Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phiên 22/3: "Hàng hot" GTN giảm sàn, YEG có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp
 
Phiên ngày hôm nay (22/3), 2 mã gây chú ý thời gian qua là GTN và YEG có diễn biến trái ngược.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 22/3
Diễn biến VN-Index phiên ngày 22/3

Sau phiên lao dốc hôm qua, tưởng chừng VN-Index đã gãy trend, nhưng thị trường nhanh chóng trở lại cuộc đua khi hồi phục khá tốt trong phiên hôm nay, dù chưa thể lấy lại được mốc 990 điểm.

Trong phiên sáng, ngay khi mở cửa, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu họ nhà Vingroup, VN-Index đã tăng vọt lên ngưỡng 990 điểm, nhưng nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại ngưỡng tham chiếu do lực bán vẫn còn mạnh ở nhiều mã khác.

Về cuối phiên, ngoài sự hỗ trợ của nhóm Vingroup, có thêm một số mã lớn khác đảo chiều, giúp VN-Index hồi phục trở lại và đóng cửa trong sắc xanh.

Bước vào phiên giao dịch chiều, cũng giống phiên sáng, VN-Index được kéo mạnh để một lần nữa lên thử thách ngưỡng 990 điểm, nhưng cũng như phiên sáng, chỉ số này một lần nữa thất bại. Tuy nhiên, với mức tăng gần 7 điểm, VN-Index cũng lấy lại được một phần ba số điểm đã mất trong phiên lao dốc hôm qua.

Chốt phiên, VN-Index tăng 6,93 điểm (+0,71%), lên 988,71 điểm với 154 mã tăng và 139 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 206,93 triệu đơn vị, giá trị 4.731,96 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,5% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 55 triệu đơn vị, giá trị 1.417,4 tỷ đồng.

Trái ngược với phiên hôm qua, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, chỉ có duy nhất MSN giảm giá 0,59% xuống 84.500 đồng và TCB đứng giá tham chiếu, còn lại đều đóng cửa với sắc xanh. Trong đó, tăng mạnh nhất là VHM với 3,29% lên 91.100 đồng, tiếp đến là CTG tăng 1,81% lên 22.500 đồng, VIC tăng 1,37% lên 118.600 đồng, còn lại đều tăng nhẹ dưới 1%.

Trong nhóm này, CTG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 6,19 triệu đơn vị được khớp và nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1 triệu đơn vị.

Trong Top 30 mã vốn hóa lớn, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo, sắc đỏ chỉ xuất hiện ở một vài mã như PLX, HPG, MWG, FPT, ROS, nhưng mức giảm cũng không lớn, chỉ trên dưới 1%. Cùng 2 mã ngân hàng VPB, HDB đứng giá, còn lại đều tăng, nhưng mức tăng cũng không lớn. Trong đó, ROS là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 6,42 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,37% xuống 32.400 đồng.

Trong các mã nhỏ, FLC là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với 8 triệu đơn vị được khớp, nhưng đóng cửa chỉ giữ được mức tham chiếu 5.200 đồng. Trong khi đó, ITA, khớp hơn 4 triệu đơn vị và đóng cửa tăng nhẹ 0,63% lên 3.200 đồng.

Hai mã gây chú ý thời gian qua là GTN và YEG vẫn có diễn biến trái ngược, nhưng theo chiều ngược lại. Trong khi GTN giảm sàn xuống 17.900 đồng với hơn 1 triệu đơn vị khớp và còn dư mua giá sàn, thì YEG lại có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 109.400 đồng với 80.120 đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co trong phiên chiều trước khi bật lên từ mức tham chiếu trong ít phút cuối phiên để có phiên hồi phục nhẹ sau phiên lao dốc hôm qua.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,26%), lên 108,09 điểm với 86 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,57 triệu đơn vị, giá trị 855 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 43% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 26 triệu đơn vị, giá trị 460,95 tỷ đồng.

Các mã lớn trên HNX cũng đa số hồi phục trở lại, trong đó ACB tăng 0,33% lên 30.500 đồng với 1,82 triệu đơn vị được khớp. VCG tăng 1,07% lên 28.300 đồng với 0,62 triệu đơn vị. PVS tăng 0,96% lên 21.000 đồng với 3,88 triệu đơn vị. VGC tăng 0,94% lên 21.400 đồng với 1,9 triệu đơn vị. SHB đứng giá tham chiếu 7.700 đồng với 4,2 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HNX về thanh khoản.

Trên UPCoM, diễn biến lại khá tích cực khi UPCoM-Index nới rộng dần đà tăng và leo lên mức cao nhất ngày trong phiên chiều trước khi đóng cửa ở gần mức này.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,6%), lên 57,23 điểm với 106 mã tăng và 105 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,49 triệu đơn vị, giá trị 339 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,6 triệu đơn vị, giá trị 63,3 tỷ đồng.

Trên thị trường này, trong nhóm cổ phiếu lớn, BSR có thanh khoản tốt nhất với 1,3 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 2,22% xuống 13.200 đồng.

Vinamilk muốn chi gần 1.520 tỷ đồng để M&A công ty sở hữu Mộc Châu Milk
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM - HoSE) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc chào mua công khai hơn 116 triệu cổ phiếu của Công ty cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư