Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Phiên 22/2: VN-Index tuột mốc 990 điểm
 
Mặc dù nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng khá tốt nhưng gánh nặng lớn đến từ cặp đôi cổ phiếu họ Vin đã khiến VN-Index để tuột mất mốc 990 điểm trong phiên giao dịch chiều cuối tuần 22/2.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 22/2
Diễn biến VN-Index phiên ngày 22/2

Thị trường gặp áp lực bán tăng mạnh ngay từ đầu phiên khiến VN-Index đảo chiều giảm và biến động giằng co khá mạnh. Trong đó, điểm tựa giúp thị trường bật cao trong phiên hôm qua là VHM đã trở thành tội đồ chính cản trở cho đà tăng điểm.

Tuy nhiên, kịch bản cũ lại lặp lại trong phiên sáng nay khi tưởng chừng VN-Index chưa thể vượt qua thử thách 990 điểm và lùi về dưới mốc tham chiếu thì lực cầu gia tăng mạnh đã tiếp sức cho chỉ số bước tiếp. Bên cạnh một số mã lớn vẫn giữ được sắc xanh, sự trở lại khá ấn tượng của nhóm cổ phiếu vua là lực đỡ chính giúp VN-Index chính thức chinh phục thành công ngưỡng kháng cự trên.

Bước sang phiên chiều, sau khoảng 20 phút lình xình đi ngang, thị trường dần hạ độ cao và có thời điểm bị đẩy về sát mốc tham chiếu trước áp lực bán gia tăng, trong đó gánh nặng chính đến từ cặp cha con VIC-VHM.

Cụ thể, VIC chính thức điều chỉnh sau 4 phiên liên tiếp khởi sắc, với mức giảm 1,2% xuống 117.000 đồng/CP; tương tự, VHM cũng giảm mạnh sau khi thiết lập đỉnh mới trong phiên hôm qua, với mức giảm 3,7% xuống 93.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, cổ phiếu VNM tiếp tục thu hẹp đà tăng chỉ 0,3% lên 148.900 đồng/CP, trong khi MSN để mất sắc xanh và đảo chiều giảm 1,4% xuống mức giá thấp nhất ngày 88.400 đồng/CP; SAB rung lắc và kết phiên trong sắc đỏ với mức giảm 0,4%, xuống mức giá thấp nhất ngày 247.000 đồng/CP, chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp trước đó.

Trái lại, dòng bank tiếp tục là trụ đỡ chính với các mã lớn đều tăng khá tốt như VCB tăng 3,2% lên 62.000 đồng/CP, CTG tăng 3,4% lên 21.100 đồng/CP, TCB tăng 0,7% lên 27.700 đồng/CP. Ngoài ra, trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn còn có GAS tăng 2,2% lên 99.300 đồng/CP, VRE tăng 2,9% lên 35.000 đồng/CP.

Một trong những mã VN30 giao dịch khá sôi động và liên tiếp được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trong những phiên gần đây là HPG tiếp tục nhận được sự “ưu ái” của thị trường. Kết phiên, HPG tăng 3,7% lên mức giá cao nhất 33.900 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 2 thị trường đạt 8,27 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng gần 0,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, việc 3 Phó tổng cùng đăng ký mua vào cổ phiếu có thể là động lực tăng cho “người anh em” HSG. Cổ phiếu HSG được săn đón và duy trì ổn định sắc tím. Kết phiên, HSG giữ mức giá trần 7.970 đồng/CP với thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt 11,26 triệu đơn vị và dư mua trần 751.290 đơn vị, bên bán trắng sàn.

Mặc dù để tuột mất ngưỡng kháng cự 990 điểm nhưng thị trường tiếp tục có thêm 1 phiên tăng điểm ngày cuối tuần.

Đóng cửa, sàn HOSE có 144 mã tăng và 152 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 1,34 điểm (+0,14%) lên 988,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 215,63 tỷ đồng, tương ứng tổng giá trị 4.974,1 tỷ đồng, tăng 20,78% về lượng và 11,45% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 16,4 triệu đơn vị, giá trị 678,79 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX giao dịch khá lặng sóng trong phiên chiều.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,7 điểm (+0,66%) lên 106,82 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 33,37 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 473,11 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,57% về lượng nhưng giảm 3,25% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,55 triệu đơn vị, giá trị 60,49 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX có ACB tăng 1,3% lên 30.500 đồng/CP, PVS tăng 2,5% lên 20.300 đồng/CP, SHB tăng 1,3% lên 7.600 đồng/CP, DGC tăng 1,2% lên 43.000 đồng/CP.

Trái lại, VCG giảm 1,1% xuống 27.500 đồng/CP, VCS giảm 0,8% xuống 63.700 đồng/CP, VGC giảm 1,4% xuống 20.600 đồng/CP, PVI giảm 2,4% xuống 33.200 đồng/CP; còn PHP và DL1 đứng giá tham chiếu.

Cổ phiếu SHB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX với khối lượng khớp 5,76 triệu đơn vị; tiếp theo đó là PVS khớp 5,45 triệu đơn vị, ACB khớp 3,97 triệu đơn vị, PVX khớp hơn 2 triệu đơn vị…

Trong khi đó, mặc dù gần cả phiên đều đứng dưới mốc tham chiếu nhưng bất ngờ đã đến trong những phút cuối giúp UPCoM-Index đảo chiều và kết phiên trong sắc xanh.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,03%) lên 55,55 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 189,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 32,5 triệu đơn vị, giá trị 709,84 tỷ đồng, trong đó đáng kể IDC thỏa thuận hơn 28,9 triệu đơn vị, giá trị 621,38 tỷ đồng; VEA thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 50,57 tỷ đồng.

Trong khi HVN vẫn tăng nhẹ 0,8% lên 39.100 đồng/CP thì người anh em ACV đã có phiên giảm đầu tiên trong năm Kỷ Hợi, với mức giảm 1,6%, xuống 88.300 đồng/CP.

Ngoài ACV, một số mã lớn cũng khởi sắc, hỗ trợ cho thị trường hồi phục như VEA, OIL, QNS…

Cặp đôi BSR và VGT dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM, với khối lượng giao dịch lần lượt 1,75 triệu đơn vị và 1,26 triệu đơn vị. Đóng cửa, BSR giảm 1,4% xuống 14.100 đồng/CP, còn VGT giảm 1,68% xuống 11.700 đồng/CP.

Thị trường chứng khoán: Những cổ phiếu khiến tài khoản nhà đầu tư "teo tóp"
Không ít cổ phiếu giảm giá trên 40% trong giai đoạn 1/10/2018 - 19/2/2019 và giảm mạnh hơn so với mức đỉnh trong vòng 3 năm cũng như so với giá ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư