Theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Rồng Việt, nhóm cổ phiếu bất động sản đúng là có những cổ phiếu được dự báo là có quý III khả quan xét ở góc độ tăng trưởng do thị trường bất động sản giao dịch tốt lên và kết quả quý III năm ngoái đạt khá thấp.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng hưởng lợi như thế. Ông Lân cho biết, sẽ có những cổ phiếu bất động sản tăng giá, nhưng cả ngành thì không chắc.
Không nằm ngoài nhận định trên, trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu bất động sản đã bùng cháy trong nửa đầu phiên và những tưởng sẽ tạo đợt sóng mới, tuy nhiên chưa được hình thành đã nhanh chóng bị bán mạnh về cuối phiên, ngoại trừ sự bứt phá của ROS.
Bước sang phiên chiều, sau khoảng 30 phút thăm dò, thị trường đã tiếp tục tiến bước để chinh phục lại đỉnh cao 830 điểm. Đà tăng khá tốt từ nhóm cổ phiếu vua cùng các mã vốn hóa lớn đã giúp VN-Index nhanh chóng leo đỉnh thành công và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Đóng cửa phiên chiều nay, VN-Index tăng 5,45 điểm (+0,66%) lên 830,69 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 160,17 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 4.323,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với 39,56 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.759 tỷ đồng. Trong đó, MSN thỏa thuận 11,14 triệu đơn vị, giá trị 629,58 tỷ đồng; NVL thỏa thuận 5,33 triệu đơn vị, giá trị 322,73 tỷ đồng; VNM thỏa thuận 2,85 triệu đơn vị, giá trị 430,27 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 25/10 |
Trong nhóm cổ phiếu lớn, GAS đã hồi phục nhẹ; VNM, VJC, BHN và MSN đều nới rộng biên độ tăng, trong đó VNM tăng hơn 1%; ROS tiếp tục bứt tốc khi tăng 6,6% lên mức đỉnh mới 172.000 đồng/CP.
Đáng kể là sự trở lại khá tích cực của dòng bank, cụ thể VCB tăng 1,9%, BID tăng 1,2%, CTG tăng 1,3%, MBB tăng 1,6%, VPB tăng 0,7%, đã tạo cú hích giúp VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 830 điểm.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã vẫn chịu áp lực bán và tiếp tục giảm sâu như HAI, HAR, IJC đều đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo, trong đó cổ phiếu HAI ghi nhận phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp. Các mã như FLC, KBC, TSC, VHG… giao dịch trong sắc đỏ.
Đáng chú ý, cổ phiếu ASM có phiên giao dịch bùng nổ sau hơn 1 tuần diễn biến lình xình nhờ lực cầu hấp thụ gia tăng mạnh. Hiện ASM tăng 6,5% lên mức giá trần lên mức 11.400 đồng/CP với khối lượng khớp đạt hơn 6,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản thị trưởng chỉ sau FLC và dư mua trần 1,71 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, cổ phiếu lớn ACB tiếp tục đóng vai trò là lực đỡ tốt giúp thị trường duy trì và nới rộng biên độ tăng.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,71 điểm (+0,67%) lên 107,4 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 34,65 triệu đơn vị, giá trị 459,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,24 triệu đơn vị, giá trị 24,5 tỷ đồng.
Các mã lớn hỗ trợ cho đà tăng thị trường như ACB tăng 2,6%, VCS tăng 1%, CEO tăng 4,9%, HUT tăng 1,8%, SHB tăng 1,2%... Trong đó, CEO tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX cới 5,69 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Đứng ở vị trí tiếp theo, SDT khớp 4,36 triệu đơn vị, còn SHB lùi về vị trí thứ 2 với khối lượng khớp 2,64 triệu đơn vị.
Trái với diễn biến khởi sắc trên 2 sàn chính, trên sàn UPCoM vẫn duy trì đà giảm điểm.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,93%) xuống 52,8 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,53 triệu đơn vị, giá trị 157,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,28 triệu đơn vị, giá trị 48,3 tỷ đồng.
Trong đó, LPB vẫn là điểm sáng trên sàn khi duy trì mức tăng khá tốt 5,4%, đóng cửa tại mức giá 13.600 đồng/CP và tiếp tục đóng góp lớn vào thanh khoản trên sàn với khối lượng giao dịch đạt 4,45 triệu đơn vị.
“Tân binh” SKH cũng có phiên giao dịch tích cực khi đóng cửa tại mức giá 33.000 đồng/CP, tăng 18,7% với khối lượng giao dịch đạt 858.200 đơn vị.
Trái lại, nhiều mã lớn như MSR, TLT, FOX, LTG, MCH, QNS… đều đóng cửa trong sắc đỏ, là lực hãm khiến thị trường tiếp tục giảm điểm.
Chứng khoán phái sinh phiên này có 12.410 hợp đồng được giao dịch, giá trị hơn 1.012 tỷ đồng, giảm 19,8% so với phiên hôm qua.