHM đã lấy lại sắc xanh, một số trụ cột nới rộng biên độ, có đóng góp tích cực cho chỉ số chung.

Điển hình như VNM tăng 1,4% lên 137.500 đồng/CP, GAS tăng 2,5% lên mức cao nhất ngày 113.000 đồng/CP, MSN tăng 1,7% lên 88.000 đồng/CP, SAB tăng 2,3% lên 263.000 đồng/CP, VCB tăng 1,5% lên 67.800 đồng/CP, BID tăng 1,7% lên 32.700 đồng/CP…

Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng tăng khá tốt như PLX tăng 2,2% lên 66.200 đồng/CP, HPG tăng 1,7% lên 32.800 đồng/CP, MWG tăng 2,1% lên 88.300 đồng/CP, PNJ tăng 5,4% lên mức cao nhất ngày 108.000 đồng/CP…

Trong khi đó, ROS vẫn là một trong mã giao dịch thiếu tích cực khi giảm khá sâu 3,7% và kết phiên tại mức giá 33.500 đồng/CP. Tuy nhiên, ROS tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh gần 10,65 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh cũng lan tỏa vối các mã quen thuộc như PVD, ITA, FLC, AA, HQC, KBC… Đáng chú ý, chỉ còn phiên giao dịch ngày mai nữa là VHG chia tay sàn HOSE nhưng cổ phiếu này đã cố gắng giữ sắc tím trong phiên 20/5 dù có thời điểm giảm sàn. Hiện VHG đứng tại mức giá 1.170 đồng/CP với khối lượng khớp 700.510 đơn vị và dư mua trần 43.010 đơn vị.

Trong khi đó, sàn HNX vẫn duy trì được đà tăng nhưng có phần kém hưng phấn hơn.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,5%) lên 106,31 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 28,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 384 tỷ đồng, giảm 12,49% về lượng nhưng tăng nhẹ hơn 4% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Không chỉ các cổ phiếu trong nhóm dầu khí trên sàn HOSE khởi sắc, dòng P trên sàn HNX vẫn là điểm sáng thị trường. Cụ thể, PVS tăng 3,3% lên mức cao nhất ngày 25.200 đồng/CP, PVI tăng 1,6% lên 38.600 đồng/CP, PVC tăng 2,7% lên 7.600 đồng/CP, PVB tăng 1% lên 20.300 đồng/CP…

Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng đóng vai trò giữ nhịp thị trường như VCG tăng 1,6% lên 26.200 đồng/CP, VCS tăng 1,3% lên 63.200 đồng/CP, ACB tăng 0,3% lên 29.300 đồng/CP…

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm PVS khớp 4,56 triệu đơn vị, NDN khớp 2,18 triệu đơn vị, SHB khớp hơn 2 triệu đơn vị, HUT và TNG cùng khớp hơn 1,7 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, giao dịch tiếp tục rung lắc và liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,12%) lên 55,31 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,12 triệu đơn vị, giá trị 197,33 tỷ đồng, giảm 26,39% về lượng và hơn 17% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 886.578 đơn vị, giá trị 44,89 tỷ đồng.

Cặp đôi BSR và LPB dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng giao dịch lần lượt đạt gần 1,9 triệu đơn vị và 1,09 triệu đơn vị. Kết phiên, cả BSR và LPB cùng đứng giá tham chiếu. Còn lại, các mã đều có khối lượng giao dịch chưa tới 1 triệu đơn vị.