Sự hưng phấn tiếp tục thể hiện đầu phiên giao dịch chiều và VN-Index nhanh chóng vượt qua mốc 810 điểm. Nhưng tại đây, áp lực chốt lời bất ngờ gia tăng mạnh và trên diện rộng khiến VN-Index rơi thẳng về mốc tham chiếu. Nếu không có sự ổn định của “tam tấu” VNM - SAB – ROS, có lẽ VN-Index khó giữ sắc xanh.

Đóng cửa phiên giao dịch 28/9, với 151 mã tăng và 110 mã giảm, VN-Index tăng 1,05 điểm (+0,13%) lên 804,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 192,67 triệu đơn vị, giá trị 3.863,32 tỷ đồng, tăng 21,94% về lượng và 13,8% về giá trị so với phiên 27/9.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30,7 triệu đơn vị, giá trị 543,53 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 28/9
Diễn biến VN-Index phiên 28/9

Có thể nói, bộ 3 VNM, SAB và ROS là động cơ chính đẩy chỉ số trong phiên này. Với việc được đưa vào rổ chỉ số VN30 trong kỳ review mới đây, SAB đã hồi phục mạnh mẽ trong phiên này sau 3 phiên giảm sâu trước đó,

BHN thậm chí còn tăng trần lên 116.600 đồng/CP. BHN vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc miễn nhiệm và bầu thay thế thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2017 đối với đại diện vốn của cổ đông lớn Carlsberg.

Được biết, từ nay đến 30/9, nếu SAB và BHN chưa hoàn tất thủ tục thoái vốn thì quyền đại diện sở hữu Nhà nước tại 2 doanh nghiệp này của Bộ Công Thương được đề xuất giao lại cho SCIC.

Trong khi đó, VNM và ROS đều sớm tăng điểm và duy trì phong độ trong suốt phiên giao dịch. VNM tăng 07% lên 149.000 đồng. ROS cũng tăng 0, 7% lên 106.400 đồng và khớp 1,85 triệu đơn vị.

Trong rổ VN30, cổ phiếu ngân hàng tuy bị phân hóa mạnh, nhưng được giao dịch tích cực, nổi bật là STB và MBB. STB ngoài thỏa thuận “khủng” còn khớp lệnh tới 6,77 triệu đơn vị. Có lẽ thông tin được VAMC mua lại lượng lớn nợ xấu đã ảnh hưởng tích cực lên cổ phiếu này.

MBB khớp được 6,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, trong khi STB tăng 2,9% lên 12.600 đồng, thì MBB lại giảm 0,7% về 22.550 đồng.

Hôm nay là ngày chốt quyền trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 8% của VCB, cổ phiếu điều chỉnh về giá tham chiếu 36.900 đồng, đóng cửa tăng 0,9% lên 37.250 đồng và khớp 1,57 triệu đơn vị.

BID khớp lệnh 2,62 triệu đơn vị, song giảm mạnh 2,7% về 19.650 đồng. Nhiều mã lớn khác như PLX, VIC, HSG, CTG, FPT, KDC… cũng đồng loạt giảm, tạo gánh nặng cho chỉ số.

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó FIT, HAI, HAR, LDG, CCL… đều giảm sàn. Với FIT đây là phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, kéo giá cổ phiếu xuống dưới mệnh giá đạt 9.540 đồng, khớp lệnh 7,45 triệu đơn vị, chỉ bằng 1/3 so với phiên khớp lệnh kỷ lục 27/9. 

Trong khi đó, sàn HNX giao dịch khá trầm lắng. Cũng bởi sức cầu yếu nên sàn này đã không giữ được sắc xanh trong nửa cuối phiên.

Đóng cửa,  HNX-Index giảm 0,09 điểm (-0,08%) về 107,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,06 triệu đơn vị, giá trị 584,93 tỷ đồng, tăng 15,86% về lượng và 8,21% về giá trị so với phiên 27/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,32 triệu đơn vị, giá trị 387,97 tỷ đồng, trong đó ngoài NTP thỏa thuận 3,2 triệu đơn vị, giá trị 236,63 tỷ đồng, còn có thêm 7,25 triệu cổ phiếu SHS thỏa thuận, với tổng giá trị 123,96 tỷ đồng.

Một số mã lớn như ACB, SHS, PVC, NTP, BVS, DBC… vẫn duy được đà tăng, song vẫn không đủ nâng chỉ số.

ACB tăng 0,7% lên 30.300 đồng và khớp 1,22 triệu đơn vị. SHS tăng 0,6% lên 17.200 đồng và khớp 1,7 triệu đơn vị.

SHB khớp 7,5 triệu đơn vị, nhưng giảm 1,2% về 8.000 đồng. Các mã PVI, CEO, VCG, DGC… cũng giảm điểm.

Cũng như ngươi anh em FIT bên HOSE, mã KLF cũng giảm sàn phiên này về 4.200 đồng (-8,7%) và là phiên đo sàn thứ 4 liên tiếp. KLF khớp lệnh 21,76 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường và còn dư bán sàn và ATC hơn 2,3 triệu đơn vị.

Cũng giống như sàn HNX, sàn UPCoM cũng giao dịch đuối hẳn trong phiên chiều, khi hầu hết thời gian chìm trong sắc đỏ.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%) về 54,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,84 triệu đơn vị, giá trị 85,2 tỷ đồng, tương đương với phiên 27/9. Giao dịch thỏa thuận đạt 8,48 triệu đơn vị, giá trị 198,34 tỷ đồng.

ACV, SSN, VIB, MCH… là các mã lớn hiếm hoi còn tăng điểm, song thanh khoản đều yếu.

Khớp lệnh mạnh nhất sàn và cũng là mã duy nhất khớp trên 1 triệu đơn vị là KDF (1,117 triệu đơn vị), song cũng chỉ đứng giá tham chiếu 60.000 đồng. Tiếp theo là 2 mã GEX và SWC với lượng khớp tương ứng là 0,735 triệu và 0,545 triệu đơn vị, song đều giảm điểm.