Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Phiên 26/3: Chào tạm biệt mốc 600 điểm
T.Lê - 26/03/2014 15:53
 
Đúng như dự đoán, khi cổ phiếu của phiên cuối tuần trước về tài khoản, hoạt động xả ồ ạt đã được thực hiện bằng mọi giá, tạo nên cơn “cuồng phong đỏ”, kéo 2 sàn lao dốc.

Phiên giao dịch chiều nay, lượng hàng khủng hơn 400 triệu đơn vị, giá trị hơn 6.000 tỷ đồng của phiên giao dịch cuối tuần trước sẽ chính thức được giao dịch (loại trừ đi khoảng 20 triệu đơn vị, giá trị hơn 700 tỷ đồng được ETFs mua vào).

Lượng hàng khủng này chính là mối lo của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, dù dòng tiền chờ thời vẫn lớn, bởi thị trường đã thăng mạnh trong thời gian dài, các chỉ số chạm ngưỡng kháng cự mạnh, trong khi nhiều cổ phiếu cũng đã xuất hiện dấu hiệu quá mua, đặc biệt là sự hưng phấn quá mức trong phiên đầu tuần này.

Nỗi lo này được nhà đầu nhiều nhà đầu tư thể hiện bằng cách “chạy trước” trong phiên giao dịch hôm qua, kéo cả 2 sàn giảm mạnh. Bước vào phiên sáng nay, dù lực bán vẫn mạnh, nhưng do nhiều “tay to” không muốn tâm lý thị trường bị hoảng loạt, kích hoạt lệnh bán tháo ồ ạt quá sớm khiến lượng hàng ôm vào cuối tuần trước bị kẹt, nên những nhà đầu tư này đã cố níu giữ, không để chỉ số giảm quá sâu, trong đó MSN được sử dụng làm “má phanh”. Trong khi trên HNX, thậm chí chỉ số còn tăng khá trong phiên sáng.

Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên chiều, không còn gì để níu giữ, khi lượng hàng này về đến tài khoản, lệnh bán cứ thế liên tiếp tục tung ra với mức giá cứ thấp dần với mục đích làm sao thoát được càng sớm càng tốt khiến thị trường bị chìm trong sắc đỏ với hơn 200 mã giảm giá, VN-Index không chỉ “chào tạm biệt” mốc 600 điểm, mà còn lùi xuống dưới 590 điểm.

Lực bán tiếp tục tăng mạnh trong đợt ATC khiến bảng điện tử xuất hiện nhiều mảng “xanh mắt mèo”, màu sắc không mấy ưa thích của giới đầu tư và cũng lâu lắm mới xuất hiện nhiều.

Kết thúc phiên chiều, VN-Index giảm 13,79 điểm (-2,29%), xuống 588,06 điểm, phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/1. Tổng khối lượng giao dịch đạt 259 triệu đơn vị, giá trị 4.309,6 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 12,6 triệu đơn vi, giá trị 369,5 tỷ đồng (đáng chú ý là KDH, EIB và MSN được chuyển nhượng hơn 4,33 triệu đơn vị, 3 triệu đơn vị và hơn 1,2 triệu đơn vị, đóng góp hơn 230 tỷ đồng).

VN30-Index cũng chịu chung số phận khi giảm 17,88 điểm (-2,62%), xuống 664,87 điểm với chỉ có duy nhất PGD giữ sắc xanh nhạt, trong khi có 26 mã giảm giá.

Dù nhẹ hơn VN-Index, nhưng HNX-Index cũng mất luôn mốc 90 điểm, dù phiên sáng còn trên mốc 91 điểm khi giảm 1,33 điểm (-1,46%), xuống 89,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 160,4 triệu đơn vị, giá trị 1.839,89 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,73 triệu đơn vị, giá trị 56,13 tỷ đồng. HNX30-Index cũng giảm tới 3,26 điểm (-1,74%), xuống 183,5 điểm.

FLC sau khi cầm cự khá tốt trong phiên sáng, đã lao đầu đi xuống và đóng cửa ở mức giá sàn 14.000 đồng/cổ phiếu, giảm 1.000 đồng (-6,67%) với 15,37 triệu đơn vị. Trong khi ITA cũng không còn giữ được đà tăng với lực bán quá mạnh. Kết thúc phiên, ITA đứng ở mức tham chiếu 10.000 đồng với 24,13 triệu đơn vị được khớp.

Tương tự FLC, AGR cũng chốt phiên ở mức sàn 8.700 đồng/cổ phiếu với 3,72 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn.

Sắc tím chỉ còn xuất hiện hiếm hoi ở CIG, HSI, NVN, PTL, PXM, QCG, SJS, STT, VNG, VNI. Trong khi đó, ngoài FLC và AGR, còn có 38 mã khác bị nện sàn khi đóng cửa phiên hôm nay.

Các mã được khối ngoại mua vào khá tốt như HAG, DXG, DRC, CTD, BCI, VCB, SSI, PPC, HPG cũng không thể tăng điểm, trong đó chỉ có HPG và CTD giữ được mốc tham chiếu.

Trên HNX, PVX may mắn thoát mức giá sàn khi đóng cửa nhờ lực mua vào sau của nhà đầu tư mới và dòng tiền đảo danh mục của các nhà đầu tư đã chốt lời thành công trước đó. Chốt phiên, PVX đứng ở mức 6.300 đồng, giảm 500 đồng (-7,35%) với 17,47 triệu đơn vị được khớp.

SCR cũng bị hãm đà tăng khi đóng cửa ở mức 12.100 đồng, tăng 300 đồng với 13 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, bất ngờ nhất là SHB khi được đỡ giá rất tốt, đi ngược lại với xu thế chung của thị trường, đứng ở mức 11.600 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 100 đồng với 15,57 triệu đơn vị được khớp, dù phiên sáng có lúc giảm tới 600 đồng, xuống 10.900 đồng/cổ phiếu.

Các mã chứng khoán sau khi cố hồi trở lại trong phiên sáng đã phải cắm đầu lao xuống, nhiều mã chạm đáy khi chịu lực xả quá mạnh.

Dù xả mạnh trong phiên chiều nay, nhưng lượng hàng của phiên giao dịch cuối tuần trước vẫn chưa được hấp thụ hết, vẫn còn khoảng 130 triệu đơn vị, cộng với khoảng hơn 300 triệu đơn vị của phiên đầu tuần, báo hiệu phiên giao dịch ngày mai cũng không hề yên ả.

3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/3
Đầu tư lược trích phân tích một số cổ phiếu nhà đầu tư cần quan tâm khi bước vào phiên giao dịch ngày 26/3 của các công ty chứng khoán.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư