Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Phiên 29/8: FIT nổi sóng, FLC giảm sàn
Nguyễn Tùng - 29/08/2017 18:07
 
Dù nỗ lực, nhưng VN-Index vẫn không thể thoát khỏi phiên giảm điểm hôm nay, khi nhóm VN30 bị bán mạnh cuối phiên. Điểm đáng lưu ý vẫn đến từ các mã thị trường khi nhóm FLC, HAI, ART bị bán mạnh và đồng loạt giảm sàn, thì FIT lại nổi sóng.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 29/8
Diễn biến VN-Index phiên ngày 29/8

Diễn biến thị trường cho thấy, ngay từ khi mở cửa, áp lực bán đã bao trùm thị trường, kéo VN-Index rơi thẳng về mốc 773 điểm. Đã có những nhịp hồi phục xuất hiện trong phiên, song đó dường như là cái cớ để lực bán gia tăng mạnh hơn sau đó. Điều này được thể hiện rõ nhất trong phiên giao dịch chiều, khi có thời điểm VN-Index đã hồi dần về mốc tham chiếu, trước khi lực bán gia tăng mạnh những phút cuối phiên, kéo chỉ số rơi trở lại mốc gần thấp nhất ngày.

Tuy chỉ số giảm điểm khá mạnh, nhưng thanh khoản thị trường vẫn được duy trì ở mức cao nhờ dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào một số mã “nóng” như FLC, HQC, HAI, FIT…   

Đóng cửa phiên giao dịch 29/8, với 164 mã giảm và 106 mã tăng, VN-Index giảm 3,23 điểm (-0,42%) về 774,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 264,84 triệu đơn vị, giá trị 4.341,76 tỷ đồng, tăng 2,5% về khối lượng, nhưng giảm 5% về giá trị so với phiên 28/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,86 triệu đơn vị, giá trị 224,73 tỷ đồng.

Tại nhóm cổ phiếu lớn, áp lực bán mạnh khiến nhiều mã giảm điểm, gây áp lực lớn lên chỉ số. Top 10 mã vốn hóa có tới 8 mã giảm điểm, trong đó tạo sức cản lớn nhất là SAB, VNM, MSN. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt yếu đà cũng là nguyên nhân khiến VN-Index mất điểm.

HPG, VIC, ROS, FPT và MWG là các mã xanh điểm hiếm hoi. HPG khớp 5,13 triệu đơn vị, ROS khớp 3,16 triệu và VIC khớp 1,05 triệu đơn vị.

SBT bất ngờ tăng trần lên 31.350 đồng/CP, khớp lệnh 2,58 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,2 triệu đơn vị. Được biết, hồi đầu tháng 8 này, cố phiếu SBT có chuỗi giảm điểm liên tục, trong đó có 4 phiên sàn liên tiếp, nhưng kể từ sau lãnh đạo công ty đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu từ ngày 11/8, cố phiếu này dần hồi phục và nổi bật là phiên tăng trần ngày hôm nay.

Áp lực bán mạnh khiến sức cầu có phần dè dặt tại nhóm cổ phiếu lớn, song đối với nhóm cổ phiếu nhỏ, đặc biệt là các mã đầu cơ như FLC, HQC, HAI, HAR… giao dịch lại hết sức nóng.

Sau chuỗi tăng trần liên tiếp 7 phiên, áp lực chốt lời mạnh xuất hiện khiến FLC nhanh chóng nằm sàn ngay khi mở cửa, song mã này vẫn cho thấy sức nóng bỏng tay bởi cầu bắt đáy vẫn rất lớn, khi vẫn có tới 60,12 triệu cổ phiếu được sang tên. Mặc dù vậy, trước lượng cung lớn với lượng dư bán sàn hơn 4,53 triệu đơn vị, FLC vẫn không thể thoát được mức sàn 8.520 đồng/CP (-7%).

Tương tự, HAI ghi nhận phiên giảm sàn thứ 2 liên tục về 11.750 đồng/CP (-6,7%), khớp lệnh 7,23 triệu đơn vị và còn dư bán sàn khá lớn. Một mã nóng khác là HAR cũng giảm sàn về 11.200 đồng/CP sau 2 phiên trần trước đó.

Ngược lại, FIT lại nổi sóng với lượng khớp 14,4 triệu đơn vị, cao nhất trong 3 tháng gần nhất, và còn dư mua 3,9 triệu đơn vị ở mức giá trần 12.300 đồng/CP.

Ngoài ra, các mã SKG, IJC, VOS cũng đạt sắc tím, thanh khoản khá cao. Với SKG, phiên tăng trần này đã chấm dứt chuỗi 8 phiên giảm điểm liên tục trước đó.

Trong khi đó, với thông tin động thổ đồng loạt 7 dự án, bên cạnh việc được miễn tiền sử dụng đất tại dự án HQC Trà Vinh, HQC giao dịch đột biến trong phiên này với 30,86 triệu đơn vị được sang tay, cao nhất trong vòng 3 tháng qua, nhưng kết phiên mất sắc tím, chỉ còn tăng nhẹ 0,3% lên 3,460 đồng/CP.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự HOSE. Nỗ lực đỡ giá giúp HNX-Index có thời điểm đã vượt qua tham chiếu,song áp lực bán mạnh cuối phiên khiến chỉ số này rơi thẳng về mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,37%) về 103,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,8 triệu đơn vị, giá trị 579 tỷ đồng, giảm 15% về lượng, song tăng nhẹ về giá trị so với phiên 28/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,39 tỷ đồng.

So với sàn HOSE, các mã lớn trên sàn này giao dịch có phần tích cực hơn. Các mã như ACB, LAS, VC3, VCS, DBC, DGC… đều tăng điểm. ACB khớp 4,26 triệu đơn vị, VC3 khớp 1,02 triệu đơn vị.

Ngoài ACB, các mã ngân hàng khác trên HXN giao dịch khá yếu. SHB đứng giá tham chiếu, khớp lệnh 4,7 triệu đơn vị, SHS giảm điểm, khớp lệnh 1,23 triệu đơn vị…

Dẫn đầu thanh khoản là KLF với 8,89 triệu đơn vị được khớp, song đã giảm sàn về 3.600 đồng/CP (-7,7%). Phiên trước KLF tăng trần.

Khác với 2 sàn chính, sàn UPCoM duy trì sắc xanh từ đầu đến cuối phiên, dù áp lực cũng gia tăng mạnh về cuối. Tuy nhiên, thanh khoản lại sụt giảm mạnh.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,03%) lên 54,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,9 triệu đơn vị, giá trị 89,24 tỷ đồng, giảm 34% về lượng và 55% về giá trị so với phiên 28/8. Tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận phiên này khá lớn, đạt 5,57 triệu đơn vị, giá trị 103,78 tỷ đồng không đáng kể.

Việc các mã lớn ACV, MSR, QNS, VGT, PVO… duy trì tốt sắc xanh góp phần giúp UPCoM-Index giữ được đà tăng.

Tuy nhiên, như đã nêu trên, thanh khoản lại sụt giảm mạnh bởi sức cầu quá yếu. Mã thanh khoản tốt nhất sàn là GEX cũng chỉ khớp lệnh 0,657 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2% về 19.700 đồng/CP.

Về thị trường phái sinh, phiên 29/8 có 5.777 hợp đồng được giao dịch, giá trị 434,27 tỷ đồng, giảm so với con số 5.889 hợp đồng được giao dịch, giá trị 439,69 tỷ đồng của với phiên 28/8.

Phần xét hỏi đại án OceanBank: Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh đùn đẩy trách nhiệm khoản vay 500 tỷ đồng
Chiều nay (29/8), Tòa án nhân dân Hà Nội tiếp tục phiên xét xử đại án OCeanBank. Phần xét hỏi đầu tiên là về hành vi vi phạm quy định về cho vay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư