Sau giờ nghỉ trưa, sức ép lại gia tăng, kéo VN-Index trở lại sắc đỏ và một lần nữa cầu bắt đáy hoạt động giúp chỉ số hồi dần. Những tưởng VN-Index có thể tăng trở lại như phiên sáng, nhưng trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa ATC, áp lực chốt lời bất ngờ được tung ra và dồn mạnh tại nhóm cổ phiếu trụ khiến VN-Index rơi thẳng trở lại.
Đóng cửa phiên giao dịch 21/12, với 112 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index giảm 7,45 điểm (-0,79%) về 946,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 213,62 triệu đơn vị, giá trị 5.840,65 tỷ đồng, giảm 3,15% về lượng và 8,05% về giá trị so với phiên 20/12.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 66,83 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.549 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 27,6 triệu cổ phiếu EIB, giá trị 358,9 tỷ đồng; 2,4 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 147,36 tỷ đồng; 4 triệu cổ phiếu VPB, giá trị 160 tỷ đồng; 3,766 triệu cổ phiếu HAG và 3,335 triệu cổ phiếu HNG cùng ở mức giá trần, giá trị tương ứng 77,3 tỷ đồng và 46,9 tỷ đồng…
Diễn biến VN-Index phiên 21/12 |
Sức ép khiến nhiều mã bluechips cũng như vốn hóa lớn quay đầu, dù có thời điểm hồi phục khá tốt. Nhóm ngân hàng, ngoại trừ MBB và VPB, còn lại đều giảm điểm với mức giảm đều trên 1%.
Các mã SAB và ROS vẫn là gánh nặng chính của chỉ số. SAB dù không còn nằm sàn, nhưng vẫn giảm tới 6,84% về 249.200 đồng/CP. ROS giảm 4,3% về 160.300 đồng.
ROS khớp 3,3 triệu đơn vị. VIC, VCB, CTG và BID khớp từ 1,2-17 triệu đơn vị.
Ngay cả những trụ đỡ như VNM, GAS, VRE… cũng không còn khỏe. VNM chỉ còn tăng 0,94% lên 203.900 đồng, GAS tăng 0,33% lên 92.400 đồng; VRE tăng 5,2% lên 48.200 đồng.
Riêng HPG dù chỉ còn tăng 0,23% lên 44.100 đồng, song đây đã là phiên tăng thứ 7 liên tiếp với sự giúp sức đắc lực từ khối ngoại khi liên tục mua ròng. Phiên này, có 6,16 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng tới 4,77 triệu đơn vị.
VRE khớp 2,986 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua ròng 1,577 triệu đơn vị. MBB khớp 5,668 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế. Các mã thị trường như DXG, FLC, HAG, HNG, SCR, ASM, HAI, AMD… cùng giảm điểm và đáng chú ý là thanh khoản không cao. Khớp lệnh dẫn đầu HOSE là DXG với chỉ 6,3 triệu cổ phiếu. Vua thanh khoản FLC phiên này chỉ khớp 5,59 triệu đơn vị. Cặp đôi HAG-HNG khớp lần lượt 4,75 triệu và 1,72 triệu đơn vị.
Các mã DCM và VNS bất ngờ tăng trần, riêng DCM khớp tới 3,94 triệu đơn vị và còn dư mua trần khá lớn.
Trên sàn HNX, mặc dù đã nỗ lực duy trì sắc xanh trong hầu hết thời gian giao dịch. Nhưng dưới áp lực bán mạnh cuối phiên, chỉ số sàn này đã không thể trụ vững.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,33%) về 113,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,19 triệu đơn vị, giá trị 825,90 tỷ đồng, giảm 11,6% về lượng và 7,75% về giá trị so với phiên 20/12.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp rất lớn với 15,19 triệu đơn vị, giá trị gần 458 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 1,341 triệu cổ phiếu VCS, giá trị 338 tỷ đồng và 13,038 triệu cổ phiếu NVB, giá trị hơn 104 tỷ đồng.
Áp lực xả nhiều mã trong rổ HNX30 quay đầu giảm điểm hoặc lùi về tham chiếu. Trong đó, các mã trụ như SHB, ACB, VCG, PVS, HUT… giữ sắc đỏ. SHB khớp 12,82 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, trong khi ACB, VCG, HUT, PVC… chỉ khớp hơn 1 triệu đơn vị.
PVS tiếp tục la điểm nhấn trên HNX với mức tăng 0,45% lên 22.100 đồng và khớp lệnh tới 10,25 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng điểm đi kèm mức thanh khoản cao phiên thứ 5 liên tục của mã này.
Một số mã nhỏ trên sàn này đi ngược chỉ số với mức tăng trần như SPI, PIV, PXA, BII…
Trên sàn UPCoM, trái với 2 sàn niêm yết, chỉ số UPCoM-Index lại có sự hồi phục khá tốt trong thời điểm cuối phiên, tuy nhiên chưa đủ mạnh để vượt qua tham chiếu.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,11%) về 54,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,64 triệu đơn vị, giá trị 136,51 tỷ đồng, giảm 27,5% về lượng và 35,27% về giá trị so với phiên 20/12. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,698 triệu đơn vị, giá trị 412,24 tỷ đồng đến từ 9,1 triệu cổ phiếu SWC, giá trị 132,65 tỷ đồng; 1,94 triệu cổ phiếu NHH, giá trị hơn 186,3 tỷ đồng và 2 triệu cổ phiếu TSJ, giá trị 57 tỷ đồng.
LPB là mã khớp lệnh mạnh nhất trên sàn này với 2,3 triệu đơn vị được sang tên, song cũng như đa phần cổ phiếu ngân hàng khác, LPB giảm 0,8% về 13.100 đồng. Các mã nóng khác như ART, MSR, SDI, SKH, QNS, VKD… cũng giảm điểm hoặc đứng giá tham chiếu.