Theo ông Mạc Quang huy, Tổng giám đốc MSI, dòng vốn vào thị trường phụ thuộc vào nền tảng kinh tế vĩ mô và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phục hồi ổn định, cùng với các chính sách cải cách môi trường kinh doanh là nền tảng cho các doanh nghiệp tăng trưởng.
Không nằm ngoài nhận định trên, mặc dù thị trường chịu áp lực điều chỉnh khá lớn sau những phiên leo đỉnh mới khiến các chỉ số quay đầu đi xuống, nhưng dòng tiền chảy mạnh đã giúp thị trường chỉ giảm nhẹ trong 2 phiên vừa qua.
Trong phiên giao dịch sáng nay, dù có thời điểm áp lực bán dâng cao và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip, đã kéo các chỉ số rớt mạnh, nhưng lực cầu hấp thụ tích cực giúp các mã này cân bằng hơn, cùng sự khởi sắc của một số mã lớn như PLX, SAB, ROS…, đã giúp VN-Index hồi xanh.
Bước sang phiên giao dịch chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh giúp sắc xanh lan tỏa, trong đó nhiều mã bluechip cũng đảo chiều tăng, đã kéo VN-Index lên sát mốc 770 điểm và cũng là mức đóng cửa cao nhất trong gần 10 năm qua.
Đóng cửa, sàn HOSE có 152 mã tăng/119 mã giảm, VN-Index tăng 2,71 điểm (+0,35%) lên 769,01 điểm. Thanh khoản tích cực với tổng khối lượng giao dịch đạt 254,93 triệu đơn vị, giá trị 4.669,41 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 41,95 triệu đơn vị, giá trị 829,69 tỷ đồng. Đáng kể, STB thỏa thuận gần 15,9 triệu đơn vị, giá trị 222,57 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 23/6 |
Trong khi đó, sàn HNX cũng có thời điểm tiến về sát mốc tham chiếu nhưng lực bán vẫn khá lớn khiến thị trường chưa thoát khỏi đà giảm điểm.
Tuy vậy, sàn HNX cũng đã cân bằng hơn với 78 mã tăng/80 mã giảm, HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,34%) xuống 98,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 47 triệu đơn vị, giá trị 613,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chưa tới 1,5 triệu đơn vị, giá trị chỉ 10,1 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng bớt tiêu cực và đã phân hóa với BID và CTG hồi nhẹ với mức tăng 0,25%, VCB quay về mốc tham chiếu, trong khi STB và MBB vẫn đứng dưới mốc tham chiếu. Trong đó, BID và STB vẫn là 2 mã giao dịch sôi động của nhóm với khối lượng khớp cùng đạt hơn 4 triệu đơn vị.
Tương tự, dòng bank trên sàn HNX đã chứng kiến sự phục hồi của SHB khi tăng 1,35% và khớp 11,27 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn; trong khi ACB tiếp tục tạo gánh nặng khi giảm 1,53% và khớp 2,88 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là dòng tiền đầu cơ trở lại giúp hàng loạt mã được kéo lên trần với giao dịch tăng vọt. Trong đó, điểm sáng vẫn là HQC khi chuyển nhượng thành công 24,5 triệu đơn vị và dư mua trần 2,43 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã thị trường khác cũng có được sắc tím như DLG, OGC, MCG, VNG…, trong đó DLG khớp 6,84 triệu đơn vị, OGC cũng chuyển nhượng gần 6,6 triệu đơn vị và dư mua trần 3,2 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sắc đỏ vẫn duy trì với giao dịch khá ảm đạm.
Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,29 điểm (-0,5%) xuống 56,79 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,62 triệu đơn vị, giá trị 78,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,55 triệu đơn vị, giá trị 133,62 tỷ đồng, trong đó GEX thỏa thuận 4,34 triệu đơn vị, giá trị hơn 99,7 tỷ đồng.
Các cổ phiếu tí hon vẫn dẫn đầu về thanh khoản trên sàn. Trong đó, NTB đứng đầu với khối lượng giao dịch 1,75 triệu đơn vị và dư mua trần 0,94 triệu đơn vị; tiếp đó SBS đứng giá tham chiếu và chuyển nhượng 1,43 triệu đơn vị, AVF và GTT cùng tăng trần với lượng khớp lần lượt 825.600 đơn vị và 725.200 đơn vị.
Ở cặp đôi lớn ngành hàng không, trong khi ACV đã lấy lại mốc tham chiếu nhờ lực cầu ngoại hỗ trợ khá tốt, thì HVN quay đầu giảm nhẹ 0,37%.
Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng chưa thoát khỏi đà giảm điểm như VGT, VOC, FOX, MCH, MSR, TVN, DVN…