Trong phiên giao dịch sáng nay, trái với kỳ vọng của giới đầu tư khi chứng khoán quốc tế đồng loạt khởi sắc sẽ lan tỏa đến thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên, điều này đã không xẩy ra. Dù lực bán không quá mạnh nhưng lực cầu ở mức thấp khiến thị trường thiếu động lực để đi lên.

Tuy nhiên, may mắn về cuối phiên khi các mã lớn như MSN, CTG, DPM, BVH, ROS, HPG… đồng loạt hồi phục đã giúp thị trường chốt phiên trong sắc xanh hy vọng.

Tia hy vọng chỉ kịp le lói và nhanh chóng bị dập tắt ngay khi bước sang phiên chiều. Lực bán trở lại và chiếm ưu thế khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều, VN-Index lui về sát mốc 705 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch. Và sự trở lại của một số cổ phiếu bluechip đã giúp chỉ số này thu hẹp đà giảm điểm nhưng không đủ sức để thị trường lấy lại cân bằng.

Kết phiên, sàn HOSE có 112 mã tăng và 136 mã giảm, VN-Index giảm 1,81 điểm (-0,26%) xuống 707,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 137,23 triệu đơn vị, giá trị 3.237,61 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 19,29 triệu đơn vị, giá trị 599,22 tỷ đồng. Riêng NVL thỏa thuận 3,53 triệu đơn vị, giá trị 258,28 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 25/4
Diễn biến VN-Index phiên 25/4

Trong khi đó, chỉ số trên sàn HNX chủ yếu đứng dưới mốc tham chiếu trong gần suốt thời gian giao dịch, sau phút le lói sắc xanh đầu phiên sáng. Đóng cửa, sàn HNX có 65 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,91%) xuống 87,61 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 53 triệu đơn vị, giá trị 493,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 0,7 triệu đơn vị, giá trị 60,78 tỷ đồng, trong đó, VCS thỏa thuận 0,39 triệu đơn vị, giá trị 57,53 tỷ đồng.

Các trụ cột chính như VNM, GAS, SAB cùng một số mã lớn như MWG, HPG, VJC vẫn là các tác nhân chính hãm đà tăng của thị trường.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa với những điểm sáng trong ngành. Điển hình STB sau cú lao mạnh trong đợt khớp ATC ở phiên hôm qua và lui về mức giá sàn, đã hồi phục mạnh trong phiên hôm nay. Tuy không được kéo lên mức giá trần như nhịp tăng trong phiên sáng nhưng STB đã kết phiên tại mức giá 11.100 đồng/CP, tăng 5,71% với khối lượng khớp 5,36 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, SHB đã đảo chiều thành công và đóng cửa tại mức giá 7.600 đồng/CP, tăng 1,3% và tiếp tục giữ vững vị trí vua thanh khoản với gần 25,8 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Tuy nhiên, SHB vẫn bị khối ngoại bán ra mạnh với khối lượng bán ròng đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Trái với diễn biến của STB, cổ phiếu EIB sau cú tăng trần ngày hôm qua đã chịu áp lực bán và quay đầu đi xuống trong phiên 25/4. Với mức giảm 1,7%, EIB đóng cửa tại mức giá 11.500 đồng/CP và chuyển nhượng thành công 178.950 đơn vị.

Trong khi hầu hết các nhóm cổ phiếu đi ngang hoặc giảm điểm thì nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường khi vẫn giữ được nhịp tăng khá tốt. Cùng với “đại gia” của ngành - VIC tăng 0,9%, nhiều mã trong nhóm cũng hưởng ứng khởi sắc.

Cụ thể, ROS tăng 0,6% và khớp lệnh hơn 4,9 triệu đơn vị; HBC tăng 1,4% và khớp hơn 0,9 triệu đơn vị; hay DXG tiếp nhận thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu, đã bật tăng 3,2% và khớp 4,37 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF đã đảo chiều thành công sau gần 1 tuần đứng giá hoặc giảm điểm. Với mức tăng 9,1%, KLF đóng cửa tại mức giá trần 2.400 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 4 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,27 triệu đơn vị. Trong khi đó, HAP tiếp tục nóng lên khi ghi nhận phiên tăng thứ 7 liên tiếp và là phiên tăng trần thứ 3, với khối lượng giao dịch sôi động 1,75 triệu đơn vị.

Diễn biến trên sàn UPCoM khá giống phiên sáng. Sau những nhịp rung lắc, chỉ số sàn này đã cú hồi cuối phiên và đóng cửa trên mốc tham chiếu.

Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,13%) lên 57,61 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,57 triệu đơn vị, giá trị 64,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,72 triệu đơn vị, giá trị 78,9 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu lớn, trong khi GEX, HVN, MSR, FOX, TVB đều giảm thì MCH, VOC, QNS duy trì đà tăng nhẹ.

Mới đây, tại ĐHCĐ thường niên của TVN - với tư cách là cổ đông lớn của TIS, đã thống nhất đề xuất HĐQT Tisco thực hiện phát hành tăng vốn để bổ sung vốn điều lệ cho công ty này sau khi SCIC thoái vốn 1.000 tỷ đồng. Theo đó, TIS dự kiến có thể tăng vốn thêm 1.200 đến 1.500 tỷ đồng.

Hôm nay, TIS tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp, lui về mức giá 9.400 đồng/CP, giảm 1,1% và khối lượng giao dịch đạt 372.000 đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.