Tiếp đà tăng tích cực từ phiên trước đó, VN-Index tiếp tục tăng ngay khi mở cửa phiên sáng nay và bệ đỡ vẫn là nhóm cổ phiếu bluechips. Theo đó, VN-Index nhanh chóng leo qua mức 990 điểm. Song, cũng rất nhanh chỉ số bị đẩy lùi trở lại trước áp lực bán mạnh tại vùng giá cao này. Dẫu vậy, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh khi kết phiên sáng khi nhiều mã bluechips còn tăng điểm.
Nhờ sự ổn định của một số mã lớn mà VN-Index không giảm điểm, nhưng điều này đã không còn được duy trì trong phiên chiều. Lực xả mạnh đã được tung vào thị trường ngay sau giờ nghỉ trưa và tập trung tại chính nhóm bệ đỡ của VN-Index nên chỉ số rơi nhanh qua tham chiếu. Đã có những nỗ lực mua vào để đẩy giá song chưa đủ mạnh để hỗ trợ chỉ số bứt lên. Trụ đỡ yếu đà trước áp lực bán mạnh, trong khi sức cầu hạn chế khiến đà hồi phục của VN-Index khá yếu, trước khi giảm trở lại khi kết phiên.
Đóng cửa, với 126 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index giảm 0,84 điểm (-0,09%) về 986,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 206,55 triệu đơn vị, giá trị 9.584,71 tỷ đồng, tăng 35% về khối lượng và 162% về giá trị so với phiên 20/5.
Diễn biến VN-Index phiên 21/5 |
Thanh khoản tăng đột biến nhờ giao dịch thỏa thuận với gần 82 triệu đơn vị, giá trị hơn 6.560 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ 51,518 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 5.822 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có một số giao dịch thỏa thuận đáng chú ý khác như 6,86 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 130 tỷ đồng; 3,486 triệu cổ phiếu GEX, giá trị 79,5 tỷ đồng; 3,165 triệu cổ phiếu HPG, giá trị gần 103 tỷ đồng...
Giao dịch thỏa thuận mạnh với tâm điểm là VIC cũng là điểm nhấn của phiên giao dịch hôm nay. Nếu ngoại trừ các giao dịch thỏa thuận này, lượng khớp lệnh là khá hạn chế cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư ở thời điểm này.
Mặt khác, cũng nhờ giao dịch thỏa thuận mạnh nên khối ngoại đã mua ròng trở lại trong phiên, nhưng nếu loại trừ giao dịch tại VIC thì khối ngoại vẫn là bán ròng. Các mã bị bán ròng mạnh phiên này hầu hết giảm điểm, ngoại trừ HPG và NBB.
NBB bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với hơn 136 triệu đơn vị, còn HPG là gần 0,55 triệu đơn vị, song vẫn tăng lần lượt 1,7% lên 21.050 đồng và 0,3% lên 32.900 đồng nhờ sức cầu tốt trong nước khi khớp lệnh tương ưng 1,78 triệu và 2,14 triệu đơn vị.
Nhóm ngân hàng với TCB, BID, MBB, VPB, STB và các mã MSN, SAB, VJC, FPT, DHG... vẫn tăng tốt để hỗ trợ chỉ số. Trong đó, đóng góp tích cực nhất là MSN khi tăng 3,8% lên 91.300 đồng và khớp gần 1 triệu đơn vị. Các cổ phiếu ngân hàng tuy không tăng mạnh, nhưng thanh khoản cao khi khớp từ 1-5 triệu đơn vị.
Với VIC, thỏa thuận "khủng" phiên này không tác động tích cực lên thị giá của nhóm cổ phiếu Vingroup khi VIC đứng giá, còn VRE và VHM giảm điểm. VRE khớp 1,86 triệu đơn vị, VHM khớp 1,05 triệu đơn vị, VIC khớp 0,7 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, VNM và nhóm dầu khí cũng là nhân tố tạo sức ì lớn khi đồng loạt giảm mạnh. VNM -2,9% xuống 133.500 đồng, GAS -1.3% xuống 111.500 đồng, PVD -1% về 21.100 đồng...
Đa phần nhóm cổ phiếu thị trường cũng giảm điểm trước áp lực bán mạnh như ROS, FLC, AAA, HBC, SCR, KSH, HSG, HAG, ITA, ASM, DLG, HQC... ROS - 3,1% về 32.450 đồng, khớp lệnh 9,75 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE.
KSH giảm sàn về 920 đồng, khớp lệnh 1,848 triệu đơn vị. Ngược lại, VHG tăng trần lên 1.250 đồng, khớp lệnh 1,04 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến giằng co mạnh trong phiên và cũng yếu dần trong phiên chiều, thanh khoản giảm mạnh.
Đóng cửa, với 79 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) về 106,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,56 triệu đơn vị, giá trị 318 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên 20/5. Trong đó, giao dịch đóng góp không đáng kể.
Nhiều mã lớn trên sàn này đã không giữ được đà tăng trước áp lực bán mạnh, nhất là nhóm dầu khí. Đơn cử, PVS -1,2% về 24.900 đồng, PVB -1,5% về 20.000 đồng, VCS -1% về 62.600 đồng, SHB -1,4% về 7.400 đồng; NVB -1,1% về 8.700 đồng...
Ngược lại, ACB +0,3% lên 29.400 đồng, VCG +0,4% lên 26.300 đồng, NTP +3% lên 35.000 đồng...
SHB khớp lệnh 3,33 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp đó là PVS với 2,79 triệu đơn vị. Trong số 8 mã thanh khoản cao nhất sàn, chỉ có 2 mã tăng là ACB và ART.
Trên sàn UPCoM, trái với 2 sàn niêm yết, chỉ số UPCoM-Index đã hồi phục cuối phiên, thanh khoản ghi nhận cải thiện tích cực.
Đóng cửa, với 95 mã tăng và 90 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,14%) lên 55,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,73 triệu đơn vị, giá trị 300 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 51% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 20/5. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 90 tỷ đồng, phần lớn đến từ 3,12 triệu cổ phiếu DDN, trị giá 66,7 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn trên sàn này duy trì được đà tăng để hỗ trợ chỉ số như VGT, VGI, GVR, VIB, MSR, DVN, QNS, KLB, ACV... trong đó VGI khớp lệnh 1,3 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn, tăng 5,6% lên 26.500 đồng.
Dẫn đầu là BSR với 1,57 triệu đơn vị, nhưng giảm 2,1% về 14.100 đồng. Cùng giảm còn có LPB, TVN, MPC, SKH...